25/11/2023 - 23:43

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công 

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Tính đến trung tuần tháng 11-2023, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của TP Cần Thơ đạt gần 79% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, đứng thứ 5/13 địa phương ở ÐBSCL. Phát huy những kết quả đạt được, thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận huyện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án và giải ngân hết số vốn được giao.

Giai đoạn nước rút

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, đến hết ngày 19-11-2023, nguồn vốn đầu tư công của thành phố giải ngân được trên 6.168,3 tỉ đồng/8.450,78 tỉ đồng vốn bố trí, đạt 78,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 73% kế hoạch vốn thực hiện được HÐND thành phố giao chi tiết. Nguồn vốn giải ngân tăng trên 1.828,4 tỉ đồng về giá trị tuyệt đối và tăng 15,97% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có 5 nguồn vốn giải ngân trên 75%, 2 nguồn vốn giải ngân trên 50% đến 75%, 3 nguồn vốn giải ngân dưới 50%. Cấp thành phố có 29 chủ đầu tư, 116 dự án được bố trí kế hoạch vốn, kết quả giải ngân 4.528,661/6.421,340 tỉ đồng, đạt 70,53%; cấp quận, huyện giải ngân 1.639,661/2.029,440 tỉ đồng, đạt 80,8% kế hoạch vốn.

Theo báo cáo của UBND thành phố, kết quả giải ngân hơn 10 tháng năm 2023 tăng so với các năm trước cả về giá trị và tỷ lệ, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng luôn là khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, nhất là những dự án hạ tầng giao thông, kè chống sạt lở bờ sông. Ðiển hình như một số dự án: Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ; Ðường Vành đai sân bay Cần Thơ kết nối đường Lê Hồng Phong đến quốc lộ 91B, giai đoạn 1: Ðoạn từ nút giao thông đường Võ Văn Kiệt đến Km1+675; Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị… do phạm vi và đối tượng ảnh hưởng nhiều, có nhiều trường hợp gặp khó khăn trong quá trình xét tính pháp lý, tổ chức chi trả bồi hoàn.

Một công trình trường học ở huyện Phong Điền vừa mới thi công hoàn thành đưa vào sử dụng.

Một công trình trường học ở huyện Phong Điền vừa mới thi công hoàn thành đưa vào sử dụng.

Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, giá nguyên vật liệu tăng cao cùng với phát sinh tăng chi phí giải phóng mặt bằng dẫn đến vượt tổng mức đầu tư dự án được duyệt, trong điều kiện nguồn vốn thuộc kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu, ảnh hưởng đến việc thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, từ đó làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, không đủ mặt bằng giao cho các đơn vị thi công... Một số chủ đầu tư còn vướng mắc trong khâu lập dự án đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, dẫn đến chậm phê duyệt dự án, đấu thầu không kịp theo kế hoạch đã được duyệt. Tiến độ thực hiện các khu tái định cư còn chậm, ảnh hưởng đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng một số dự án, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án có sử dụng vốn ODA.

Thời gian thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 còn lại không nhiều, Ban cán sự đảng UBND thành phố đã lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư khẩn trương quán triệt, thực hiện nghiêm những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công không để nợ đọng xây dựng cơ bản.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương

Là một trong số những chủ đầu tư được giao nguồn vốn lớn để tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ đặt mục tiêu đến cuối năm sẽ giải ngân trên 95% số vốn được giao. Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố, cho biết: Theo kế hoạch vốn được giao đầu năm, Sở đã giải ngân 783,3 tỉ đồng/841 tỉ đồng, đạt 93,1% kế hoạch vốn. Sau 2 đợt bổ sung vốn vào tháng 7 và tháng 11-2023 với số vốn bổ sung 242 tỉ đồng, nâng tổng số vốn đầu tư công được giao năm 2023 là 1.084 tỉ đồng nên tỷ lệ giải ngân hiện giảm còn 72,3%. Trong các dự án trọng điểm của thành phố, dự án đường Vành Ðai Phía Tây là dự án được giao vốn lớn nhất với trên 778 tỉ đồng đã giải ngân đạt trên 75% và dự kiến đến cuối năm sẽ giải ngân 100% số vốn của dự án này. Dự án Cầu Tây Ðô đến cuối năm sẽ giải ngân hết vốn bố trí đầu năm và vốn được bổ sung cho công tác giải phóng mặt bằng. Sở cũng cam kết đến cuối năm sẽ giải ngân hết đối với các dự án đầu tư công do Sở làm chủ đầu tư.

Trong thời gian còn lại của năm 2023, các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 260-CT/BCSÐ ngày 21-7-2023 của Ban cán sự Ðảng UBND thành phố về tăng cường lãnh đạo nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công; chấn chỉnh xử lý các hành vi thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ. Kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân làm chậm trễ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện ngay điều chuyển cán bộ, công chức khi cần thiết; đánh giá khách quan, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vào cuối năm 2023. Thực hiện phân công nhiệm vụ và yêu cầu trách nhiệm công việc rõ ràng đối với từng cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đã bố trí. Giám sát chặt chẽ, hiệu quả quá trình tổ chức thi công; đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhất là những dự án sắp hết thời gian thực hiện, các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn ngân sách trung ương, các dự án trên địa bàn Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng.

Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, thành phố sẽ xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm các quy định về thi công, hợp đồng. Thực hiện đăng tải trên Cổng thông tin thành phố, Sở Xây dựng, UBND quận, huyện... đối với các nhà thầu vi phạm trong quá trình thi công, kéo dài thời gian thực hiện hoàn thành dự án và tùy theo từng trường hợp cụ thể, đề xuất UBND thành phố xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Ðồng thời, trong quá trình thực hiện không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các chủ đầu tư cũng như tiến độ thực hiện của các công trình. Tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của các nhà thầu tham gia xây dựng công trình theo đúng quy định. Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ðấu thầu và các Nghị định, văn bản hướng dẫn có liên quan, đảm bảo chất lượng và hiệu quả trong công tác đấu thầu; thực hiện đúng quy định lộ trình đấu thầu qua mạng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy, đề nghị Ban cán sự Ðảng UBND thành phố có các giải pháp tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư lớn, được bố trí nhiều vốn như Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố, Ban Quản lý dự án ODA, Sở Giao thông vận tải… nỗ lực giải ngân vốn. Ðồng thời, lãnh đạo Ban cán sự Ðảng, UBND thành phố cùng các sở, ngành, các chủ đầu tư, địa phương tăng cường kiểm tra thực tế để chỉ đạo quá trình thực hiện các dự án. Qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc pháp lý cho từng dự án. Ðẩy nhanh tiến độ triển khai thi công dự án, nhất là những nơi người dân có sự đồng thuận cao, những nơi người dân sẵn sàng giao mặt bằng mặc dù chưa nhận tiền bồi thường. Cần tiếp tục chỉ đạo để cân đối, bố trí nguồn vốn cho các dự án trọng điểm cho giai đoạn đầu tư công từ đây đến năm 2025 và chuẩn bị vốn cho các dự án gối đầu qua nhiệm kỳ mới. Quan tâm kiện toàn nhân sự ở các ban quản lý dự án, các sở, ngành được giao nhiệm vụ chủ đầu tư để triển khai và quản lý dự án chuyên nghiệp. Ðề cao kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, sở ngành, quận, huyện trong đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nêu gương và khen thưởng những cơ quan, đơn vị tiêu biểu, tích cực, làm mạnh, làm tốt, cũng như nêu đích danh, phê bình những nơi làm chưa tốt để tạo ra động lực chung trong triển khai nhiệm vụ đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công.

Chia sẻ bài viết