Thay vì sản xuất lúa 3 vụ trong năm, thời gian qua có nhiều nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã thực hiện mô hình luân canh giữa lúa và rau màu, nhất là chuyển từ lúa sang trồng rau màu trong vụ hè thu. Với mô hình này, nông dân vừa tiết kiệm được nước tưới, vừa chủ động thích ứng được điều kiện sản xuất bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra, nâng cao hiệu quả trồng trọt và tăng thu nhập.
Trồng khoai lang trên nền đất ruộng tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Hè thu là vụ sản xuất gặp nhiều điều kiện thời tiết bất lợi như tình trạng nắng nóng và khô hạn, nên nông dân phải tốn nhiều chi phí bơm tưới nước cho cây trồng, nhất là đối với sản xuất lúa. Do vậy, việc chuyển đổi sang trồng các loại rau màu và cây trồng trên cạn không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất nhờ sử dụng nước tiết kiệm mà còn nâng cao được hiệu quả sản xuất. Thực tế cho thấy, nhiều loại rau màu trồng trên nền đất ruộng trong vụ hè thu 2024 khá trúng mùa và bán được giá cao nên thu nhập của nông dân được nâng cao so với làm lúa.
Ông Nguyễn Văn Sang ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn, có 4 công đất trồng đậu bắp trong vụ hè thu 2024, cho biết: “Vụ hè thu 2024 tôi không sản xuất lúa mà chuyển sang trồng đậu bắp trên nền đất ruộng nhằm tiết kiệm nước tưới và thích ứng với điều kiện thời tiết nắng nóng. Nhờ đậu bắp đạt năng suất cao so với lúa và giá bán thời gian qua cũng ở mức khá cao, với nhiều thời điểm có giá lên đến 10.000-20.000 đồng/kg, do vậy tôi có thể thu được lợi nhuận từ 15-20 triệu đồng/công/vụ, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa trong vụ hè thu. Đậu bắp thường trồng khoảng 1 tháng 20 ngày là bắt đầu cho thu hoạch trái và thời gian thu hoạch có thể kéo dài hơn 1 tháng. Năng suất đậu bắp có thể đạt 1,5-2 tấn/công/vụ”. Anh Nguyễn Văn Cường ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, đã trồng 13 công mướp hương trên nền đất lúa. Thời điểm này, ruộng mướp của anh bước vào thu hoạch trái rộ, với giá bán trái mướp tại ruộng trong những ngày qua đạt từ 8.000-10.000 đồng/kg. Anh Cường cho biết: “Mướp hương có thể cho năng suất trái từ 2-3 tấn/công/vụ trở lên. Với giá bán ở mức cao như thời gian qua, nông dân có thể kiếm lời từ 10-20 triệu đồng/công, tùy theo năng suất. Mức lợi nhuận này cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa”.
Vụ hè thu 2024, nông dân tại các quận, huyện ở TP Cần Thơ đã phát triển trồng nhiều loại rau màu trên nền đất ruộng như dưa leo, mướp hương, các loại bầu, bí, cà, ớt, bắp, đậu bắp, đậu nành, khoai lang, dưa hấu, cây mè... Năm nay, nhiều loại rau màu có giá bán khá cao, nhất là các loại rau ăn quả, từ đó giúp người trồng có được thu nhập khá tốt, bà con rất phấn khởi. Dù vậy, hiện nông dân tại nhiều nơi vẫn còn gặp khó trong phát triển trồng rau màu do nhiều khâu trong quá trình sản xuất chủ yếu còn được làm thủ công, chưa có các máy móc làm thay sức người. Nhiều nông dân cũng chưa dám đẩy mạnh chuyển đổi từ sản xuất lúa sang các mô hình luân canh lúa-màu hay chuyên canh trồng màu trên nền đất ruộng. Nguyên nhân do nông dân sợ trồng rau màu không đạt hiệu quả vì chưa rành các kỹ thuật canh tác, cũng như còn gặp khó về vốn đầu tư. Dù nhiều loại rau màu có thể giúp mang về lợi nhuận cao so với lúa nhưng nó thường đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn hơn so với trồng lúa. Thời gian qua, nông dân tại nhiều nơi cũng còn ngán ngại trong phát triển trồng rau màu trên nền đất ruộng do giá đầu ra nhiều loại rau màu còn bấp bênh, trong khi lúa đang bán được giá cao so với nhiều năm trước.
Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi các diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả và có nguy cơ bị thiếu nước tưới trong vụ hè thu sang trồng rau màu ít sử dụng nước và có khả năng chống chịu cao với nắng hạn là rất cần thiết. Cách làm này không chỉ giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần cải tạo đất, đồng thời giúp “cắt đứt” các mầm sâu bệnh trong sản xuất lúa, từ đó tạo nhiều thuận lợi để các vụ sản xuất lúa sau được trúng mùa và giảm chi phí. Ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ người dân tháo gỡ kịp thời các khó khăn và trở ngại trong việc phát triển trồng rau màu, nhất là trồng trên nền đất ruộng.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG