18/02/2020 - 09:02

Tăng sức cạnh tranh cho ngành hàng tôm xuất khẩu 

Năm 2020, dự báo ngành hàng tôm có thể sẽ gặp cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu (XK), nếu tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài. Ở vùng nuôi tôm ven biển ĐBSCL đang vào vụ nuôi mới, cần làm gì để tăng sức cạnh tranh?

Khó dự đoán thị trường

Qua một tháng đầu năm tôm xuất khẩu vẫn giữ nhịp tiêu thụ khá tốt. Tuy nhiên, theo các công ty xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL, thị trường XK tôm sắp tới khó dự đoán trong tình hình các nước đang ứng phó trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV). Giám đốc một công ty xuất khẩu thủy sản khu vực bán đảo Cà Mau cho rằng: Trong tình hình dịch COVID-19 còn lây lan diễn biến phức tạp thật khó dự liệu về thị trường XK tôm sắp tới. Bởi hiện đã có một số mặt hàng trái cây XK chịu ảnh hưởng khi XK sang thị trường Trung Quốc.

Nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao ở Sóc Trăng. Ảnh: Xuân Trường

Căn cứ vào tình hình tiêu thụ tôm vào dịp cuối năm 2019, nhất là dịp đón lễ Noel và mừng năm mới 2020, phần lớn các thị trường lớn tiêu thụ tôm khá tốt. Đó là tín hiệu lạc quan. Thế nhưng khi vừa qua tháng đầu năm 2020, do tình hình dịch COVID-19, dự báo sắp tới có thể đảo lộn mọi toan tính về kinh doanh tôm. Đặc biệt một trong những thị trường trọng điểm là Trung Quốc, khi người dân hạn chế đến đám đông, mức tiêu thụ chung sẽ giảm, trong đó có tôm.

Hằng năm, Trung Quốc nhập khẩu trên 500.000 tấn tôm thẻ chân trắng đông lạnh từ Ecuador và Ấn Độ, một phần tôm sú từ Việt Nam. Nếu sức mua từ Trung Quốc giảm mạnh, Ấn Độ sẽ chào hàng tôm nhiều hơn và bán giá sẽ rẻ hơn tới thị trường Hoa Kỳ. Tôm Ecuador chào hàng mạnh hơn tới thị trường các nước EU (vì Ecuador vừa có FTA với EU). Như vậy, chắc chắn thị trường nhập khẩu tôm thế giới sẽ tác động tới tình hình tiêu thụ tôm của Việt Nam và giá tôm sẽ giữ ở mức thấp. Do đó, nếu dịch COVID-19 kéo dài sẽ ảnh hưởng mặt hàng tôm Việt Nam trong dài hạn.

Song, hoạt động XK tôm không ảm đạm. Riêng vùng nuôi tôm ở ĐBSCL đang vào vụ nuôi mới và lợi thế là còn có tôm sú, nếu Trung Quốc giảm mua tôm sú vẫn có thể chuyển hướng bán sang thị trường Hoa Kỳ. Tuy giá bán gặp cạnh tranh, nhưng tiêu thụ dễ dàng. Mặt thuận lợi của tôm Việt Nam là trình độ chế biến cao và cơ cấu thị trường tốt. Vấn đề còn lại hiện thời xuất phát từ khó khăn nội tại của vùng nuôi là dịch bệnh tôm tiềm ẩn. Bệnh vi bào tử trùng ở tôm (EHP) chưa có phác đồ điều trị.

Tìm lợi thế kỹ thuật, công nghệ

Theo các chuyên gia kinh tế thủy sản, tôm vẫn được thị trường tiêu thụ tốt, do người tiêu dùng ưa chuộng, bởi tôm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, thơm ngon. Sản lượng tôm thế giới luôn tăng nhẹ khoảng 5-7%/năm. Nhưng có thể còn có các yếu tố tác động như vùng nuôi bị ảnh hưởng bởi thời tiết, dịch bệnh và sự tính toán cân đối cung- cầu. Hiện nay, tương ứng sức cung, nhưng sức cầu không tăng mạnh, do giá tôm còn khá cao so với cá, thịt.

Trước áp lực cạnh tranh tất yếu sẽ diễn ra gay gắt, để ứng phó thị trường tôm giá rẻ từ Ấn Độ, Ecuador, ngành tôm Việt Nam cần nuôi tôm với giá thành thấp và đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, vùng ĐBSCL bên cạnh vùng nuôi tôm quảng canh rộng lớn, nuôi tôm công nghệ cao đang là xu thế mới được các doanh nghiệp, trang trại nuôi tôm thâm canh ở Sóc Trăng, Bạc Liêu áp dụng đạt hiệu quả khá, chủ động phòng tránh dịch bệnh. Công nghệ nuôi tôm là một nhân tố quyết định khả năng tăng mức tiêu thụ. Công nghệ nuôi tôm có nhiều thay đổi, công nghệ thâm canh kỹ thuật cao, năng suất cao bắt đầu định hình.

Qua kinh nghiệm trại nuôi tôm thành công của một doanh nghiệp ở Sóc Trăng cho thấy, sức sống tôm giống thả nuôi quyết định trên 50% thành bại ao nuôi. Tôm khỏe, sạch bệnh, mau lớn sẽ dễ vượt qua thử thách thời tiết hoặc dịch bệnh nhẹ. Yếu tố thứ hai tác động kết quả ao nuôi là môi trường nuôi (nước nuôi, nhiệt độ, gió, mức an toàn sinh học ao nuôi…). Trong đó, nước nuôi có ảnh hưởng hàng đầu. Hai yếu tố căn bản trong nuôi tôm là con giống và kiểm soát nước được giải quyết tốt sẽ làm tăng hệ số thu hồi, tăng năng suất, góp phần làm giảm giá thành nuôi tôm.

Mục tiêu chung của tôm Việt Nam để tăng sức cạnh tranh hơn nữa cần làm là nuôi an toàn, không lạm dụng hóa chất, kháng sinh, công nghệ cao, thâm canh cao, năng suất cao, tỷ lệ thu hồi cao và giá thành thấp. Về mô hình nuôi tiên tiến, hiện nay có nhiều đơn vị quảng bá mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả. Hiện nay nhiều trại nuôi tôm quy mô lớn ở Sóc Trăng, Bạc Liêu cho biết một số quy trình nuôi như quy trình CPF Combine Model của hãng C.P Việt Nam, quy trình nuôi siêu thâm canh trong nhà kín của Việt - Úc đang được nhân rộng.

Theo C.P Việt Nam, mục tiêu kỳ vọng đạt 25.000 ao nuôi theo mô hình được C.P quảng bá và hướng dẫn, đạt sản lượng nửa triệu tấn. Mô hình nuôi của Việt-Úc đạt năng suất hàng trăm tấn trên héc-ta, tuy chưa phổ biến rộng nhưng chủ đầu tư đã đề ra chương trình hình thành khoảng một ngàn héc-ta nuôi trên cả ba miền đất nước. Cả hai mô hình mới nổi lên này đều có khả năng nhân rộng, phổ biến.

Trong 5 năm (2015-2019), kim ngạch XK tôm Việt quanh quẩn ở mức 3,4- 3,5 tỉ USD. Mức tăng trưởng trung bình trong 5 năm qua chưa tới 5%. Giá thành tôm nuôi Việt Nam tuy có cải thiện nhưng còn cao, chưa tăng mạnh sản lượng tiêu thụ. Sản lượng chung tăng trưởng trong khoảng 5%. Hướng tới năm 2025 kỳ vọng XK tôm đạt 10 tỉ USD, tăng gần gấp ba kim ngạch XK năm 2019.

HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết