01/07/2023 - 19:47

Tăng năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế

Đến tháng 6-2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết tiếp tục điều hành mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay ở mức 14-15%. Ðể tăng năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, từ tháng 3-2023 đến tháng 6-2023, NHNN cũng đã điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành, với mức giảm từ 0,5% đến 2%/năm. Cụ thể đã giảm 1,5%/năm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu, giảm 2%/năm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD); giảm 0,5-1,25%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.  

Theo NHNN, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay có xu hướng giảm dần. Cụ thể, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022). Trong tháng 5-2023, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,5-11,2%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,5%/năm. Lãi suất cho vay bình quân đồng Việt Nam đã giảm 1%/năm so với cuối năm 2022. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Song, bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và thách thức khó lường, đơn hàng, thị trường sụt giảm, cùng với đó là các rủi ro về tỷ giá đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm nay, bình quân một tháng có 16.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 6 tháng là 60.200 doanh nghiệp, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9% và 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. 

Lãnh đạo NHNN cho biết, dư địa cho vay của các ngân hàng thương mại còn khá nhiều, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm, đây là cơ sở để các TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay thời gian tới. Theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 20-6-2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm trước tăng 3,30%). Huy động vốn của các TCTD tăng 3,26% (cùng kỳ năm trước tăng 3,97%); tăng trưởng tín dụng đạt 3,13% (cùng kỳ năm trước tăng 8,51%). Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Theo NHNN, nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, ngoài ra một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Thực tế hiện nay, lãi suất cho vay và huy động của các ngân hàng thương mại đã được điều chỉnh giảm theo diễn biến cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Theo các chuyên gia, việc tăng năng lực hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, cũng như cả nền kinh tế cần nhiều chính sách và quan trọng hơn là sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, sự chuyển động của doanh nghiệp để giải quyết bài toán cầu thị trường đang thấp điểm, khi hàng hóa khơi thông, nhu cầu tín dụng sẽ tăng trở lại.

GIA BẢO

 

Chia sẻ bài viết