09/09/2023 - 22:32

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

SONG NGUYÊN

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến 29-8-2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỉ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022. Mức tăng này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 9,87%), nhưng phù hợp với bức tranh chung của nền kinh tế hiện nay.

Tín dụng tăng thấp không xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng, mà năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) không cao, do tác động của tổng cầu yếu, năng lực sản xuất kinh doanh của DN còn hạn chế... Năm 2023, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 14%, nên vẫn còn nhiều dư địa, bởi thanh khoản ngân hàng đang dồi dào. Vậy nên cần giải pháp toàn diện và được triển khai đồng bộ để tăng khả năng tiếp cận vốn của DN, người dân nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế thời gian qua, các chính sách tiền tệ liên quan đến lãi suất, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện tiếp cận tín dụng, các gói hỗ trợ đặc thù với lãi suất thấp; cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ... mà các ngân hàng triển khai đã góp phần tích cực cho thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Song, việc tổng cầu cả trong và ngoài nước đều suy giảm, phục hồi rất chậm, thậm chí vẫn còn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, nhiên liệu... đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất doanh của DN. Thị trường sụt giảm thì DN cũng không có nhu cầu vay vốn, nên tín dụng tăng trưởng thấp, không đạt kỳ vọng.

Tại cuộc họp mới đây, NHNN cũng đề xuất 4 nhóm giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Cụ thể là kích cầu đầu tư, tiêu dùng để thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; phát triển thị trường trái phiếu DN, bất động sản; nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của DN và nhóm giải pháp về tín dụng, lãi suất.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ, nhất là chính sách giảm lãi suất không còn nhiều. Trong bối cảnh tổng cầu trong và ngoài nước đều giảm, để khôi phục niềm tin kinh doanh cho DN thì cần có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài chính trong việc kích cầu tiêu dùng, giải ngân vốn đầu tư công, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tận dụng tối đa các FTA đang có hiệu lực...

Theo các chuyên gia kinh tế, ngân hàng cần đảm bảo an toàn hệ thống, DN cần tái cấu trúc lại để phản ứng linh hoạt hơn trong bối cảnh rủi ro và thách thức gia tăng. Đồng thời tính toán đúng, đủ để hỗ trợ các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng đạt mục tiêu thì mới có thể khơi dòng chảy tín dụng vào sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, các chính sách tài chính và tiền tệ đều có độ trễ nhất định. Vậy nên, tăng năng lực hấp thụ vốn tín dụng cho DN và người dân thì cần có sự đồng hành, lắng nghe nhau giữa các bên liên quan để thấu hiểu nhau, cùng tìm giải pháp vượt khó. Các chính sách điều hành vĩ mô cần đảm bảo cân bằng, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Các cơ quan chuyên môn, địa phương cần rà soát, nhanh chóng hoàn thiện, đề xuất sửa đổi các quy định không còn phù hợp nhằm đảm bảo tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho DN và người dân; khơi dậy niềm tin thị trường để DN tăng niềm tin kinh doanh.

Chia sẻ bài viết