Thời gian qua, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trên địa bàn TP Cần Thơ không ngừng gia tăng. Đến ngày 30-6-2019, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện là 5.055 người (tăng 2.726 người so với cuối năm 2018), đạt 194,2% so với chỉ tiêu Quyết định 03 của UBND TP Cần Thơ (2.603 người) và đạt 86,72% chỉ tiêu giao BHXH Việt Nam giao (5.829 người). Để đạt được chỉ tiêu của BHXH Việt Nam giao, TP Cần Thơ cần phát triển mới thêm 774 người tham gia BHXH tự nguyện. Ngành BHXH thành phố triển khai, thực hiện nhiều giải pháp, nhằm sớm hoàn thành chỉ tiêu này.

Đại lý thu BHYT, BHXH tự nguyện ở huyện Vĩnh Thạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện.
Qua công tác tuyên truyền, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố ngày càng tăng, nhất là số người đã từng tham gia BHXH bắt buộc, nay đã nghỉ việc tại chỗ làm cũ, tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đủ thời gian, để được hưởng các chế độ chính sách theo quy định. Bà Nguyễn Thị Lan, ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, làm việc tại một công ty chế biến thủy sản hơn 15 năm. Sau khi nghỉ việc, bà tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Bà Lan cho biết: “Từ khi nghỉ việc, tôi mở quán giải khát, buôn bán tại nhà. Nhờ có “đồng ra, đồng vô”, tôi tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, để khi về già có một khoản tiền, xoay xở cuộc sống lúc xế chiều”.
Theo Luật BHXH năm 2014, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện không bị khống chế mức trần về tuổi. Cụ thể, nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên đều được tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện với phương thức đóng linh hoạt (ngoài phương thức đóng hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần) như đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm (60 tháng) một lần. Người tham gia BHXH tự nguyện cũng có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc BHXH quận Bình Thủy, về mức đóng, Luật BHXH năm 2014 cũng đã hạ thu nhập người tham gia lựa chọn làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng. Thời điểm đóng cũng nới rộng khoảng thời gian đóng tiền kể từ ngày đăng ký tham gia hoặc từ ngày thực hiện xong phương thức đóng trước đến thời điểm người tham gia đóng tiền. Bên cạnh đó, kể từ ngày 1-1-2018, Nhà nước triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, mức hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo, bằng 10% đối với các đối tượng khác...
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện cũng được các địa phương quan tâm, thực hiện thường xuyên, liên lục, có hiệu quả. Số lượng người lao động tham gia BHXH tự nguyện ở các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ không ngừng tăng. Đến ngày 30-6-2019, số người tham gia BHXH tự nguyện là 5.055 người (tăng 2.726 người so với cuối năm 2018), đạt 194,2% so với chỉ tiêu Quyết định 03 của UBND thành phố (2.603 người) và đạt 86,72% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao (5.829 người). Số người tham gia BHXH tự nguyện còn phải phát triển mới đến cuối năm là 774 người, theo chỉ tiêu của BHXH Việt Nam.
Để sớm đạt chỉ tiêu được giao, TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, nhằm thu hút đối tượng tham gia. Theo ông Trần Văn Minh, Giám đốc BHXH TP Cần Thơ, sắp tới, BHXH thành phố sẽ phối hợp với Bưu điện, UBMTTQ và các đoàn thể tiếp tục phối hợp với các quận, huyện và UBND xã, phường, thị trấn trong chỉ đạo thực hiện tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, xác định rõ đối tượng, lập danh sách cụ thể mời tham gia BHXH tự nguyện để có cách tiếp cận, xây dựng kế hoạch, mục tiêu, giải pháp phù hợp theo nhóm đối tượng, điều kiện cụ thể.
Bài, ảnh: Chấn Hưng