Chúng tôi đến Trường Tiểu học Thị trấn Phong Điền 2 (thị trấn Phong Điền) khi các em học sinh (HS) khối lớp 4-5 đang cùng thầy Đinh Trung Hậu, Tổng phụ trách đội của trường, tìm hiểu về ý nghĩa các biển báo thông qua mô hình giảng dạy Luật giao thông đường bộ. Với sự hướng dẫn sinh động của thầy, nhiều em học sinh thích thú khi biết thêm các kiến thức mới. Em Nguyễn Nhật Quỳnh, HS lớp 5 của trường, cho biết: "Thời gian qua, được thầy cô dạy về Luật giao thông đường bộ, em học được nhiều điều bổ ích. Em đã biết phân biệt các biển báo cấm dừng và đậu xe, biển báo cấm xe đạp, ô tô, xe máy, những biển cảnh báo nguy hiểm, khi nào được đi thẳng và rẽ trái, nơi nào có cầu
Biết Luật giao thông đường bộ, em sẽ không vi phạm và nhắc nhở người thân chấp hành luật".
 |
Thầy Đinh Trung Hậu, Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Thị trấn Phong Điền 2, hướng dẫn HS tìm hiểu ý nghĩa các biển báo giao thông. |
Theo thầy Đinh Trung Hậu, Trường Tiểu học Thị trấn Phong Điền 2, nằm trên tỉnh lộ 923 và cạnh bến phà Vàm Xáng, mật độ giao thông khá đông, nhất là vào giờ đưa rước HS. Trước tình hình trên, vào giờ tan học, ngày nào thầy cô ở trường cũng giăng dây dẫn HS qua đường, đồng thời thường xuyên nhắc nhở phụ huynh đậu xe đúng nơi quy định, không chen lấn, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Từ trước đến nay, công tác tuyên truyền Luật giao thông đường bộ trong HS là một trong những hoạt động chính của trường. Năm học 2012-2013, hưởng ứng phong trào do Huyện đoàn phát động, Trường Tiểu học Thị trấn Phong Điền 2 đăng ký xây dựng Cổng trường an toàn giao thông, thì việc tuyên truyền ngày càng được đẩy mạnh bằng nhiều hoạt động thiết thực, được HS nhiệt tình hưởng ứng.
Thông qua sách báo, tranh ảnh ở thư viện, các buổi sinh hoạt dưới cờ, những buổi phát thanh măng non, trường tổ chức tuyên truyền Luật giao thông, vận động HS đội mũ bảo hiểm, giải đáp những thắc mắc của các em. Thầy Đinh Trung Hậu cho biết: "Các em tuổi nhỏ, hiếu động nên phải nhắc nhở thường xuyên, nếu không sẽ quên. Vấn đề các em hay quan tâm là bao nhiêu tuổi mới được phép đi xe đạp của người lớn, khi nào qua đường cần người lớn dẫn và đi làm sao cho an toàn... Từ khi biết luật, các em có sự thay đổi rõ rệt về mặt nhận thức. Trước đây, có một số em đi trên đường hay chạy nhảy hoặc chạy xe đạp hàng ba hàng năm nói chuyện, đùa giỡn, thầy cô phát hiện, nhắc nhở, nay tình trạng đó không còn".
Để tạo sự hứng thú cho HS trong việc tìm hiểu Luật giao thông đường bộ, thầy Đinh Trung Hậu đang thiết kế chương trình "Rung chuông vàng" thi kiến thức về Luật giao thông đường bộ giữa HS với nhau, tổ chức những trò chơi dân gian gắn với việc học và tìm hiểu về chủ đề này...
Thầy Võ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Phong Điền 2, chia sẻ: "Trường luôn tạo điều kiện và ủng hộ công tác tuyên truyền Luật giao thông đường bộ trong HS tiểu học. Điều này không chỉ giúp các em nâng cao ý thức chấp hành luật, góp phần hình thành văn hóa ứng xử giao thông mà còn biết tự bảo vệ tính mạng, tài sản của mình và người khác khi tham gia lưu thông trên đường".
Bài, ảnh: KIỀU CHINH