28/05/2019 - 09:50

Tăng cường quản lý chặt chẽ thu-chi của các dự án BOT giao thông 

Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai đồng bộ giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật các khoản thu-chi của các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, đảm bảo toàn bộ nguồn thu của dự án sau khi trừ đi các chi phí cho dự án được sử dụng ngay để hoàn trả vốn đầu tư.

Tình trạng các dự án BOT bị hụt thu có dấu hiệu lan rộng là vấn đề đáng quan ngại trong hoạt động thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. (Ảnh minh hoạ)

Đây là nội dung chính được nêu trong Chỉ thị vừa được Bộ GTVT ban hành về việc tăng cường công tác quản lý kiểm soát doanh thu đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT lĩnh vực đường bộ.

Nội dung Chỉ thị tiếp tục khẳng định, chủ trương xã hội hoá đầu tư theo Nghị quyết số 13 Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã đạt được kết quả nhất định, nhiều công trình dự án đưa vào khai thác góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng, giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

Để tăng cường quản lý nhà nước đối với các khoản thu-chi của các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT do Bộ GTVT quản lý, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam giám sát, kiểm tra (định kỳ, đột xuất) công tác tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Tổng cục Đường bộ triển khai đồng bộ giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật các khoản thu-chi của các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, đảm bảo toàn bộ nguồn thu của dự án sau khi trừ đi các chi phí cho dự án được sử dụng ngay để hoàn trả vốn đầu tư.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp với các ngân hàng cho vay vốn đầu tư dự án phục vụ công tác giám sát, kiểm tra lãi suất vay và việc sử dụng nguồn thu của nhà đầu tư.

Tổng cục cũng phải thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn kinh doanh, khai thác theo quy định tại Thông tư số 50/2018 của Bộ GTVT và các nhiệm vụ được Bộ GTVT giao; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng về việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao.

Vụ Đối tác công-tư (Vụ PPP) tham mưu Bộ GTVT tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan để báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các tồn tại, bất cập đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, tuyên truyền về chủ trương, các kết quả đạt được và các giải pháp xử lý bất cập đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT do Bộ GTVT quản lý.

Vụ Tài chính được giao chỉ đạo các ban quản lý dự án được Bộ GTVT giao nhiệm vụ, chủ đầu tư các dự án BOT khẩn trương hoàn thành công tác quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình làm cơ sở tính toán, điều chỉnh thời gian hoàn vốn đầu tư dự án; Chủ trì theo dõi, chỉ đạo thực hiện công tác quyết toán thu - chi trong giai đoạn kinh doanh, khai thác công trình dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng, hình thức đối tác công tư nói chung.

Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác sửa chữa, bảo trì công trình dự án; các khoản chi phục vụ công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa và bảo trì công trình dự án.

Thanh tra Bộ triển khai công tác thanh tra đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT lĩnh vực đường bộ do Bộ GTVT quản lý theo kế hoạch để kịp thời phát hiện tồn tại, xử lý khắc phục.

Trước đó, ngày 9/5, Văn phòng Chính phủ cũng phát đi văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, giao Bộ GTVT nghiên cứu, xử lý kịp thời phản ánh của báo chí về tình trạng hụt thu tại các dự án BOT giao thông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Yêu cầu trên được Chính phủ đưa ra khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện có nhiều dự án BOT có doanh thu sụt giảm, khiến nhà đầu tư BOT nguy cơ bị phá vỡ phương án tài chính và có thể dẫn đến nợ xấu gia tăng cho các ngân hàng tài trợ vốn cho các dự án này.

Thông tin báo chí đưa ra cũng cho rằng, tình trạng các dự án BOT bị hụt thu có dấu hiệu lan rộng là vấn đề đáng quan ngại trong hoạt động thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Theo Báo điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết