17/11/2008 - 21:10

Ngành công thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương

Tăng cường liên kết cùng phát triển

Cứ hai năm 1 lần, ngành công thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và Cần Thơ) tiến hành hội nghị trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, tìm giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế. Từ đó, tiếp tục liên kết, hợp tác về công nghiệp và thương mại, góp phần thúc đẩy ngành công thương phát triển và hội nhập. Không ngoài mục đích, ý nghĩa nêu trên, hôm nay, ngày 18-11, theo sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Hội nghị ngành công thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương được TP Cần Thơ đăng cai tổ chức.

* Nỗ lực vượt khó khăn

Hai năm qua, đặc biệt là trong năm 2008, giá đầu vào các loại nhiên, nguyên vật liệu tăng cao, lãi suất tín dụng tăng, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, cạnh tranh trên thị trường hàng hóa ngày càng gay gắt... gây nhiều áp lực cho ngành công thương của cả nước. Tuy nhiên, ngành công thương của 5 thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục ổn định và phát triển.

Năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) 5 thành phố ước đạt 316.343 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 47,66% tổng giá trị SXCN cả nước, tăng 49.272 tỉ đồng so với năm 2007. So với cả nước, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của 5 thành phố ước đạt 34.857 triệu USD, chiếm tỉ trọng 53,62%; tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 43.698 triệu USD, chiếm tỉ trọng 52,02%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 438.325 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 45,19%. Những kết quả vừa nêu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và ngành công thương cả nước.

Liên kết với Saigon Co.op (Liên hiệp HTX Mua bán TP Hồ Chí Minh), hoạt động nội thương của TP Cần Thơ tiếp tục phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng.   

Như TP Hồ Chí Minh, địa phương dẫn đầu cả nước về giá trị SXCN và hoạt động thương mại. Năm 2008, giá trị SXCN của thành phố này đạt 170.317 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 24,8 tỉ USD, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt khoảng 234.800 tỉ đồng. Đạt được kết quả này, theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh: Sự phát triển của ngành công thương thành phố luôn có sự gắn kết với ngành công thương các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng, cả nước nói chung. Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, thành phố có sự chuyển hướng đầu tư phát triển theo chiều sâu, tập trung phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, hiện đại. Thành phố đã có sự sàng lọc nhất định đối với các dự án đầu tư mới cũng như thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Đây là kinh nghiệm quý báu cho ngành công thương các tỉnh, thành khác trong quá trình phát triển.

Năm 2008, Hà Nội đang trong quá trình mở rộng và đô thị hóa. Tuy nhiên, nội thương của thành phố vẫn phát triển khá và đồng đều, hệ thống bán lẻ có sự phát triển tương đối nhanh và rộng; các siêu thị, cửa hàng tự chọn hình thành và phát triển với quy mô ngày càng lớn. Riêng TP Cần Thơ, theo nhận định của Sở Công Thương, hoạt động thương mại so nhu cầu phát triển vẫn còn mặt hạn chế; kinh doanh phổ biến nhỏ lẻ, phân tán, sức cạnh tranh thấp; còn nhiều chợ phường, xã chật hẹp, xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, nâng cấp; có công trình tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm (chợ thủy sản, chợ chuyên doanh lúa gạo), làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư... Tuy nhiên, năm 2008, so với kế hoạch, giá trị SXCN của thành phố ước thực hiện 15.160,525 tỉ đồng, tăng 1,07%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 722,9 triệu USD, tăng 12,79%. Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: “Những năm qua, đặc biệt là khi TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội có xu hướng chuyển dịch sang lĩnh lực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Ngày càng có nhiều dự án lớn được triển khai đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp không ngừng mở rộng qui mô sản xuất, tăng vốn đầu tư. Đặc biệt, thành phố thường xuyên thực hiện kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; kiểm tra việc kinh doanh, ngăn chặn đầu cơ, tăng giá các mặt hàng thiết yếu... Qua đó đã góp phần tạo ra sự tăng trưởng của ngành công thương trong năm 2008 và tạo ra nguồn lực mới cho sự phát triển của ngành công thương TP Cần Thơ trong những năm tiếp theo”.

Hai thành phố còn lại là Hải Phòng và Đà Nẵng, giá trị SXCN và kim ngạch xuất khẩu năm 2008, tăng trưởng ở mức 14,34 - 19,6% so cùng kỳ năm 2007.

* Liên kết cùng phát triển

Trong năm 2008, Sở Thương mại và Sở Công nghiệp của các tỉnh, thành trong cả nước sáp nhập và thành lập nên Sở Công Thương. Ngoài những nhiệm vụ được UBND thành phố, Bộ Công Thương giao, các Sở Công Thương 5 thành phố đã chủ động đề xuất và thực hiện một số nhiệm vụ khác nhằm sớm hoàn thành các trình tự, thủ tục cho việc hợp nhất. Đến nay, hoạt động 5 Sở Công Thương của 5 thành phố trực thuộc Trung ương đang đi vào nề nếp. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành chiến lược phát triển ngành, quy hoạch phát triển hệ thống lưới điện, mạng lưới kinh doanh xăng dầu... có tầm nhìn đến năm 2010, 2015 và cả 2020.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các Sở Công Thương, việc xây dựng và triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành chưa có sự đồng bộ, chưa mang tính tổng thể cao, thiếu sự phân công và hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng và cả nước. Hệ thống số liệu để phân tích, đánh giá hoạt động công nghiệp và thương mại chưa phản ánh sâu sắc, đầy đủ sự vận động của ngành công nghiệp, thương mại. Ngoài ra, số lượng và quy mô các doanh nghiệp mới của ngành công thương không ngừng tăng lên, nhiều lĩnh vực quản lý và công việc mới xuất hiện trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi ngành công thương ở các thành phố phải có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của phát triển. Việc ổn định tổ chức ở từng địa phương để hòa nhập trong công tác quản lý đòi hỏi phải khẩn trương, đảm bảo hợp lý, tinh gọn, tránh chồng chéo là một thách thức không nhỏ, cần nhanh chóng giải quyết.

Để nâng cao công tác quản lý nhà nước, theo các Sở Công Thương 5 thành phố, các địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, khuyến khích công tác nghiên cứu và đổi mới công nghệ phát triển sản xuất; đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, phát triển hệ thống kênh phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn; tăng cường công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch; kiểm tra, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch trên địa bàn thành phố đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, các Sở Công Thương thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư tìm kiếm, mở rộng thị trường; chú trọng thực hiện cải cách thủ tục hành chính và quan tâm nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước của Sở Công Thương ở các địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Để phát huy tốt tiềm năng và lợi thế của ngành công thương các thành phố trực thuộc Trung ương trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, rất cần có sự quan tâm hỗ trợ từ phía Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Công Thương. Song song đó, các địa phương cần tự nỗ lực vươn lên, khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương, tạo sự hợp tác liên kết chặt chẽ để cùng nhau phát triển, hội nhập hiệu quả với kinh tế khu vực và thế giới.

Giải quyết được các vấn đề trên, Sở Công Thương các thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị: Chính phủ và các Bộ, ngành ưu tiên vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế như giao thông, cảng biển, cảng hàng không, vận tải hàng hóa... tạo điều kiện cho 5 thành phố trực thuộc Trung ương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng trong cả nước. Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các địa phương xây dựng các Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và thương mại trên cơ sở Chiến lược phát triển ngành công thương cả nước, tránh quy hoạch đầu tư trùng lắp, đồng thời hình thành sự phân công hợp tác giữa các địa phương. Tạo các điều kiện cần thiết để 5 thành phố xây dựng các chương trình hợp tác phát triển SXCN và hoạt động thương mại để các địa phương thúc đẩy mạnh mẽ công tác liên kết, hợp tác khai thác tiềm năng và thế mạnh của nhau cùng phát triển.

Bài, ảnh: Hà Triều

Chia sẻ bài viết