19/06/2019 - 14:56

Ban Đô thị HĐND thành phố đề nghị

Tăng cường kiểm tra, thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường 

Ban Đô thị HĐND thành phố vừa giám sát công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn công nghiệp thông thường, sản phẩm thải lỏng, nước thải, khí thải công nghiệp và chất thải y tế trên địa bàn thành phố. Qua giám sát cho thấy, công tác quản lý nhà nước về chất thải được các cơ quan đặc biệt quan tâm; nhờ đó, công tác môi trường trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt chưa đồng bộ, tình hình ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra…

Trước khi giám sát, Ban Đô thị HĐND thành phố khảo sát công tác thu gom và xử lý nước thải tại KCN Trà Nóc. 

Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 6 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động; trong đó, 4 khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoạt động. Riêng dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống thoát nước thải KCN Trà Nóc giai đoạn 1 là 6.000m3/ngày, đêm được xây dựng nhằm mục tiêu xử lý nước thải phát sinh trong KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2. Dự án đi vào vận hành vào tháng 10-2015. Nước thải sau xử lý đạt cột A của QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp trước khi thải ra môi trường. Đến thời điểm này, có 32 doanh nghiệp đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn 93 doanh nghiệp chưa thực hiện đấu nối. Nguyên nhân các doanh nghiệp chưa đấu nối là do Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Trà Nóc (giai đoạn 1) đã hoạt động hết công suất và đang bị quá tải. Ông Nguyễn Thanh Tao, Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cho biết: "Hiện tại, rạch Cái Chôm tiếp giáp với KCN Trà Nóc bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe người dân. Tôi đề nghị Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ và các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra và có giải pháp tháo gỡ để cải thiện tình trạng ô nhiễm ở rạch Cái Chôm".

Công tác quy hoạch phát triển các khu chế xuất, KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn, gắn liền với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, một số KCN trên địa bàn thành phố còn xen kẽ trong các khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ông Nguyễn Hữu Tặng, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho biết: "Còn khoảng 400 hộ dân chưa được di dời ra khỏi KCN Thốt Nốt giai đoạn 2. Địa phương lo ngại về sức khỏe người dân. Các ngành, các cơ quan chức năng quan tâm, khẩn trương thực hiện để đảm bảo sức khỏe của bà con".

Trong khi đó, theo ông Cao Minh Chu, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, hiện tại, trên địa bàn thành phố có 131 cơ sở khám chữa bệnh. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 1.400kg chất thải y tế nguy hại, 15.000kg chất thải y tế thông thường và trên 3.200m3 nước thải y tế phát sinh. Nhìn chung, chất thải y tế của các cơ sở y tế được phân loại, thu gom, xử lý đúng quy định. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống xử lý của một số bệnh viện đã xuống cấp, "lạc hậu" nên chưa đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Cụ thể, tại Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố, hệ thống xử lý nước thải tại bệnh viện chỉ đạt cột B sau khi thoát ra bên ngoài, trong khi đó hiện nay quy định nước thải sau khi xử lý thoát ra môi trường phải đạt cột A. Bệnh viện Đa khoa thành phố được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhưng đến khi đưa vào hoạt động, một số thông số còn vượt chuẩn so với quy định. Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị các bệnh viện tăng cường công tác bảo dưỡng, bảo trì hệ thống xử lý chất thải tại các bệnh viện, đồng thời các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra công tác môi trường tại các bệnh viện để kịp thời phát hiện và có giải pháp can thiệp. 

Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố cho biết: "Năm 2018 và quý I năm 2019, Sở  đã thực hiện 28 cuộc thanh tra và làm việc với 56 doanh nghiệp, cơ sở về công tác bảo vệ môi trường. Qua đó, phát hiện 11 trường hợp vi phạm về các hành vi thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải và đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 1 tỉ đồng". Sở TN&MT cũng cho rằng trên địa bàn thành phố không có khu xử lý chất thải rắn công nghiệp nên phải hợp đồng với các đơn vị có chức năng ở Bình Dương, Hồ Chí Minh, Kiên Giang... để xử lý. Một số doanh nghiệp chưa tự giác tuân thủ đúng theo báo cáo đánh giá tác động và cam kết bảo vệ môi trường. Song song đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về lĩnh vực môi trường ở xã, phường còn thiếu và chưa đáp ứng nhu cầu chuyên môn vì đa phần đều do cán bộ địa chính kiêm nhiệm nên công tác bảo vệ môi trường còn gặp khó khăn…

Để công tác môi trường được đảm bảo, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố, đề nghị: Sở TN&MT thực hiện tốt hơn nữa công tác tham mưu UBND thành phố trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất thải; phối hợp với Công an thành phố và các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Sở Y tế cần chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác thu gom, phân loại, lưu giữ chất thải y tế, nhất là chất thải rắn y tế nguy hại theo quy định; tăng cường công tác bảo dưỡng, bảo trì hệ thống xử lý chất thải tại các bệnh viện. KCN cần quan tâm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường đến các doanh nghiệp, hướng dẫn, nhắc nhở các doanh nghiệp trong các KCN thực hiện tốt vệ sinh an toàn lao động, đấu nối hệ thống xử lý nước thải của các doanh nghiệp vào các Nhà máy xử lý nước thải tập trung để hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường...

Bài, ảnh: Thanh Thư

Chia sẻ bài viết