23/02/2016 - 21:32

DOANH NGHIỆP CẦN THƠ-HÀN QUỐC

Tăng cường kết nối giao thương

Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết vào tháng 5-2015, việc khai thác và tận dụng tốt các cơ hội cho xuất khẩu sang thị trường này được các doanh nghiệp (DN) của TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm. Song song đó, làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Cần Thơ đang bắt đầu lan tỏa, góp phần kết nối giữa DN Hàn Quốc với DN Cần Thơ trong phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, đầu tư lâu dài tại Cần Thơ.

Những cơ hội mới

Mới đây, Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA) phối hợp với Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tại TP Cần Thơ (KVIP) đã đón tiếp 11 DN đến từ Hàn Quốc đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại TP Cần Thơ, tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực đôi bên có thế mạnh và đang có nhu cầu phát triển thị trường hai chiều. Ngoài ra, Trung tâm Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tại TP Cần Thơ đã phối hợp với Hiệp hội gạo Hàn Quốc nghiên cứu về công nghệ chế biến hàng nông sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm… Đây là những hoạt động kết nối có ý nghĩa thiết thực, góp phần vào thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư vào thành phố.

Doanh nghiệp Hàn Quốc giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm nhà phân phối tại Cần Thơ.

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, VKFTA là cơ hội tốt cho hàng thủy sản Việt Nam, nhất là mặt hàng tôm và nông sản chế biến sẽ được ưu đãi thuế khi xuất vào thị trường này. Các DN Hàn Quốc đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại thành phố chủ yếu hoạt động trong các ngành nghề như: thực phẩm, hóa mỹ phẩm, thiết bị máy móc ngành chế biến thực phẩm, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, phân bón... Đến với Cần Thơ, DN Hàn Quốc đã được ráp mối, tiếp xúc với các DN tại Cần Thơ chuyên về chế biến nông, thủy sản, kinh doanh cho thuê nhà xưởng trong khu công nghiệp, cung ứng dịch vụ phân phối các mặt hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dịch vụ đào tạo quản trị DN, nghiên cứu thị trường...

Với lợi thế là trung tâm vùng ĐBSCL và là nơi đặt KVIP, Cần Thơ đang có nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc. Nhiều đoàn nhà đầu tư Hàn Quốc đã tìm đến Cần Thơ thu thập những thông tin chi tiết về môi trường đầu tư nơi đây trước khi đưa ra các quyết định đầu tư lâu dài hơn. Song song đó, một số DN Hàn Quốc quyết tâm đầu tư tại Cần Thơ cũng là yếu tố quan trọng để thu hút thêm nhiều DN Hàn Quốc đến Cần Thơ. Ông Yoon Daesick, Giám đốc Điều hành Công ty Art Communication (Hàn Quốc), cho biết: "Hiện ngày càng có nhiều DN Hàn Quốc đến tìm hiểu và đầu tư tại Cần Thơ. Công ty chúng tôi đã tham gia thực hiện một số dự án tư vấn thiết kế, trang trí nội thất cho một số đơn vị DN Hàn Quốc tại TP Cần Thơ. Chúng tôi mong muốn sẽ đầu tư lâu dài tại đây để cung cấp dịch vụ trang trí nội thất phục vụ không chỉ cho các DN Hàn Quốc, mà cho cả những đối tác, khách hàng DN tại Cần Thơ. Trước mắt, chúng tôi muốn giới thiệu nhiều hơn về sản phẩm, giá cả, chất lượng dịch vụ, nhất là tìm đối tác để hợp tác kinh doanh, cùng phối hợp nghiên cứu để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng".

Nối nhịp cầu hợp tác

ĐBSCL có thế mạnh về nông nghiệp và đang đứng trước yêu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn và chất lượng tốt hơn. Các địa phương vùng ĐBSCL đều có chiến lược thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến địa phương, nhất là các DN có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, giúp cho ngành nông nghiệp hội nhập bền vững. Trong cuộc gặp gỡ giữa DN Hàn Quốc và DN Cần Thơ mới đây, ông Kim Kang Hoo, đại diện Công ty Hansung T&I (Hàn Quốc), cho biết: "Công ty được thành lập năm 2002 và chuyên sản xuất các sản phẩm máy móc phục vụ trong ngành nông nghiệp như: máy phun tưới nước, máy xịt thuốc, máy cắt cỏ, máy hái trái cây... Tại Việt Nam, công ty đang có kế hoạch nghiên cứu thị trường, marketing giới thiệu quảng bá sản phẩm. Trong quá trình thu thập thông tin, chúng tôi sẽ cải tiến các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện canh tác tại Việt Nam và cung cấp sản phẩm ra thị trường. Việc phát triển thị trường tại Việt Nam nói chung nhất là ở vùng ĐBSCL, đặc biệt là Cần Thơ sẽ góp phần thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, tiến tới giảm lao động trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả canh tác cao hơn".

Các DN Hàn Quốc đánh giá ĐBSCL, trong đó có Cần Thơ là thị trường tiềm năng và  một số DN bày tỏ mong muốn hợp tác với DN tại Cần Thơ trong một số lĩnh vực như: phân phối mỹ phẩm, hàng hóa, các mặt hàng gia dụng, máy nông nghiệp... Một số DN cũng hướng tới bàn thảo sâu hơn về khả năng đặt nhà máy tại TP Cần Thơ hoặc chuyển giao công nghệ cho DN tại Cần Thơ để phát triển thị trường ra thị trường ĐBSCL. Từ các cơ hội này, một số DN đang đầu tư tại Cần Thơ, DN Cần Thơ đang có kế hoạch xúc tiến cơ hội hợp tác với DN Hàn Quốc. Ông Nguyễn Việt Thắng, Giám đốc Chi nhánh tại TP Cần Thơ - Công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn (SCC), chia sẻ: "Công ty chúng tôi kinh doanh nhà xưởng cho thuê tại KCN Hưng Phú 1, TP Cần Thơ với diện tích 50.000m2. Với sản phẩm dịch vụ là nhà xưởng sản xuất, kho chứa hàng được đầu tư kiên cố, gần cảng Cái Cui, công ty có thể đáp ứng nhu cầu của các DN Hàn Quốc muốn đến đầu tư vào Cần Thơ có thể thuê nhà xưởng, kho chứa để hoạt động ngay nhằm giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đầu tư ban đầu".

KVIP đã được xây dựng hoàn chỉnh và đang hoạt động với mục tiêu hỗ trợ DN trong và ngoài nước phát triển sản phẩm đối với ngành chế biến nông sản, chế biến thủy sản và cơ khí chế tạo phục vụ nông nghiệp. Ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc KVIP, cho biết: "Vườn ươm là công trình hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. Vì vậy, ngoài chức năng hỗ trợ nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vườn ươm còn là cầu nối quan trọng đối với hoạt động giao lưu hợp tác tìm hiểu cơ hội đầu tư giữa các DN khu vực ĐBSCL và các DN Hàn Quốc. Qua hoạt động kết nối giao thương giữa DN Hàn Quốc và DN vừa qua, tôi nhận thấy rằng đây là điều kiện tốt nhất để các DN hai nước tìm hiểu sâu hơn về các cơ hội hợp tác dựa trên lợi thế của từng DN". Thực tế cho thấy, DN Hàn Quốc có lợi thế về khoa học công nghệ về vốn và nhân lực chất lượng cao. DN Việt Nam có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ, về nguồn lao động dồi dào, am hiểu thị trường. Theo ông Phạm Minh Quốc, với những hoạt động gặp gỡ kết nối hiệu quả ban đầu vừa qua, sẽ được hiện thức hóa bằng các hợp đồng, hợp tác trong thời gian tới vì sự phát triển chung các DN.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết