17/03/2015 - 20:46

MÙA ĐẠI HỘI CỔ ĐÔNG

Tăng cường huy động vốn ngoài ngân hàng

Mùa đại hội cổ đông năm nay, dù mới chỉ bắt đầu nhưng đã xuất hiện làn sóng tăng vốn điều lệ ồ ạt thông qua việc huy động từ thị trường vốn (TTV) nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng với các hình thức: phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược, phát hành cổ phiếu trả cổ tức, phát hành cổ phiếu chia thưởng từ vốn thặng dư cổ phần hoặc từ vốn chủ sở hữu và phát hành thêm cổ phiếu mới để tăng vốn điều lệ.

Điểm qua một loạt các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán vừa tổ chức đại hội cổ đông hoặc đang chuẩn bị đại hội cổ đông, hàng loạt công ty đưa ra kế hoạch tăng vồn điều lệ trong năm 2015 rất “chóng mặt”. Điển hình như: Công ty Cổ phần Nông dược HAI vốn từ 350 tỉ đồng tăng lên 870 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC tăng từ 3.750 tỉ đồng lên 8.450 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư FIT tăng từ 500 tỉ đồng lên 3.000 tỉ đồng, Tập đoàn Sao Mai ASM tăng từ 1.073 tỉ đồng lên 3.330 tỉ đồng, TSC tăng từ 158 tỉ đồng lên 580 tỉ đồng, SVN tăng từ 30 tỉ đồng lên 200 tỉ đồng, KLF tăng từ 1.519 tỉ đồng lên 3.000 tỉ đồng, TTF tăng vốn từ 1.000 tỉ đồng lên hơn 1.400 tỉ đồng, VIX từ 300 tỉ đồng lên 600 tỉ đồng, GAS tăng từ 18.950 tỉ đồng lên 29.000 tỉ đồng, HPG tăng từ 4.880 tỉ đồng lên 7.350 tỉ đồng...

 Ông Hồ Việt Hiệp, PCT UBND tỉnh An Giang  trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ  cho ông Lê Thanh Thuấn,  Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai vào ngày 6-3-2015. Ảnh: samaiag.vn

Ngày 10-3-2015, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh có Thông báo số 253/TB-SGDHCM về ngày đăng ký cuối cùng của Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (mã chứng khoán TSC) với nội dung: Ngày giao dịch không hưởng quyền là 17-3-2015; trả cổ tức năm 2011 bằng cổ phiếu; phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu; thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành mới. Trong đó, TSC trả cổ tức năm 2011 là 7%, phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn sở hữu với tỷ lệ 100:60, thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành mới tỷ lệ 1:2 giá 10.000đồng/ 1 cổ phiếu. Qua đó TSC sẽ tăng vốn điều lệ từ 158 tỉ đồng lên 638 tỉ đồng vào cuối năm nay. Trước đó, tháng 8-2014, TSC cũng phát hành thêm 7,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 83 tỉ đồng lên 158 tỉ đồng. TSC đã có bước tăng vốn điều lệ ngoạn mục kể từ khi FIT tham gia đầu tư vào. Nếu trước đây, TSC chỉ có vốn điều lệ 83 tỉ đồng nhưng hằng năm đều có báo cáo dư nợ vay ngân hàng lên đến cả nghìn tỉ đồng thì với cách làm mới này, TSC đã mạnh dạn tăng vốn và huy động vốn từ thị trường chứng khoán qua đó làm giảm áp lực trả lãi hàng tháng cho doanh nghiệp đáng kể. Không những thế, hai năm qua, TSC cũng chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu chứ hoàn toàn không dùng tiền mặt để chi trả cổ tức.

Theo tờ trình tại Đại hội cổ đông năm 2015 vào ngày 29-3 tới, Tập Đoàn Sao Mai (ASM) có kế hoạch tăng vốn điều lệ “khủng” từ 1.073 tỉ đồng lên 3.330 tỉ đồng vào cuối năm 2015 bằng các hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000đồng/1 cổ phiếu, mặc dù quý IV năm 2014 vừa qua ASM cũng đã phát hành 300 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi có kỳ hạn 5 năm, có tài sản đảm bảo. Và trong năm 2015, ASM cũng có tờ trình tại đại hội cổ đông phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi, có kỳ hạn 5-7 năm, có tài sản đảm bảo. Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Tập Đoàn Sao Mai  phát biểu trong buổi họp mặt đầu xuân Ất Mùi đã chia sẻ thêm là lãnh đạo tập đoàn đang làm việc với một tổ chức tài chính của Mỹ muốn đầu tư vào Sao Mai  thông qua mua cổ phần. Nếu không có gì thay đổi, cuối tháng 3 -2015, việc chốt giá bán cho nhà đầu tư Mỹ sẽ xong. Về chiến lược lâu dài, để thực thi hiện đại hóa doanh nghiệp, trụ sở tập đoàn Sao Mai sẽ được dời về TP Cần Thơ trong vòng 5 năm tới và năm 2015 là năm khởi động cho kế hoạch này. Đây là việc bắt buộc phải làm để nâng tầm doanh nghiệp và hướng đến tầm vóc mới cho tập đoàn khi môi trường đầu tư kinh doanh nơi đây hội đủ yếu tố cho doanh nghiệp phát triển. Tập đoàn cũng sẽ tính đến nhiều phương án hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những cán bộ, công nhân viên phải chuyển công tác về văn phòng tập đoàn tại TP Cần Thơ. Tập đoàn Sao Mai và 10 công ty thành viên của Tập đoàn hiện có tổng tài sản hơn 10.000 tỉ đồng với 5.900 cán bộ công nhân viên đang làm việc, có quy mô thuộc hàng lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Cái tên gây ồn ào nhất trong vài năm qua về chuyện “siêu tăng vốn” và “siêu thanh khoản”, năm nay lại tiếp tục có kế hoạch tăng vốn từ 3.750 tỉ đồng lên 8.398 tỉ đồng đó là Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Được cổ phần hóa từ một Công ty Trách nhiệm Hữu hạn với số vốn điều lệ vỏn vẹn 18 tỉ đồng từ cuối năm 2009, sau 5 năm hoạt động, FLC đã tăng vốn điều lệ lên hơn 200 lần như hiện nay. Đặc biệt, với cách tăng vốn một cách “chóng mặt”, hai năm, qua cổ phiếu của FLC đã trở thành cổ phiếu “siêu thanh khoản” trên 2 sàn chứng khoán, với kỷ lục đạt hơn 52 triệu cổ phiếu trao tay trong một phiên giao dịch. Nếu kế hoạch tăng vốn năm nay của FLC thành công thì đến cuối năm FLC sẽ trở thành Tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán niêm yết của Việt Nam, chỉ xếp sau Tập đoàn bất động sản Vingroup (VIC) với vốn điều lệ 14.546 tỉ đồng.

Huy động vốn ngoài hệ thống ngân hàng cho doanh nghiệp đầu tư phát triển là một chủ trương đúng của Chính phủ khi đầu nhiệm kỳ Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã “bắt tay” thống nhất không để hệ thống ngân hàng cung cấp quá lớn nguồn vốn cho nền kinh tế - nhất là vốn trung và dài hạn, mà phải giao việc này cho TTV nói chung và TTCK nói riêng làm. Hệ thống Ngân hàng sẽ quay về với chức năng chính là làm dịch vụ tài chính và cung cấp vốn ngắn hạn cho nền kinh tế. Khi đó doanh nghiệp sẽ không bị áp lực quá lớn từ việc trả lãi vay hàng tháng. Thay vào đó là doanh nghiệp chỉ trả cổ tức cho cổ đông hằng năm nếu làm ăn có lãi, từ đó doanh nghiệp sẽ tập trung hơn cho sản xuất kinh doanh. Hệ thống ngân hàng cũng không phải chịu rủi ro quá lớn khi phải huy động vốn ngắn hạn để đem cho vay dài hạn để doanh nghiệp đầu tư.

Nhờ vào công cụ huy động vốn trên TTCK mà trong nhiều năm qua, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên tầm cao mới, nhanh chóng trở thành đại diện của Việt Nam trong lĩnh vực hoạt động. Cũng từ đây, các doanh nghiệp này giúp Việt Nam xác lập vị thế những ông lớn trên thế giới trong lĩnh vực hoạt động của mình như VIC, VNM, GAS, HAG, MSN, HPG, FPT... Điều quan trọng nhất là không phải doanh nghiệp tăng vốn lên bao nhiêu, mà là sự minh bạch trước cổ đông, nhà đầu tư và hiệu quả sử dụng vốn như thế nào sau khi huy động được.

Mặc dù TTCK Việt Nam còn nhỏ bé (vẫn còn là thị trường cận biên, chưa gia nhập vào nhóm thị trường mới nổi), chưa tương xứng với tầm quy mô của nền kinh tế nhưng vẫn đủ chỗ cho một số doanh nghiệp đi trước đón đầu, tận dụng công cụ của thị trường này để huy động vốn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư cho các dự án với tầm nhìn dài hạn hơn. Đi trước luôn có rủi ro nhưng nhiều khả năng mang lại lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp trong kinh doanh. Hy vọng sắp tới sẽ có thêm rất nhiều doanh nghiệp tận dụng được cơ hội của công cụ thị trường này khi đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Trần Đăng

Chia sẻ bài viết