Mùa khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn (XNM) ở khu vực ÐBSCL bắt đầu xuất hiện. Ứng phó XNM, khô hạn đang là công việc các địa phương trong vùng quan tâm. Trong đó các giải pháp khai thác, bảo tồn và sử dụng nguồn nước hợp lý trong thời kỳ khô hạn, XNM được các địa phương thực hiện từng bước mang lại hiệu quả cao.
Cống âu Rạch Mọp thuộc Dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu (tỉnh Sóc Trăng) đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành góp phần hạn chế XNM tại địa phương và các tỉnh lân cận.
Xâm nhập mặn lên cao
Ông Nguyễn Văn Thanh, ở phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, cho biết: “Mực nước trên các sông, rạch thuộc địa bàn quận Cái Răng và TP Cần Thơ hiện đang xuống thấp. Nhiều con kênh, rạch nước xuống sát đáy kênh, khả năng khô hạn, XNM, thiếu nước sản xuất sẽ xảy ra trong những tháng tới”. Cũng như kinh nghiệm của nhiều người dân “cao niên” ở TP Cần Thơ, với mực nước xuống thấp như hiện nay thì tình trạng khô hạn, XNM có khả năng xuất hiện sớm, ảnh hưởng sản xuất, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt của người dân Cần Thơ tại khu vực giáp ranh tỉnh Hậu Giang...
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dòng chảy về ÐBSCL hiện đang giảm nhanh, làm mặn đã xuất hiện sớm trên các cửa sông. Tháng 1-2025, mặn đã vào sâu trên các cửa sông và sẽ đạt đỉnh trong giai đoạn tháng 2 đến tháng 4-2025. Trong đó, mặn có thể đạt đỉnh từ 12 đến 16-1-2025 ở mức 40-51km (cách cửa sông). Ðặc biệt đợt mặn cao ở kỳ từ 28-1 đến 3-2-2025, trùng với những ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Với mức xả nước hạn chế từ các thủy điện như hiện nay mặn dự báo vào sâu 45-55km, xuất hiện trong dịp Tết. Dự báo trong nửa cuối tháng 1-2025 ở vùng thượng ÐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ nguồn nước đảm bảo. Vùng giữa ÐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Ðồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, mặn tăng, ranh mặn 4g/l ảnh hưởng sâu nhất trên các cửa sông tăng dần và đạt đỉnh khoảng 40-51km. Vùng ven biển ÐBSCL, bao gồm các tỉnh ven biển ÐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang), mặn đã ảnh hưởng đến các vùng trong phạm vi dưới 40km và kéo dài trong các tháng tới. Ðể đảm bảo sản xuất trong các tháng mùa khô cần tăng cường giám sát mặn, tranh thủ tích nước mỗi khi có thể, bơm gạn ngọt khi triều rút và cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên. Các địa phương trong vùng vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn, hạn chế tiêu thoát nước và sử dụng tiết kiệm, giám sát chặt chẽ chất lượng nước trước khi lấy nước vào hệ thống thủy lợi để đảm bảo an toàn cho phục vụ sản xuất.
PGS.TS Phạm Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cho biết: “Tích nước ở các đập thủy điện trên lưu vực Mekong hiện cao hơn so với cùng thời kỳ ở các năm trước. Nếu vận hành hợp lý các hồ này sẽ tạo thuận lợi cho sản xuất tại ÐBSCL trong năm. Ngược lại, vận hành tích nước bất thường có thể gây ra các tác động bất lợi. Theo dự báo của NOAA mưa có thể xuất hiện sớm trên lưu vực sông Mekong từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5-2025. Tuy nhiên, những tháng qua các hồ thủy điện vẫn xả nước rất hạn chế làm nguồn nước về ÐBSCL thấp hơn trung bình nhiều năm, chính vì vậy nên xem xét khuyến nghị các nước thượng lưu Mekong xả nước gia tăng góp phần giảm thiểu các thiệt hại không đáng có ở điều kiện khí hậu thủy văn như năm nay…”.
Giải pháp ứng phó
Những tháng đầu năm 2025, nguồn nước về ÐBSCL thuộc nhóm năm dưới trung bình, tần suất dòng chảy các tháng kiệt ở mức 60%-75%, phụ thuộc vào sự vận hành thủy điện trên lưu vực. Dự báo mặn xâm nhập mùa kiệt những tháng đầu năm 2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Hiện nay, ÐBSCL có tổng diện tích đã xuống giống vụ đông xuân 2024-2025 là 1.341.169ha, đạt 90% so với kế hoạch, tập trung chủ yếu ở Long An, Ðồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long. Còn một số địa phương ven biển xuống giống chưa đạt kế hoạch như Trà Vinh, Bạc Liêu... Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cảnh báo: Trong tháng 1 và tháng 2-2025 mặn sẽ lên cao, vì vậy các địa phương ven biển nên cân nhắc việc giãn sản xuất một số diện tích vụ đông xuân muộn hiện vẫn chưa xuống giống nếu không đảm bảo nguồn nước cấp, nhằm giảm rủi ro thiệt hại. Dự báo mưa có thể xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm ở mùa khô 2025, việc sản xuất sớm vụ hè thu ở vùng ven biển có thể đem lại hiệu quả hơn cho sản xuất nông nghiệp trên toàn đồng bằng. Thêm vào đó, các địa phương cần chủ động các giải pháp ứng phó phòng, chống hạn mặn phù hợp với điều kiện của vùng.
Cụ thể, vùng thượng ÐBSCL nguồn nước đủ, khó khăn chủ yếu ở vùng núi cao Tịnh Biên, Tri Tôn, cần thực hiện các biện pháp trữ nước và tưới tiết kiệm nước. Vùng giữa ÐBSCL, nguồn nước cơ bản đảm bảo, vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn trái. Vùng ven biển ÐBSCL, XNM bất thường có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú - Tiếp Nhật... Do đó, các địa phương xem xét giãn diện tích đông xuân muộn, chuyển đổi sản xuất và chuẩn bị các phương án ứng phó, tích trữ và sử dụng nước hợp lý, đặc biệt là phải đảm bảo nước cho các vùng cây ăn trái thuộc huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc - Nam thuộc tỉnh Bến Tre; huyện Kế Sách - tỉnh Sóc Trăng…
Hiện nay, tại tỉnh Sóc Trăng cũng gấp rút hoàn thành Dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu. Công trình được huy động thi công ngày đêm để kịp đưa hệ thống cống ngăn mặn vào vận hành trong mùa khô năm 2025, ứng phó hiệu quả với tình trạng XNM trên sông Hậu. Dự án trên có tổng vốn đầu tư 900 tỉ đồng, do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư. Công trình có cống âu Rạch Mọp nằm giữa 2 huyện Kế Sách và Long Phú (tỉnh Sóc Trăng). Rạch Mọp là cống thủy lợi có quy mô lớn nhất tỉnh, với tổng vốn đầu tư 550 tỉ đồng. Cống được thiết kế với tổng chiều rộng thông nước 85m, gồm 2 cống (mỗi cống rộng 35m) và 1 âu thuyền (rộng 15m) được đóng mở bằng xi lanh thủy lực. Theo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10, đến nay cống âu Rạch Mọp đã đạt khối lượng thi công hơn 90%, hiện chỉ còn thi công lắp cửa van cống và hoàn thiện một số hạng mục phụ trợ. Dự kiến trong tháng 3-2025 sẽ đưa cống âu Rạch Mọp vào vận hành. Dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu gồm 6 cống, trong đó cống âu Rạch Mọp là công trình có quy mô lớn nhất. Mục tiêu của dự án là kiểm soát nguồn nước, triều cường, ứng phó với các đợt XNM trên sông Hậu để bảo vệ vùng sản xuất hơn 36.700ha của 2 tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang.
Ông Phạm Nghĩa Hùng nhấn mạnh: “Mùa khô 2024-2025, nguồn nước về ÐBSCL thuộc nhóm năm có tần suất xuất hiện thấp, vào khoảng 60-75%, XNM ở mức cao hơn trung bình. Các địa phương cần chủ động xuống giống lúa đông xuân 2024-2025 sớm, nhằm né thời kỳ mặn cao nhất ở giai đoạn cuối tháng 2 đến tháng 4 và tích trữ nước hợp lý sẽ đảm bảo nguồn nước cho sản xuất. Ngày 8-12-2024 Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện số 128/CÐ-TTg về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước và XNM ở ÐBSCL, vì vậy các địa phương chủ động các giải pháp thích ứng với hạn hán và XNM trong năm, theo dõi cập nhật các bản tin để chủ động tích trữ nước phục vụ dân sinh và đảm bản an toàn cho sản xuất…”.