Đến giữa tháng 9, Chi cục Phát triển nông thôn và Kiểm lâm TP Cần Thơ phối hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cơ bản hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2024, gồm 16 lớp với 551 lao động. Tại lễ bế giảng và trao chứng chỉ sơ cấp cho học viên lớp nghề trồng cây ăn trái tại phường Thới Long, quận Ô Môn, do Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên quận Ô Môn đảm trách đào tạo, có 30/35 học viên đạt loại giỏi, khá. Hầu hết học viên đang canh tác sầu riêng nên có nhu cầu tiếp cận để vận dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc cây đạt năng suất, lợi nhuận cao. Anh Nguyễn Thanh Tùng, khu vực Thới Xương 1, phấn khởi với kết quả thi kiểm tra cuối khóa đạt loại giỏi, cho biết: “Tôi trồng 2,5 công sầu riêng được 3 năm theo kinh nghiệm nhà vườn và học hỏi kỹ thuật qua tài liệu, mạng xã hội. Được tham gia lớp nghề trồng cây ăn trái, tôi nắm bắt và ứng dụng kỹ thuật bài bản theo tiêu chuẩn đầu ra thị trường tiêu thụ nên hy vọng đợt thu hoạch sầu riêng đầu tiên sắp tới đạt lợi nhuận cao”.
Giờ học của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ.
Với mục tiêu “Chất lượng là danh dự của nhà trường”, năm học 2024-2025, Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ xét tuyển học bạ và miễn giảm học phí theo quy định hiện hành 14 nghề trình độ cao đẳng chính quy và 9 nghề trình độ trung cấp chính quy. Trường đạt chuẩn kiểm định cơ sở GDNN và chuẩn kiểm định nghề công nghệ ô tô, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí. Nhà trường liên kết đào tạo các ngành, nghề công nghệ kỹ thuật với các trường đại học các tỉnh, thành phố. Song song đó, tăng cường kết nối doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm để nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm (GQVL) sau tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, toàn thành phố hiện có 69 cơ sở GDNN. Quy mô đào tạo của hệ thống cơ sở GDNN từ 45.000-50.000 người/năm; trong đó, quy mô đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp từ 10.000-11.000 người/năm. Hiện các cơ sở GDNN đang tổ chức đào tạo 84 nghề. Qua 4 năm (2021-2024) triển khai thực hiện đào tạo nghề nghiệp gắn với GQVL, thành phố đã đào tạo nghề cho 174.242 người, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau đào tạo đạt 75%-80% tổng số tốt nghiệp. Để đạt kết quả trên, một trong những giải pháp quan trọng là Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm đầu tư công tác đào tạo nghề gắn với GQVL. Ngay đầu giai đoạn, Thành ủy Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; Chương trình số 25-Ctr/TU về GDNN và GQVL giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở đó, UBND thành phố cụ thể hóa các chủ trương của Thành ủy bằng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, trình HĐND thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ GDNN, việc làm. Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ GDNN, việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng; cho vay ưu đãi, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo hướng mở rộng nhiều đối tượng ngoài các đối tượng theo quy định hiện hành.
Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH thành phố đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp gắn kết GDNN với tạo việc làm, sinh kế. Cụ thể, thành phố thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, học sinh về học nghề phù hợp để có cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm sau đào tạo; cung cấp thông tin nhu cầu sử dụng lao động để hướng nghiệp cho người lao động. Tăng cường cho vay tín dụng chính sách để thúc đẩy tạo việc làm mới, việc làm cho đối tượng yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động hoàn cảnh khó khăn; ưu tiên bố trí vốn ủy thác để hỗ trợ lao động vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các ngành, đơn vị chức năng duy trì mô hình liên kết 3 bên: cơ sở GDNN - doanh nghiệp - trung tâm dịch vụ việc làm; tăng cường gắn kết GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động, khuyến khích phát triển GDNN và khởi nghiệp. Các cơ sở GDNN tổ chức tuyển sinh, đào tạo theo hướng mở, linh hoạt; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số từ khâu tư vấn, tuyển sinh đến quá trình đào tạo, liên kết doanh nghiệp, đảm bảo việc làm cho người học; chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà tuyển dụng; chương trình đồng hành cùng người lao động tìm việc làm trong nước và đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, mua bán nhỏ, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.