05/12/2020 - 08:46

Tăng cường đối ngoại, thúc đẩy hợp tác đầu tư 

TP Cần Thơ có các thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến... Đặc biệt là trung tâm thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế của cả vùng ĐBSCL. Ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng, TP Cần Thơ có đủ tiềm lực, điều kiện để hội nhập, kết nối giao thương với các đối tác nước ngoài; lãnh đạo thành phố sẵn sàng hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư của khi đến Cần Thơ tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư.

Ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tặng quà lưu niệm cho ngài Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam tại buổi làm việc.

Ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tặng quà lưu niệm cho ngài Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam tại buổi làm việc. 

Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ nhân chuyến công tác tại thành phố ngày 23-11-2020, ngài Pier Giorgio Aliberti, Ðại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá cao vị trí của TP Cần Thơ trong chiến lược phát triển vùng ÐBSCL. Ngài Ðại sứ cho rằng, TP Cần Thơ không chỉ có vị thế trung tâm phát triển kinh tế vùng ÐBSCL mà còn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong phát triển nông nghiệp, chế biến thủy sản. Tuy nhiên, vùng ÐBSCL, trong đó có TP Cần Thơ, là vùng dễ bị tổn thương trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Hiện, EU đang chuẩn bị triển khai chương trình hỗ trợ cho các nước đang phát triển giai đoạn 2021-2027, với mục tiêu phát triển kinh tế xanh, hy vọng những doanh nghiệp tại ÐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng sẽ tiếp cận được gói hỗ trợ này nhằm tăng cường năng lực, phát triển bền vững.

Tại TP Cần Thơ, các nước thuộc EU là một trong những quốc gia đầu tiên đến hợp tác đầu tư. Tính đến tháng 11-2020, trên địa bàn thành phố có 85 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 752,43 triệu USD, trong đó có 8 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu với tổng vốn đầu tư đăng ký 73,08 triệu USD. Bên cạnh đó, các nước thuộc Liên minh châu Âu đã hỗ trợ cho TP Cần Thơ các dự án ODA như: Dự án Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ do Chính phủ Hungary tài trợ, dự án Tiểu dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia của TP Cần Thơ giai đoạn 2018-2020, dự án Thoát nước và xử lý nước thải TP Cần Thơ do Ngân hàng Tái thiết Ðức (KfW) tài trợ (đến nay đã hoàn thành), dự án Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ do Chính phủ Pháp tài trợ...

Việt Nam hiện đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc thực hiện các cam kết quốc tế, đa phương và song phương, đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì động lực, phát triển nền kinh tế. Cùng với các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... là cơ hội lớn cho Việt Nam chuyển mình vươn lên.

Cùng với những hỗ trợ tích cực của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và địa phương nhằm giúp doanh nghiệp khai thác tốt thị trường nước ngoài, trong đó có thị trường EU. Tại TP Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, Sở Công Thương TP Cần Thơ đã phối hợp với các cơ quan liên quan, các chuyên gia tổ chức các lớp triển khai, tập huấn về thực thi các cam kết của EVFTA cho các cán bộ phụ trách và doanh nghiệp. Mới đây, tại Hà Nội, Chi hội Doanh nhân quốc tế Việt - Âu mở phòng trưng bày xúc tiến thương mại với kỳ vọng tạo cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường quốc tế, trong đó có thể vươn ra các nước EU. Ðây là cơ hội để tất cả các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, kết nối, giới thiệu và quảng bá rộng rãi sản phẩm của doanh nghiệp mình tới các đối tác, quan khách trong nước và quốc tế. Theo Chi hội, Phòng trưng bày là không gian để các doanh nghiệp tư nhân gặp mặt, hỗ trợ và liên kết với nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Tới đây, Chi hội Doanh nhân quốc tế Việt - Âu cũng sẽ tổ chức nhiều sự kiện liên quan đến xúc tiến thương mại và tiếp đón các doanh nghiệp từ các tỉnh, thành đến để trực tiếp hỗ trợ họ về xúc tiến thương mại. Ðặc biệt, Chi hội Doanh nhân quốc tế Việt - Âu đang chuẩn bị cho Ngày hội xúc tiến thương mại sắp tới và sẽ mời các đại sứ quán, tham tán thương mại các nước tham dự cùng các doanh nghiệp lớn khác ở trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm.

Trong những năm gần đây, TP Cần Thơ liên tục nhận được hỗ trợ của Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP Hồ Chí Minh thông qua Chương trình Hỗ trợ trực tiếp (DAP) trên các lĩnh vực nước sạch nông thôn, xây dựng cầu nông thôn… Những chương trình, dự án này đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp cho TP Cần Thơ phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 1-12-2020, tại buổi tiếp bà Robyn Mudie, Ðại sứ Australia tại Việt Nam nhân chuyến công tác của bà tại một số tỉnh ÐBSCL, ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, bày tỏ mong muốn bà Ðại sứ là cầu nối để giới thiệu TP Cần Thơ đến các doanh nghiệp, đối tác Australia nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của thành phố thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội nghị, hội chợ để doanh nghiệp, đối tác của 2 bên tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh. Ðồng thời, tổ chức các đoàn doanh nghiệp của Australia đến tham quan và tìm hiểu cơ hội xúc tiến đầu tư, thương mại tại TP Cần Thơ. Bà Robyn Mudie cho rằng, bên cạnh các chương trình hỗ trợ về kinh tế - xã hội, Chính phủ Australia luôn quan tâm đến các chương trình phòng, chống biến đổi khí hậu. Chuyến công tác tại ÐBSCL lần này, bên cạnh tăng cường công tác đối ngoại giữa Australia với các địa phương, đoàn còn ghi nhận thực tế về sự phát triển của vùng ÐBSCL, đặc biệt trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đưa ra những báo cáo khuyến nghị đến Chính phủ Australia có những chính sách hỗ trợ cho vùng.

Theo Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, ước thực hiện cả năm 2020 thành phố đón tiếp và làm việc với 100 đoàn với 635 lượt khách nước ngoài. Ông Phạm Thế Vinh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, cho biết, do diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 nên đa số các hoạt động đối ngoại từ đầu năm đến nay đều bị tạm hoãn hoặc hủy. Công tác thông tin và văn hóa đối ngoại chủ yếu chỉ được thực hiện qua một số công tác như tham mưu Thành ủy, UBND thành phố dự thảo Ðiện mừng nhân dịp Quốc khánh, thư cám ơn...

Xây dựng kế hoạch năm 2021, Ông Phạm Thế Vinh cho biết, ngoài các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao trên lĩnh vực đối ngoại, Sở Ngoại vụ tập trung tham mưu lãnh đạo Thành ủy, HÐND, UBND thành phố thực hiện một số công việc trọng điểm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong giai đoạn hiện nay. Tổ chức phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại Ðảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trên lĩnh vực công tác đối ngoại. Xây dựng và thực hiện Kế hoạch kết nối thông tin với các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự các nước tại Việt Nam và cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam tại các nước giai đoạn 2021-2025. Tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về hội nhập quốc tế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ các nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa...

Bài, ảnh: NAM HƯƠNG

Chia sẻ bài viết