* Đến ngày 30-6, cả nước có 131 trường hợp dương tính với cúm A (H1N1)
* Đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm
Ngày 30-6, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai một số nội dung cấp bách nhằm chủ động, tích cực, hiệu quả trong công tác điều trị phòng chống dịch cúm A (H1N1) và giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối của mạng lưới điều trị cúm.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tăng cường cảnh giác đối với các trường hợp có triệu chứng cúm để phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ cúm A (H1N1). Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ cúm A (H1N1) phải tiến hành cách ly ngay và phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng địa phương lấy mẫu bệnh phẩm để tiến hành xét nghiệm chẩn đoán vi rút theo quy định của Bộ Y tế.
Các bệnh viện thuộc mạng lưới điều trị cúm trên địa bàn thu dung điều trị tại chỗ đối với tất cả các trường hợp cúm A (H1N1) theo đúng “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A (H1N1) ở người”, hạn chế tối đa việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Nếu cần hỗ trợ về chuyên môn thì liên hệ trực tiếp với các đơn vị tuyến cuối của mạng lưới điều trị cúm.
Các đơn vị tuyến cuối của mạng lưới điều trị cúm, gồm Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Nhi T.Ư; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế; Bệnh viện Chợ Rẫy; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 (thành phố Hồ Chí Minh) phải tích cực, chủ động trong công tác tập huấn, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới. Đặc biệt, các bệnh viện này phải hỗ trợ chuyên môn về chẩn đoán, điều trị các trường hợp có diễn biến phức tạp trong khu vực đã được phân công.
* Bộ Y tế cho biết: tính đến 18 giờ ngày 30-6, số người nhiễm cúm A (H1N1) tiếp tục tăng nhanh, hiện cả nước ghi nhận có 131 trường hợp dương tính. Trong đó, miền Nam có 109 ca, miền Trung 8 ca và miền Bắc 14 ca. Riêng ngày 30-6 đã có thêm 8 trường hợp dương tính với cúm A (H1N1), gồm 6 ca ở khu vực phía Nam và 2 ca phía Bắc. Trong số những ca nhiễm cúm được phát hiện ngày 30-6, có 1 trường hợp quốc tịch Đức và 5 trường hợp là người Việt Nam về nước bằng đường hàng không trên các chuyến bay: TG 686 ngày 25-6, UA 869 ngày 26-6, VN 929 ngày 26-6, VN 780 ngày 25-6 và ngày 26-6. 2 trường hợp hợp còn lại lây nhiễm trong nước do tiếp xúc gần với người bị bệnh.
Đến nay, dịch cúm A (H1N1) chưa có biểu hiện lây lan trong cộng đồng tại Việt Nam và không có tử vong. Các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Trước tình hình dịch cúm A (H1N1) đang diễn biến phức tạp và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng đang đến gần, Bộ Y tế khuyến cáo các thí sinh thực hiện vệ sinh cá nhân, tăng cường thể lực bằng cách ăn uống, ngủ điều độ. Trong điều kiện phải di chuyển từ vùng này sang vùng khác, thí sinh và người nhà nên đeo khẩu trang tránh khuẩn, thực hiện ăn chín, uống chín, không ăn các thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là rau sống, hải sản sống, tiết canh, thức ăn ôi thiu... Khi có biểu hiện nghi cúm như sốt, ho, đau họng, hoặc tiêu chảy cấp thì phải báo ngay cho Hội đồng thi để được tư vấn và cứu chữa kịp thời.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 30-6 đã có 70.893 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1) tại 116 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có 311 trường hợp tử vong.
* Để chủ động phòng dịch cúm gia cầm H5N1, giảm thiểu nguy cơ vi rút H5N1 tiếp xúc và tái tổ hợp với chủng vi rút cúm người A(H1N1) tạo thành chủng vi rút mới nguy hiểm hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ra văn bản số 1838/BNN-TY đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác tiêm phòng bổ sung vắc xin cho đàn gia cầm, đặc biệt là đàn vịt để duy trì mức kháng thể bảo hộ, giảm thiểu nguy cơ phát sinh ổ dịch cúm, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Theo đó, các tỉnh, thành phố cũng cần tăng cường tiêm phòng vắc xin phòng một số bệnh nguy hiểm khác cho đàn gia súc, gia cầm để đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến người chăn nuôi và góp phần ổn định xã hội.
Theo báo cáo của Cục Thú y và các công ty cung ứng vắc xin cúm gia cầm, đến nay toàn quốc đã cơ bản hoàn thành chiến dịch tiêm phòng đợt I-2009 nhưng vẫn còn một số địa phương mới chỉ nhận dưới 2/3 lượng vắc xin so với kế hoạch đã đăng ký và cam kết sử dụng để tiêm phòng. Trong khi dịch cúm gia cầm đã có dấu hiệu tái phát, cụ thể gần đây đã xuất hiện các ổ dịch cúm trên vịt tại Quảng Ninh. Mặt khác, kết quả tiêm phòng các loại vắc xin như: lở mồm long móng, dịch tả heo, tụ huyết trùng... ở nhiều tỉnh mới chỉ đạt 20-30%. Nguy cơ tái phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm là rất lớn, nhất là khi mùa mưa lũ đến gần.