19/08/2020 - 08:30

Tân Trào những ngày tháng Tám 

“Mình về mình lại nhớ ta

Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”

Câu thơ trong bài thơ “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu được nhiều người thuộc, nhất là vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công. Tân Trào từ một địa danh nơi núi rừng Việt Bắc đã trở thành “Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hòa”.

Di tích Đình Tân Trào. Ảnh: baodaknong.org.vn

►Nơi diễn ra Quốc Dân Đại hội

Cứ mỗi dịp tháng Tám hằng năm, đình Tân Trào thuộc Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại đón những đoàn khách từ khắp nơi về thắp hương, tìm hiểu lịch sử. Ðình Tân Trào chính là nơi Quốc Dân Ðại hội họp trong 2 ngày 16 và 17-8-1945.

Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Ðảng họp tại Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân đồng minh vào Ðông Dương. Ngày 15-8-1945, nhận được tin Nhật hoàng đã ra lệnh cho quân đội Nhật đầu hàng, đồng chí Hồ Chí Minh và Tổng Bộ Việt Minh quyết định khai mạc Quốc Dân Ðại hội vào chiều ngày 16-8. Ðại hội có khoảng 60 đại biểu ở Bắc, Trung, Nam; đại biểu kiều bào ở nước ngoài; đại biểu các đảng phái; các đoàn thể dân tộc, tôn giáo tham dự, diễn ra tại đình Tân Trào.

Tra cứu trong “Lịch sử biên niên Ðảng Cộng sản Việt Nam”, tập 2, NXB Chính trị Quốc gia, 2008, được biết: trước các đại biểu, Ðảng nêu lên chủ trương lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân đồng minh vào Ðông Dương. Chủ trương được Ðại hội đồng tình, ủng hộ. Ðại hội thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, trong đó ban bố nhiều quy định, bộ luật hướng đến quyền làm chủ của nhân dân và hướng đến phục vụ lợi ích nhân dân như bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra; đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ; chia lại ruộng công cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân; ban bố luật lao động, ngày làm tám giờ, định lương tối thiểu…

Ðại hội quyết định thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sáng 17-8, Ủy ban Giải phóng dân tộc ra mắt quốc dân tại đình Tân Trào. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ủy ban Giải phóng dân tộc đọc lời tuyên thệ: “Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước”. Quốc Dân Ðại hội Tân Trào cũng thông qua: Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao.

Quốc Dân Ðại hội Tân Trào đã thể hiện sự đoàn kết nhất trí của toàn thể dân tộc ta trong giờ phút quyết định, làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công chỉ ít ngày sau đó. Ðại hội này được xem là tiền thân của Quốc hội Việt Nam.

►Bảo tồn và phát huy

Ðể gìn giữ những di tích đặc biệt, bảo tồn và phát huy giá trị Thủ đô kháng chiến cho muôn đời sau, UBND tỉnh Tuyên Quang vừa lập Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025.

Dự án này có các nội dung chính: tu bổ, tôn tạo di tích đình Tân Trào, cụm di tích Nà Nưa (lán Nà Nưa, lán Cảnh vệ, lán họp Hội nghị toàn quốc của Ðảng, lán Ðiện đài, lán Ðồng Minh) và cụm di tích ATK Kim Quan; xây dựng mới Nhà trưng bày Bảo tàng Tân Trào và phòng chiếu phim; khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng và hạng mục phụ trợ; cải tạo, nâng cấp Quảng trường Tân Trào; các công trình phát huy giá trị di tích.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã thẩm định, thỏa thuận dự án này. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn lưu ý tỉnh Tuyên Quang trong quá trình thực hiện cần lưu ý một số việc để đảm bảo giá trị gốc di tích. Cụ thể, đối với phương án thiết kế xây dựng mới Nhà trưng bày Bảo tàng Tân Trào, không xây dựng các hạng mục công trình: nhà bia tưởng niệm, nhà sàn trải nghiệm và đài phun nước. Ðồng thời, chỉnh sửa nội dung viết trên biển tên đúng với tên gọi của công trình; cân nhắc không xây dựng lối giao thông cho xe ô tô tiếp cận trực tiếp sảnh chính của công trình. Ưu tiên dành khoảng trống, không gian cây xanh cho cụm di tích.

Trước đó, Thủ tướng cũng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025.

Những sự quan tâm, trân trọng lịch sử này đã giúp thế hệ hôm nay thêm hiểu và tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc. Như mấy câu trong đoạn cuối bài thơ “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu:

“Ngàn năm non nước mai sau

Ðời đời ơn Ðảng càng sâu càng nồng”

DUY LỮ 

Chia sẻ bài viết