Bài, ảnh: MỸ THANH
Trong 8 tháng năm 2023, sản xuất, xuất khẩu thủy sản của nước ta đối mặt nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, cạnh tranh ngày càng gay gắt, chi phí sản xuất tăng… Tuy nhiên, từ tháng 5-2023, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu ấm lên và dự kiến tiếp tục chuyển biến tích cực do nhu cầu tiêu thụ thủy sản gia tăng dịp cuối năm (Noel, Tết dương lịch…). Để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu thủy sản trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang dần hồi phục, cần có giải pháp căn cơ về tổ chức sản xuất, phương án giảm giá thành để tăng lợi thế cạnh tranh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường.
Nhiều khó khăn
Một trong những khó khăn lớn nhất đối với sản xuất, xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến nay là nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường giảm. Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thông tin: Trong 8 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 5,68 tỉ USD, giảm khoảng 25,4% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 56,8% kế hoạch năm. Trong đó, tôm đạt 2,2 tỉ USD, giảm 28%; cá tra 1,2 tỉ USD, giảm 34%. Không chỉ giảm kim ngạch, giá xuất khẩu các mặt hàng thủy sản cũng sụt giảm. Đơn cử, Mỹ là thị trường có tính dẫn dắt nhưng từ tháng 1 đến tháng 7-2023 giá xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm 25-37%. Điều đó thể hiện sự bất thường về nhu cầu cũng như sự cạnh tranh giữa sản phẩm cá tra của nước ta với các loại cá thịt trắng khác như cá minh thái, cá rô phi.
Thu hoạch cá tra phục vụ xuất khẩu tại TP Cần Thơ.
Ngoài khó khăn ở khâu xuất khẩu, ngành Thủy sản còn đối mặt với nhiều khó khăn mang tính nội tại trong khâu sản xuất, chế biến như tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản; liên kết sản xuất còn hạn chế dẫn đến giá thành sản xuất cao và cân đối cung cầu thiếu ổn định; nguồn nhân lực lao động phục vụ trong các nhà máy chế biến bị thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản và người dân tham gia vào chuỗi sản xuất.
Mặt dù vậy, đến thời điểm hiện tại, diễn biến thị trường đang có những tín hiệu tích cực tác động đến sản xuất và xuất khẩu thủy sản như sự phục hồi của một số thị trường chính (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc) trong 3 tháng gần đây; kết quả đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá da trơn xuất khẩu của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm Mỹ - FSIS có kết quả tích cực, khẳng định uy tín và thương hiệu cá tra Việt Nam, tạo động lực xuất khẩu cá tra sang thị trường này. Sau tin Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima người tiêu dùng nước này thận trọng với các sản phẩm thủy sản nội địa, các thị trường khác cũng cân nhắc việc nhập khẩu thủy sản từ Nhật, từ đó cơ cấu xuất nhập khẩu thủy sản trên thị trường thế giới thay đổi sẽ có lợi cho Việt Nam…
Cơ hội
Về tình hình xuất khẩu thủy sản từ đây đến cuối năm, bà Tô Thị Tường Lan nhận định tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn và có thể kéo dài đến những tháng đầu năm 2024 do ảnh hưởng chung của tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu; người tiêu dùng cân nhắc hơn trong việc chi tiêu đối với những sản phẩm giá cao, trong đó có thủy sản; chi phí đầu vào cao, nhu cầu tiêu dùng giảm… Với điều kiện lạc quan ở một số thị trường đang có dấu hiệu phục hồi, dự kiến xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỉ USD, giảm từ 15-18% so với năm 2022. “Thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm rất linh hoạt trong việc tiếp cận, bám sát thị trường. Đối với cá tra, hiện giá xuất khẩu đang ở mức rất thấp, do đó khâu liên kết phải được thắt chặt hơn nữa để có giá bán tốt nhất trong dịp cuối năm. Ngoài ra, các hộ nuôi thủy sản cũng cần hợp tác với các doanh nghiệp để nắm bắt thông tin thị trường, tổ chức sản xuất hợp lý đảm bảo nguồn cung” - bà Tô Thị Tường Lan nói.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết: Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và đòi hỏi ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu và nội địa về chất lượng, an toàn thực phẩm, phát triển thủy sản cần được tái cơ cấu từ khâu giống, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Thời gian qua, giá bán giảm sâu dẫn đến khả năng tổ chức sản xuất chậm lại và có thể thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, vì vậy Bộ NN&PTNT tiếp tục có các giải pháp căn cơ về tổ chức sản xuất, quản lý chặt chẽ yếu tố đầu vào, phương án giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh. Về phía các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với bộ, các hiệp hội ngành hàng để tăng cường xúc tiến thương mại, nắm bắt cơ hội mới cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam để thúc đẩy sản xuất trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang dần phục hồi, nhu cầu tiêu thụ gia tăng trong các tháng cuối năm (dịp Noel, Tết dương lịch…).
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu những tháng cuối năm, ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản cho rằng, ngành Nông nghiệp cần chủ động bám sát tình hình sản xuất tại địa phương, khả năng cung ứng nguyên liệu đầu vào cho chế biến; phối hợp chặt chẽ với VASEP trong đánh giá lượng nguyên liệu tồn kho, nhu cầu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu để chỉ đạo sản xuất hiệu quả phục vụ chế biến, xuất khẩu. Về giải pháp hạ giá thành sản xuất, cần áp dụng kỹ thuật tiên tiến ở tất cả các khâu trong quy trình nuôi để tăng tỷ lệ sống, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn; liên kết sản xuất để giảm khâu trung gian, đảm bảo vật tư đầu vào đến tay người nuôi nhanh nhất. Ngoài ra, các bên có liên quan tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu để thủy sản Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 8 năm 2023, tổng sản lượng thủy sản cả nước đạt 5,93 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 65,5% kế hoạch năm 2023. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 3,296 triệu tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước (tôm nước lợ đạt 657.500 tấn, tăng 3,9% cùng kỳ; cá tra đạt 1,079 triệu tấn, tăng 0,2%).