 |
Sự lớn mạnh của phiến quân Tuareg tại Mali có sự tiếp sức từ các tay súng đánh thuê cho Gadhafi. Ảnh: NYtimes |
Mặc dù chế độ tồn tại hơn 4 thập kỷ tại Libye đã sụp đổ sau cuộc cách mạng “Mùa xuân A-rập”, nhưng hậu quả cố lãnh đạo Muammar Gadhafi để lại thì vẫn còn đó và giờ đây đang trở thành hiểm họa của châu Phi, khi những tay súng đánh thuê một thời của viên đại tá này mang vũ khí gia nhập các nhóm nổi dậy tiếp tục “làm nóng” lục địa đen.
“Đó là sự thất bại đối với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực đổ nhiều tiền của suốt thập niên qua cho nền dân chủ, hòa bình và an ninh tại châu Phi”- Tiến sĩ Mehari Taddele Maru tại Viện Nghiên cứu An ninh có trụ sở đặt tại Thủ đô hành chính Pretoria của Nam Phi nhận định. Sau khi chế độ Gadhafi sụp đổ, hàng ngàn binh lính của ông ta rời khỏi Libye cùng với số lượng lớn vũ khí, bao gồm súng máy, đạn dược và những quả tên lửa vác vai. Theo Tiến sĩ Maru, ít nhất 2.000 tay lính đánh thuê cho Gadhafi đã quay về đất nước của họ thuộc tiểu vùng Sahara của châu Phi như Mali, Niger, Mauritania và Nigeria. Nhiều người trong số này đã quay lại cầm súng nổi dậy chống chính phủ.
Tại quốc gia Tây Phi Mali, khi mà các tay súng thuộc tộc người Tuareg, phần lớn trong số họ vốn là lính đánh thuê được trang bị vũ khí đầy đủ, trở về từ Libye, thì điều đó đã thúc đẩy lực lượng ly khai Tuareg phát động cuộc chiến nổi dậy chống chính quyền hồi tháng Giêng. Mặc dù số vũ khí của ông Gadhafi không sánh được với vũ khí của lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi họ thực thi nhiệm vụ tại quốc gia Bắc Phi này, nhưng chúng mạnh hơn nhiều so với các loại vũ khí yếu kém của quân đội chính phủ Mali.
Trong tình hình hỗn loạn từ sau cuộc lật đổ, phiến quân Tuareg ở Mali có được nhiều thành công hơn trước. Hôm 1-4, lực lượng ly khai có căn cứ tại miền Bắc Mali đã chiếm được các thành phố lớn, trong đó có thành phố cổ Timbuktu. Dư luận quốc tế lo ngại, sự trỗi dậy của phiến quân Tuareg tại Mali có thể kích động một cuộc nổi dậy khác tại quốc gia láng giềng Niger. “Quân nổi dậy ở Niger nhận được tài trợ từ chế độ Gadhafi. Chính phủ Niger có thể đàm phán hòa bình với họ, nhưng điều đó kéo dài được bao lâu?”- Tiến sĩ Maru bày tỏ e ngại.
Tàn binh của Gadhafi cùng với số vũ khí của họ cũng đã trải ra các quốc gia gần đó thuộc khu vực Sahel giáp sa mạc Sahara. Đây là khu vực mà một nhánh chính của lực lượng khủng bố al-Qaeda đã tuyên bố giành được hàng ngàn loại vũ khí của quân đội của ông Gadhafi. Sự gia tăng nhanh chóng các loại vũ khí trong khu vực Saleh diễn ra đúng vào thời điểm đặc biệt xấu, thêm một năm hạn hán nữa tại nhiều nơi ở Mali, Mauritania, Niger, Chad và Burkina Faso. Các tổ chức nhân đạo cho biết hàng triệu người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp, nhưng tình trạng bạo lực trong khu vực khiến cho một số nơi không thể tiếp cận được. Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng 130.000 người ở Mali đã phải rời bỏ nhà cửa do xung đột giữa phe nổi dậy Tuareg và quân đội chính phủ.
Tiến sĩ Maru tin rằng số vũ khí của ông Gadhafi sẽ còn lan rộng khắp châu Phi. Muammar Gadhafi đã hỗ trợ cho các phe nổi dậy tại nhiều quốc gia châu Phi như Chad hay Sudan. Ông này cũng đã từng lên tiếng ủng hộ quân ly khai tại miền bắc Nigeria. Một số nhà phân tích còn nghi ngờ ông Gadhafi cũng đã hỗ trợ cho nhóm Hồi giáo vũ trang Boko Haram ở Nigeria. “Ảnh hưởng của các tay súng đánh thuê được huấn luyện và số vũ khí mà họ mang về sau sự sụp đổ của Gadhafi sẽ còn hiện hữu tại châu lục này trong nhiều năm”- Tiến sĩ Maru cảnh báo.
LÊ GIA (Theo ABC và TTXVN)