24/01/2017 - 14:04

Tằm vương tơ

Bên tách trà nóng chiều cuối năm ở ghế đá trước sân Nhà hát Tây Ðô, Hồng Thủy cứ như người thân kể cho tôi nghe chuyện đã mua quà Tết cho mẹ và mấy đứa cháu, rồi những chuyến lưu diễn mắc mưa, chuyện tập vở tuồng mới... Nét hồn nhiên, ngây thơ của Thủy đôi lúc khiến tôi khó phân biệt rằng đây là cô đào tài sắc của Ðoàn Cải lương Tây Ðô, chiếm trọn cảm xúc bao trái tim người mộ điệu trên sân khấu.

"Hò ơ… Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi đến đó lòng không muốn về"- giọng hò của Hồng Thủy cất vang trong phòng họp Diên Hồng của Hội trường Ba Đình. Đó là món quà cô gái Cần Thơ dành tặng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong buổi tiếp kiến nằm trong khuôn khổ Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ IV do Trung ương Đoàn tổ chức cuối tháng 8-2016. Hồng Thủy là một trong những đại biểu ưu tú đó. Khi cô xuống xề vọng cổ ngọt lịm, cả hội trường vỡ òa bằng những tiếng vỗ tay. Nét đẹp cải lương Nam bộ được Hồng Thủy gửi gắm nhẹ nhàng như thế.

Hồng Thủy giao lưu văn nghệ cùng bộ đội đang công tác tại đảo Thổ Chu trong chuyến công tác vùng biển đảo Tây Nam đầu năm 2016. Ảnh: DUY KHÔI

Đoạn ghi hình này với từ khóa "Nghệ sĩ Cần Thơ hát tặng Chủ tịch Quốc hội" được lan truyền trên mạng xã hội nhanh chóng. Nhắc lại khoảnh khắc đó, Hồng Thủy nói sự hồi hộp xen lẫn tự hào vẫn còn nguyên vẹn. Vậy rồi cô trầm ngâm nhớ lại 6 năm theo cái nghề mà người xưa nói "mẹ liều con hư" này. Tất cả các giải thưởng danh giá của sân khấu cải lương: Trần Hữu Trang, Tài năng trẻ sân khấu cải lương, Cuộc thi Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc… Thủy đều đã chinh phục với những chiếc huy chương vàng xứng đáng và nhất là danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác". Đồng nghiệp nói Hồng Thủy giỏi và tài, nhưng cô thì không nghĩ vậy, cô nói mình được "Tổ đãi"- nói theo người của sân khấu. Được "đãi" vì có những người thầy, người đồng nghiệp giỏi và thương tình chỉ dạy. Hồng Thủy lặng thầm tích cóp để rồi thăng hoa trên sân khấu, khi thì bà hoàng, công chúa; khi ưu tư với những vai bà má Nam bộ sắt son. Hồng Thủy lấy nước mắt người mộ điệu bằng cả tim yêu nghệ thuật.

Câu chuyện dở dang, Hồng Thủy vào nhà tập để tập vở mới: "Mẹ của chúng con" để quay cho Đài Truyền hình. Cô gái lí lắc, tươi vui giờ lại hóa thân thành người mẹ có con làm tay sai cho giặc. Thủy đã trở thành người mẹ đầy đau đớn, uất nghẹn, bất lực vì "Sanh con mà không dạy được con" và tủi hổ trước tấm lòng cao cả của những người mà con bà gọi là "Việt cộng". Cơ man những xúc cảm đan xen ấy được Hồng Thủy chuyển tải bằng những giọt nước mắt lăn dài, bằng giọng ca nức nở và dáng dấp của một bà má đúng điệu, dù cô mới vừa qua tuổi 30. Xong lớp tuồng, Thủy lại xăng xái xách túi đạo cụ, chỉnh lại chiếc micro rơi hờ trên áo đồng nghiệp, mà gương mặt mướt mồ hôi. Sự chu đáo đáng quý của một nghệ sĩ trẻ!

Tôi biết Hồng Thủy từ lúc cô còn học ở Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ. Lắm lúc hỏi sao Thủy chọn theo nghiệp cải lương, Thủy thiệt thà: "Em có chọn đâu, Tổ chọn em đó chớ!". Thủy vừa kể vừa cười, năm 2007, cô khăn gói từ Bình Minh- Vĩnh Long qua Cần Thơ thi tuyển làm… ca sĩ. Lý do đơn giản chỉ là thấy ca sĩ mặc đẹp, được hâm mộ. Vậy nhưng khi thử giọng, ai cũng thấy trong giọng ca của cô ca sĩ miệt vườn này có tố chất của một đào mùi. "Mọi người khuyên em thi cải lương. Thế là đậu và sau 4 năm học, em ra trường năm 2010, về đầu quân cho Đoàn Cải lương Tây Đô đến giờ"- Thủy kể. 6 năm theo nghề, Thủy khiến khán giả nhớ mãi cô Mận sắt son trong vở "Bông mận trắng"; ấn tượng trước nỗi đau mất chồng, mất con của người mẹ trong "Hoa đất"; cảm thương người con gái Út Thư trong vở "Món nợ vùng ven"… Hồng Thủy luôn diễn trọn vai tuồng bằng đam mê và sống hết mình với nghề. Thủy "lý sự" với tôi như vầy: "Người ta thường nói nghệ sĩ tụi em là tằm. Mà tằm thì phải nhả tơ. Nghĩ vậy mà em cố gắng".

Thỉnh thoảng, Hồng Thủy lại hào hứng kể qua điện thoại: "Hôm diễn ở Cờ Đỏ mưa lớn quá. Vậy mà bà con mặc áo mưa, dầm mưa coi, không bỏ mình. Nhờ vậy tụi em diễn hết mình. Về bệnh luôn!". Khi thì lại than nhớ tiếng rì rào của sóng biển Tây Nam, nhớ bữa cơm của lính, nhớ những bữa thâu đêm ca hát trên boong tàu hải quân… Đó là chuyến đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng V Hải quân vào dịp cận Tết Bính Thân vừa rồi của đoàn Cần Thơ, có tôi và Hồng Thủy tháp tùng. Cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn luôn khiến những buổi gặp gỡ giữa đất liền và hải đảo thêm "xôm tụ" với những màn ca hát thắm tình quê hương xứ sở. Thủy bắt nhịp cùng bộ đội hát khúc quân hành, rồi cất cao điệu Lý Chim Xanh tình tự hát về anh lính hải quân… Vậy là bữa nào Thủy chưa đến, nhiều người lại hỏi tìm "Bé Thủy Cần Thơ".

Đôi mắt sáng đủ làm tan cái se lạnh cuối năm, Thủy nói về niềm vui khi các chương trình truyền hình thực tế đã mang cải lương vào. Thủy vui vì cải lương có thêm sức sống mới. Tôi hỏi Thủy em nghĩ sao về sự nổi tiếng của nghệ sĩ trẻ, như em chẳng hạn. Hồng Thủy trải lòng: "Nghệ sĩ ai không mong nổi tiếng. Nhưng nổi tiếng gì cũng phải giữ nghề, giữ cái tâm nghệ sĩ".

* * *

Cuối năm, Hồng Thủy bận rộn cho những vai tuồng mới, những chuyến lưu diễn xa phục vụ bà con. Năm nào cũng vậy, 3 ngày Tết, đêm nào Thủy cũng hát phục vụ cùng Đoàn Cải lương Tây Đô ở vùng ngoại thành. Cô đào trẻ ăn Tết cùng bà con. Quà Tết mà cô nhận là tình thương khán giả và những tràng pháo tay rộn rã đêm xuân.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết