09/02/2019 - 14:11

Tấm thẻ Hộ mệnh 

Một khi đã ốm đau, bệnh nặng không tránh khỏi việc tốn kém chi phí điều trị, nhất là người nghèo lại càng khó khăn thêm. Những lúc ấy, tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) có giá trị biết nhường nào. Những lợi ích thiết thực, nhân văn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội do chính sách BHYT mang lại đã nâng tầm nhận thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe cá nhân và người thân trong gia đình, mà nhiều người ví đó là “Tấm thẻ Hộ mệnh”...

”Lá bùa hộ mệnh”

Nhà chị Nguyễn Thị Hồng Thảo ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, có hai mẹ con, mẹ chị đã ngoài 70 tuổi. Chị phụ quán cơm chay kiếm tiền nuôi mẹ. Không may, mẹ chị bị té, chấn thương sọ não phải phẫu thuật, không bao lâu đến lượt chị bị ung thư cổ tử cung. Nhà nghèo, tai ương liên tục giáng xuống, may nhờ có BHYT, mẹ chị có điều kiện được phẫu thuật sọ não, điều trị khỏi. Chị thì đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ. Sau khi xạ trị ngoài, hóa trị, rồi xạ trong, chị ăn, ngủ được. Chị Hồng Thảo cho biết: “Chính nhờ thẻ BHYT này mà năm nay hai mẹ con còn được ăn Tết với nhau”.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là một trong những giải pháp mở rộng độ bao phủ BHYT. Trong ảnh: Cán bộ y tế Trung tâm Y tế huyện Phong Điền đo huyết áp cho người dân. Ảnh: H.Hoa

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là một trong những giải pháp mở rộng độ bao phủ BHYT. Trong ảnh: Cán bộ y tế Trung tâm Y tế huyện Phong Điền đo huyết áp cho người dân. Ảnh: H.Hoa

Cô Hứa Kim Thanh, 56 tuổi ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cũng nhờ có BHYT mà vượt qua giai đoạn khó khăn, khỏe mạnh sống đến nay. Cô Thanh phát hiện bị ung thư vú vào năm 2017. Trải qua 8 lần vô hóa chất, 18 lần điều trị thuốc nhắm trúng đích, cô mừng vì đáp ứng với thuốc tốt. Nhìn cô tươi tắn, vui vẻ, không ai nghĩ cô đang điều trị ung thư. Cô Thanh kể: “Tất cả là nhờ có BHYT. Cô mua thẻ cho bản thân và cả gia đình mấy năm nay rồi. Mình mua nhiều năm nên quyền lợi hưởng cao hơn. Ngay cả thuốc nhắm trúng đích, rất đắt tiền, 1 lọ hơn 30 triệu đồng cũng được BHYT chi trả 50%”. Đến nay, số tiền mà cô Thanh bỏ ra điều trị lên đến gần 400 triệu đồng, nếu không có BHYT số tiền lên đến hàng tỉ đồng.

Bác sĩ Huỳnh Minh Thiện, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, chia sẻ: Khi điều trị, nghe bệnh nhân có BHYT, bác sĩ thấy nhẹ lòng vì bệnh nhân đã có “lá bùa hộ mệnh”. BHYT có lợi cho tất cả mọi người. Với những bệnh nan y như ung thư, không có BHYT, người bệnh phải chi trả khoản tiền rất lớn. Bệnh nhân sử dụng các kỹ thuật chuyên sâu như xạ trị, hóa trị, 1 liệu trình thấp nhất cũng từ  5-10 triệu đồng; có những phác đồ “mạnh” lên đến vài tỉ đồng. Chẳng hạn bệnh nhân ung thư vú điều trị hỗ trợ, mỗi 3 tuần một lần “vô thuốc”, điều trị 1 năm lên đến cả tỉ đồng (BHYT chi trả 60-70%, hơn 500 triệu đồng/ca bệnh). Bệnh nhân bị ung thư phổi, điều trị thuốc nhắm trúng đích, điều trị liên tục, có bệnh nhân đến 5 năm, mỗi ngày 1,5 triệu đồng, BHYT hỗ trợ đến  50%. Bệnh nhân tham gia càng lâu, quyền lợi càng nhiều, tham gia 5 năm, bệnh nhân chỉ đồng chi trả bằng 7 tháng lương cơ sở (khoảng 7 triệu đồng), sau đó bệnh nhân không phải chi trả thêm. Hiện nay, tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, 85% bệnh nhân nội trú sử dụng BHYT.

Nhiều điểm mới thuận lợi

Năm 2018 cũng là năm đánh dấu bước tiến mới trong công tác khám chữa bệnh BHYT ở Cần Thơ. Bác sĩ Nguyễn Thành Lập, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018, quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT chính thức có hiệu lực đã mở cộng cánh cửa cho người dân tham gia BHYT và tăng quyền lợi cho người có thẻ, như:  Không bắt buộc toàn bộ thành viên hộ gia đình phải tham gia BHYT cùng một thời điểm; thực hiện giảm trừ mức đóng khi thành viên thứ 2 tham gia trong năm tài chính; quy định bổ sung quỹ BHYT thanh toán trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh gửi mẫu bệnh phẩm, chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh; người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú nhưng thẻ hết hạn sử dụng thì được thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện nhưng tối đa không vượt quá 15 ngày kể từ ngày thẻ hết hạn sử dụng…

Buổi tuyên truyền những quy định về Bảo hiểm xã hội tự nguyện, BHYT đến hội viên Hội Nông dân ở huyện Cờ Đỏ. Ảnh: V.Truyền

Buổi tuyên truyền những quy định về Bảo hiểm xã hội tự nguyện, BHYT đến hội viên Hội Nông dân ở huyện Cờ Đỏ. Ảnh: V.Truyền

Theo ông Trần Văn Minh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Cần Thơ, để tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHYT, toàn thành phố có trên 255 đại lý thu BHYT thuộc UBND xã, bưu điện và trạm y tế. Ngoài ra, còn có đại lý thu thuộc tổ chức đoàn thể, ấp/khu vực, trường học… Đến nay, hệ thống dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT trên địa bàn thành phố cơ bản hoàn thành, đã giảm bớt thủ tục hành chính. Đồng thời tạo thuận lợi trong việc quản lý xuyên suốt quá trình tham gia BHYT của người dân. Đây là tiền đề tiến tới thực hiện thẻ BHYT điện tử cho người dân trong thời gian tới.

Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố được nâng cấp, xây dựng mới, mua sắm trang thiết bị chuyên sâu, triển khai nhiều kỹ thuật cao, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 34 cơ sở khám chữa bệnh công lập, ngoài công lập và 85 trạm y tế xã, phường, thị trấn ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin giám định BHYT (giám định điện tử), được liên thông dữ liệu với 100% cơ sở khám chữa bệnh, tạo thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội chủ động, tổng hợp tạm ứng, thanh toán kịp thời với các cơ sở khám chữa bệnh.

Cộng tác viên tuyên truyền chính sách BHYT cho người dân tại huyện Phong Điền. Ảnh: H.Hoa

Cộng tác viên tuyên truyền chính sách BHYT cho người dân tại huyện Phong Điền. Ảnh: H.Hoa

Từ những giải pháp trên, công tác BHYT của thành phố đã có những bước tiến dài, nếu năm 2004, chỉ có trên 293.000 người dân tham gia, thì đến năm 2018 tăng lên đến 1.064.701 người tham gia, đạt tỷ lệ trên 83% dân số tham gia BHYT. Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, trong năm 2018, toàn ngành đã điều trị trên 4,7 triệu lượt ngoại trú. Trong đó, BHYT chiếm 80%, điều trị nội trú là 292.648 lượt, với tổng chi phí quỹ BHYT thanh toán ước khoảng 1.000 tỉ đồng.

Bác sĩ Cao Minh Chu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: Năm 2019, ngành y tế thành phố sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác giải quyết vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT; tăng cường công tác truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị tuyến dưới, chủ động triển khai thực hiện các kỹ thuật cao tiếp nhận từ tuyến trên; có kế hoạch giám sát, kiểm tra khắc phục các nguyên nhân gây vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT; chấn chỉnh việc thực hiện các quy định về khám chữa bệnh, tránh lạm dụng xét nghiệm thuốc, chỉ định xét nghiệm; xử lý nghiêm các hành vi trục lợi quỹ BHYT; nâng cao y đức, tinh thần thái độ phục vụ người dân...

*   *   *

Có thể nói, BHYT là chính sách xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ yêu thương, giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật, trên tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Với ý nghĩa nhân văn ấy, tin rằng mục tiêu BHYT toàn dân sớm trở thành hiện thực, để người nghèo cũng như người có điều kiện đều được chăm sóc, điều trị đến nơi đến chốn, sống vui, sống khỏe với đời.

HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
bảo hiểm y tế