29/10/2018 - 20:37

Tâm sự của người đàn ông trưởng thành 

“Đàn ông trưởng thành không vô tâm” (NXB Hà Nội) tập hợp những bài viết, tạp văn đăng trên các báo, tạp chí và mạng xã hội của nhà báo Hoàng Minh Trí (bút danh Cu Trí). Vẫn giọng văn hài hước, giàu tính tự sự như tập tản văn “Cuộc đời tròn hay méo” xuất bản 3 năm trước, nhưng lần này, tác giả đi sâu vào tình cảm gia đình cũng như tâm tư, nỗi lòng của các đấng mày râu.

Bước vào ngưỡng tuổi 40, tác giả tự nhận là ông bố ham chơi và còn nhiều tính xấu khác. Thế nhưng, trải qua hơn nửa đời người, ông bố ấy cũng nhìn thấu được những điều tốt xấu trong bản ngã con người và của xã hội để suy ngẫm, để viết nên những dòng tâm sự chân thành, để nhận ra rằng, đàn ông chỉ trưởng thành khi họ không còn vô tâm.

37 bài viết trong sách không được sắp xếp theo các chủ đề nhất định nhưng người đọc dễ nhận ra trong đó là cả một bầu trời tuổi thơ với những hồi ức, kỷ niệm vui, buồn của tác giả; là những phút trăn trở về hôn nhân, gia đình; là những dòng tự sự về tình cảm của người cha dành cho con… Qua đó thấy được hành trình trưởng thành trong nhận thức, tâm hồn của một người đàn ông là điều không đơn giản. Độc giả vừa bật cười vừa gật gù trước những lý lẽ, dẫn chứng hài hước khi tác giả viết về đời sống hôn nhân của các cặp vợ chồng bởi nó gần gũi và rất đời thường. Đôi lúc giật mình bởi anh đưa ra những lập luận chặt chẽ, thuyết phục mà ít khi các ông chồng nghĩ tới. Điển hình như: “Tình yêu, trách nhiệm, chia sẻ và quan tâm trong hôn nhân y hệt những thứ cần bảo dưỡng trên xe hơi như: kiểm tra áp suất lốp, thay dầu động cơ, vệ sinh lọc gió máy lạnh… Tất nhiên cái xe nếu không đầy đủ các yếu tố này nó vẫn chạy, nhưng lọc xọc và hỏng rất nhanh”. Thế nên “Bảo dưỡng hôn nhân là việc nên làm, chủ động từ người chồng, thường xuyên và tương đối quan trọng các anh bố ạ” (Bài “Bảo dưỡng hôn nhân).

Ký ức tuổi thơ dù nghèo khổ nhưng phần lớn là những mảng màu đẹp trong tâm hồn của tác giả. Vì thế, khi nhìn cảnh đổi thay của phố phường cuốn theo đổi thay trong cách cư xử giữa người với người trong đời sống hiện đại, anh không khỏi chạnh lòng so sánh: đâu rồi tinh thần “tôn sư trọng đạo” của trò với thầy (bài “Đi học thời Iphone”), đâu rồi nét Tết xưa đơn sơ mà đầm ấm? (bài “Tết lạ”, “Tết cũ”, “Tết của người già”); hay sự cô đơn, thiếu thốn của trẻ con thời nay ngay chính trong căn nhà đầy đủ vật chất, ngập tràn đồ chơi đắt tiền (bài “Nỗi buồn trẻ con”, “Thời gian cho con”). Đặc biệt, tác giả dành nhiều trang viết cho tình cha con, bởi anh cho rằng: “Người ta nói rằng, đàn ông bắt đầu trưởng thành khi có con, tôi tin đó là sự thật” (bài “Tản mạn chuyện cha con”). Sự trưởng thành ấy đến từ những lúc anh giật mình nhận ra những thiếu sót trong bổn phận làm cha, làm chồng; từ những lời ngây ngô và hành động vô tư của con trẻ, hay từ những sự việc đau lòng trong đời sống mà anh vô tình chứng kiến…

Sự vô tâm cùng những tật xấu của cánh đàn ông còn được tác giả kể trong nhiều bài viết khác, mang đến những tiếng cười thú vị. Thế nhưng, ai cũng sẽ bỏ qua nếu đàn ông biết sửa sai và trưởng thành hơn với trách nhiệm làm chồng, làm cha. l

CÁT ĐẰNG  

Chia sẻ bài viết