20/11/2019 - 07:48

Tâm huyết với nghề 

Trước những yêu cầu của xã hội cùng sự đổi mới không ngừng trong ngành giáo dục, các thầy cô tâm huyết với nghề luôn trau dồi, nghiên cứu phương pháp giảng dạy cũng như gần gũi, định hướng chân - thiện - mỹ cho học sinh. Ngành giáo dục Cần Thơ cũng có nhiều tấm gương rất được trân quý.

Thầy Nguyễn Hoàng Tuấn (đứng, bìa trái) trong giờ dạy. Ảnh: Lệ Thu

1. Tiết học Toán của thầy Nguyễn Hoàng Tuấn tại lớp 12D3, Trường THPT Châu Văn Liêm sôi nổi khi lớp được chia thành 7 nhóm và chơi các trò chơi: “Đoán ý đồng đội” , “Nhanh như chớp”, “Chung sức"...  Thông qua đó, thầy Hoàng Tuấn giúp học sinh ôn tập và nắm vững kiến thức bài “Phương trình mũ, phương trình Logarit”; sau đó thầy cho cả lớp thực hiện các dạng bài tập, giải các phương trình... Phạm Trung Nghĩa, học sinh lớp 12D3, nói: “Học thầy, giúp chúng em nhớ, hiểu bài nhanh và rất thích học”.

Tốt nghiệp loại Xuất sắc chuyên ngành Sư phạm Toán, Trường Đại học Cần Thơ, thầy Nguyễn Hoàng Tuấn được phân công về giảng dạy tại Trường THPT Châu Văn Liêm 5 năm qua. Thầy Tuấn tâm sự: “Tôi chú trọng dạy theo phương pháp mới là phát triển năng lực học sinh, gợi ý, định hướng để học sinh tìm hiểu kiến thức. Đó là phương pháp STEM, kết hợp chương trình giáo dục hành động Windy, khuyến khích học sinh tận dụng những vật dụng đơn giản để làm các mô hình, dụng cụ học tập”.

Sắp xếp thời gian khoa học, thầy Tuấn giúp tiết học Toán trở thành những giờ học sinh động, vui tươi và dễ tiếp thu kiến thức. Nhiều năm qua, thầy giáo trẻ liên tiếp được công nhận giáo viên dạy giỏi trong các Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Tiêu biểu là năm học 2018-2019, thầy Tuấn đạt giải Nhất giáo viên dạy giỏi cấp trường, giải Khuyến khích giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Năm học này, thầy Tuấn đạt giải Nhất Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố.

Thầy Tuấn còn là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường, làm MC dẫn các chương trình văn nghệ, các sự kiện quan trọng của trường. Một câu chuyện khó quên với thầy Tuấn là năm học 2018-2019, trong lớp có một học sinh bị tai nạn đứt dây chằng ở chân, phải phẫu thuật mà hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn. Thầy Tuấn kêu gọi nhà trường, phụ huynh và học sinh giúp đỡ được hơn 30 triệu đồng, giúp học sinh đó tiếp tục học tập, sau đó đã thi đậu vào Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Tình cảm của học sinh và những thành tích đạt được trong quá trình giảng dạy là động lực để thầy Tuấn thêm yêu nghề và gắn bó với trường lớp. “Tôi sẽ tiếp tục phấn đấu để hoàn thiện bản thân, làm tốt hơn việc giảng dạy”, thầy Tuấn chia sẻ. 

2. Dáng người thanh mảnh, nhanh nhẹn, gương mặt thanh tú cùng với cách nói chuyện chừng mực, khiêm tốn, cô Trần Thị Ngọc Viên, giáo viên dạy Anh văn của Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, tạo được nhiều thiện cảm với người tiếp xúc.

Cô Trần Thị Ngọc Viên cùng học trò. Ảnh: Lệ Thu

Tốt nghiệp loại Giỏi ngành Sư phạm Anh văn, Trường Đại học Cần Thơ, cô sinh viên quê Bến Tre quyết định ở lại Cần Thơ sinh sống và lập nghiệp. Công tác tại Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng đến nay đã được 9 năm và hiện đang chủ nhiệm lớp 11 chuyên Anh, cô Viên chia sẻ: “Ngoài kiến thức học ở đại học, tôi học hỏi kinh nghiệm của các thầy cô đi trước, tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và các phương pháp giảng dạy mới. Từ đó, tích lũy thêm nhiều phương pháp hay để giúp học trò yêu thích việc học”. Cô Viên luôn gần gũi với học sinh, giúp các em phát triển kỹ năng tiếng Anh và phát triển tư duy, liên hệ thực tế xã hội, những vấn đề xung quanh bằng những câu chuyện ý nghĩa. Tất cả đều được cô và trò trao đổi bằng tiếng Anh, vừa rèn luyện khả năng nghe nói, vừa giáo dục những bài học đạo đức phù hợp với lứa tuổi, nhận thức… Thỉnh thoảng, cô tổ chức các trò chơi vào đầu giờ hoặc cuối giờ học để ôn lại kiến thức.

Cô Viên còn là chủ nhiệm CLB tiếng Anh của trường, mỗi tháng tổ chức sinh hoạt 1 lần với các chủ đề khác nhau. Dù bận rộn việc gia đình với 2 con nhỏ, nhưng cô Viên luôn sắp xếp hợp lý thời gian để đảm bảo công tác chủ nhiệm, giúp các em học sinh vừa học tốt, vừa đoàn kết trong các phong trào của trường. Năm học 2019-2020, cô Viên đoạt giải Nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, sau nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp trường. Cô tâm sự: “Đây là động lực để tôi cố gắng hơn nữa trong chuyên môn”.

3. “Phần thưởng quý báu nhất với tôi trong hơn 10 năm công tác là thấy học trò thành đạt”, đó là tâm tình của cô Nguyễn Thị Kim, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, Trường THPT Thới Lai. Cô là một trong 3 giáo viên đạt Nhất Hội thi Giáo viên Chủ nhiệm giỏi cấp thành phố hồi tháng 4-2019.

Cô Nguyễn Thị  Kim (hàng sau, thứ hai từ trái) bên học trò. Ảnh: Bích Ngọc

Tốt nghiệp đại học ngành Chính trị học năm 2008, cô Nguyễn Thị Kim tình nguyện về Trường THPT Thới Lai công tác - cũng là ngôi trường mà cô gắn bó suốt thời gian học phổ thông. Năm 2009, cô được phân công chủ nhiệm lớp khối 11. Câu chuyện của cô với chúng tôi xoay quanh những học trò vượt khó. Năm học 2017-2018, cô chủ nhiệm lớp 12, có em Lê Quốc Việt bị coi là cá biệt. Cô Kim kể: “Lúc đó, Việt thường xuyên đến lớp trễ, đôi khi nghỉ học. Tôi hỏi nguyên nhân, em không nói; yêu cầu gặp phụ huynh thì em bỏ học”. Cô Kim tìm hiểu học trò từ đồng nghiệp, bạn thân của em và tìm đến nhà. “Đó là ngôi nhà nhỏ cách trường hơn 10 cây số, đi lại khó khăn, phải qua cầu khỉ, men đường đê. Đến nơi, thì biết mẹ Việt bệnh nặng, cha mẹ em đã ly hôn từ khi em còn nhỏ. Để có tiền lo gia đình, ngoài giờ học, Việt làm phụ hồ, buổi tối bắt ốc...”, cô Kim xúc động nhớ lại.

Vậy là cô Kim đề xuất Ban Giám hiệu, Công đoàn trường hỗ trợ Việt học phí, chi phí ôn thi THPT, chuyện ăn ở những ngày thi THPT Quốc gia... Cô còn dành thời gian để là người thầy, người mẹ, người bạn động viên Việt cố gắng học, bởi em có lòng tự trọng cao. Năm học đó, Việt đậu tốt nghiệp THPT và trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin, Trường  Đại học Cần Thơ. Câu chuyện nghị lực vượt khó của Lê Quốc Việt được cô Kim kể lại tại Hội thi Giáo viên Chủ nhiệm giỏi cấp thành phố. Cô Kim cho biết thêm: So với trước đây, công tác chủ nhiệm thay đổi khá nhiều. Tiết sinh hoạt chủ nhiệm đa dạng phong phú hơn và không tạo áp lực học sinh bằng cách tổ chức cho các em tham gia trò chơi đố vui, thưởng bánh kẹo...”.

35 tuổi đời, 11 năm tuổi nghề và dù bận bịu chăm sóc gia đình với 2 con nhỏ, cô Kim vẫn có duyên với nhiều giải thưởng: Giải Nhất Hội thi Giáo viên Chủ nhiệm giỏi cấp thành phố năm 2019; giải Khuyến khích Hội thi Giáo viên dạy giỏi môn Giáo dục công dân cấp thành phố năm học 2019-2020; giải Khuyến khích Hội thi cô giáo tài năng cấp thành phố năm 2017; Bằng khen UBND thành phố... Cô chia sẻ: “Giáo dục công dân là môn học khá khô khan, lại ít học sinh yêu thích, đòi hỏi người thầy phải đổi mới và có phương pháp dạy học trực quan. Tôi sử dụng đồ dùng dạy học tự làm, dạy theo sơ đồ tư duy”. Thầy Nguyễn Hữu Định, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, nhận xét: “Bên cạnh công tác chuyên môn giỏi, tâm huyết với nghề, cô Kim còn nhiệt tình tham gia nhiều phong trào đoàn thể”.

Lệ Thu - Bích Ngọc

Chia sẻ bài viết