10/11/2013 - 18:09

Tại sao người hiến máu khi cần máu phải mua?

Cử tri quận Ninh Kiều đề nghị thông tin cho biết tại sao người hiến máu nhân đạo, nhưng khi bị bệnh cần máu thì phải mua? Nội dung trả lời của Sở Y tế thành phố, như sau:

Theo Quyết định 4578/QĐ-BYT ngày 20-11-2009 của Bộ Y tế về việc quy định giá tối đa của một số đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn, trong đó, quy định giá tối đa các đơn vị máu, ví dụ đơn vị máu toàn phần thể tích 250 ml là 415.000 đồng. Tuy nhiên, để có 1 đơn vị máu sạch (250 ml) dùng cho bệnh nhân, tổng chi phí là 862.247 đồng, bao gồm:

- Chi phí chi cho người hiến máu (tiền quà tặng, hỗ trợ chi phí đi lại, ăn nhẹ tại chỗ): 130.000 đồng;

- Chi phí hỗ trợ cho công tác vận động hiến máu tình nguyện ở các địa phương: 30.000 đồng;

- Chi phí túi đựng máu và que hàn dây túi máu: 110.000 đồng;

- Chi phí hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm: HIV, HCV (viêm gan C), HBsAg (viêm gan B); giang mai, sốt rét, nhóm máu, Rh,…: 432.688 đồng;

- Chi phí cho vật tư tiêu hao khác: bông, cồn, băng dính,..: 29.414 đồng;

- Chi phí hủy máu 10% (do người hiến máu có bệnh): 78.386 đồng;

- Các chi phí liên quan: 50.799 đồng;

Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ đang cung cấp các đơn vị máu theo Quyết định 4578/QĐ-BYT ngày 20-11-2009 của Bộ Y tế. Hiện tại, Nhà nước đang bù lỗ thêm 447.247 đồng cho mỗi đơn vị máu. Do đó, không thể xem là bán máu mà là hỗ trợ cho bệnh nhân khi có nhu cầu phải truyền máu trong điều trị. Bên cạnh đó, đối với bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn hoặc có người nhà có nhóm máu thích hợp sẽ được bệnh viện khuyến khích sử dụng máu từ người thân để giảm chi phí máu.

Chia sẻ bài viết