Nhờ được quan tâm đầu tư, những năm qua, diện tích và sản lượng trái cây tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL liên tục tăng trưởng, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan; yêu cầu ngày càng cao từ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu thụ cây ăn trái của vùng. Điều này đặt ra vấn đề ĐBSCL phải tổ chức lại sản xuất, đổi mới cách tiếp cận thị trường để “mở lối” đầu ra cho trái cây đồng bằng.
Tăng diện tích và sản lượng
Vú sữa đạt chuẩn VietGAP của một nhà vườn ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
ĐBSCL là vùng trồng cây ăn trái chủ lực, chiếm khoảng 39% tổng diện tích cây ăn trái cả nước và chiếm 58% diện tích cây ăn trái toàn miền Nam. Những năm gần đây, năng suất, sản lượng các loại trái cây ở vùng ĐBSCL không ngừng tăng lên nhờ việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đầu tư thâm canh, tuyển chọn sử dụng giống mới. Theo Cục Trồng trọt, tính đến năm 2019, sản lượng thanh long tăng gấp 20 lần (hơn 500.000 tấn) so với năm 2010, bưởi tăng 0,5 lần (gần 100.000 tấn), sầu riêng tăng 5 lần (khoảng 300.000 tấn). Riêng cây xoài dù diện tích tăng ít nhưng sản lượng tăng thêm khoảng 200.000 tấn do tăng cường thâm canh.
Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến nông rải vụ được các viện, trường và cơ quan chuyên môn nghiên cứu chuyển giao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Năm 2019, diện tích trồng thanh long rải vụ của vùng đạt 41.000ha, sản lượng đạt 760.000 tấn; xoài 25.100ha, sản lượng 281.000 tấn; sầu riêng 18.500ha, sản lượng 296.000 tấn; chôm chôm 8.700ha, sản lượng 149.000 tấn. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: “Việc rải vụ trái cây giúp giảm áp lực đầu ra khi sản lượng tập trung vào chính vụ, cho nên giá trái cây ổn định, hiệu quả sản xuất rải vụ cao hơn chính vụ. Năm 2019, sản xuất rải vụ 5 loại trái cây: thanh long, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, xoài tại các tỉnh Nam Bộ tương đối thuận lợi. Giá bán 5 loại trái cây rải vụ nói trên tiếp tục ổn định và hiệu quả sản xuất rải vụ cao hơn từ 1,5-2 lần so với chính vụ”.
Mặc dù đạt được kết quả khá tích cực, song sản xuất và tiêu thụ trái cây của ĐBSCL vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết, diện tích cây ăn trái của vùng còn phân tán, nhỏ lẻ, không tập trung từ đó gây khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đáng chú ý, hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của nông dân vùng ĐBSCL, đặc biệt là cây ăn trái. Riêng mùa khô năm 2019-2020, hạn mặn đã làm 21.200ha cây ăn trái bị ảnh hưởng, trong đó, sầu riêng 9.170ha, bưởi 3.350ha, chanh 2.340ha, chôm chôm 3.990ha,... Đối với vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây, mặc dù thời gian qua công tác xây dựng vùng trồng và liên kết tiêu thụ trái cây được chú trọng nhưng vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, nông dân chưa tìm được tiếng nói chung nên tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng, nông dân bán sản phẩm cho thương lái bên ngoài vẫn còn diễn ra.
Liên kết, tổ chức lại sản xuất
Theo dự báo, tình trạng hạn mặn trong mùa khô năm 2020-2021 tới đây sẽ diễn ra gay gắt, diện tích cây ăn trái có khả năng bị ảnh hưởng là 80.550ha, tức khoảng 23,2% tổng diện tích cây ăn trái toàn vùng ĐBSCL. Để hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra, ông Lê Thanh Tùng đề nghị các địa phương phải sớm chuẩn bị công tác ứng phó. Trước mắt là đánh giá diện tích những vùng có khả năng chịu sự ảnh hưởng, khoanh vùng theo từng chủng loại cây; khảo sát hệ thống công trình thủy lợi, cân đối nguồn nước, khả năng tích trữ của từng nhà vườn để đưa ra các giải pháp, chỉ đạo phù hợp ngay từ đầu. Ngành chức năng cập nhật liên tục hằng ngày diễn biến thời tiết, nguồn nước tại các vùng trồng cây ăn trái để kịp thời phát hiện, không tưới nước có độ mặn trên 1‰ cho cây.
Vấn đề thắt chặt chuỗi liên kết đối với ngành hàng trái cây là yêu cầu tất yếu hiện nay. Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, ngành Nông nghiệp Hậu Giang tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã. Đồng thời, tạo điều kiện kết nối doanh nghiệp với người sản xuất; doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư nông nghiệp từ đó tạo ra mối liên kết sản xuất - tiêu thụ khép kín để người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Đây cũng là nền tảng để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức sản xuất trái cây theo quy trình VietGAP, Global GAP…
Để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, vấn đề truy xuất nguồn gốc trái cây phải được tính đến. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nên có một bộ phận xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về nông sản rau quả và thực phẩm, đưa ra chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc điện tử. Đồng thời, xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử để nông dân vào đăng ký dùng miễn phí và được cơ quan này tập huấn và hỗ trợ thực hiện. Khi các sản phẩm nông sản rau quả Việt Nam đều có mã QR code hay truy xuất nguồn gốc rõ ràng, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nông dân Việt Nam khi xuất khẩu hay tiêu thụ trong nước.
Bài, ảnh: MỸ THANH