02/08/2020 - 11:17

Tái chế rác điện tử thành vật liệu gia cố thép

Rác điện tử vốn rất khó tái chế để dùng cho mục đích khác, vì nó thường chứa hai hoặc nhiều vật liệu pha trộn với nhau. Nhưng nay, các nhà khoa học Úc đã phát triển một phương pháp giúp xử lý rác điện tử thành lớp phủ bảo vệ giúp thép bền chắc hơn.

Theo Liên Hiệp Quốc, mỗi năm thế giới thải ra khoảng 20 đến 50 triệu tấn rác điện tử, bao gồm tivi, máy tính, điện thoại thông minh... Chúng thường cấu tạo bởi nhiều thành phần rất nhỏ kết hợp với nhau và chủ yếu làm bằng vật liệu như silicon, nhựa và kim loại. Việc tách rời các bộ phận này, sau đó phân loại để tái chế là một quá trình phức tạp, mất nhiều thời gian và tốn kém, do đó, hoạt động tái chế rác điện tử thường không hiệu quả. 

Ðể giải quyết vấn đề trên, các chuyên gia tại Ðại học New South Wales đã nghiên cứu phương pháp tái chế mới. Ðầu tiên họ nghiền thủy tinh và nhựa từ màn hình các thiết bị đã vứt bỏ thành bột, sau đó nung đến 1.500ºC để tạo thành các sợi nano silicon cacbua (hợp chất hóa học của cacbon và kim loại), sau đó trộn với bột nghiền từ các bo mạch. Hỗn hợp này sau đó kết hợp với chất nền của thép và được nung nóng đến 1.0000C. Việc này giúp làm nóng chảy lượng đồng trong bo mạch, tạo thành một lớp lai silicon-cacbua có thể gắn chặt với bề mặt của thép, giúp thép thêm bền chắc.

Các thử nghiệm đã chứng minh việc bổ sung lớp bảo vệ bằng vật liệu tái chế từ chất thải điện tử đã làm tăng độ cứng của thép lên 125%. Lớp silicon-cacbua cũng rất bền. Hình ảnh phân tích dưới kính hiển vi cho thấy nó vẫn bám chắc vào thép sau khi va chạm mạnh với vật liệu nano khác, mà không bị nứt hoặc sứt mẻ.

HOÀNG ĐIỂU (Theo New Atlas)

Chia sẻ bài viết