02/04/2019 - 20:38

Tác hại của nghiện mạng xã hội 

Trong bài viết đăng tải mới đây trên tờ Daily Mail, Tiến sĩ Imran Rashid, bác sĩ đa khoa nổi tiếng tại Đan Mạch, đã chỉ ra những tác hại không ngờ mà truyền thông xã hội mang lại.

Thiếu đi các mối quan hệ lành mạnh. Tiến sĩ Rashid tin rằng sống trong thời đại công nghệ cao, con người sẽ dành ít thời gian tiếp xúc với nhau, từ đó dẫn đến việc thiếu đi các mối quan hệ tình cảm khi mà oxytocin - chất dẫn truyền thần kinh trong não được tiết ra khi chúng ta biểu lộ tình cảm như ôm hôn, cho con bú và quan hệ yêu đương - giảm xuống.

Căng thẳng tinh thần (stress). Việc liên tục kiểm tra các cuộc gọi, thông báo, tin nhắn, mạng xã hội và email khiến cho tuyến thượng thận luôn ở trạng thái kích động liên tục, từ đó stress xuất hiện. “Nghiên cứu phát hiện, nếu bạn đọc một cuốn sách thay vì lướt mạng xã hội, nồng độ hoóc-môn gây stress cortisol sẽ giảm nhanh hơn. Cortisol dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe gồm cao huyết áp, tăng nhịp tim và lo lắng” - Tiến sĩ Rashid cảnh báo.

Ảnh: Daily Mail

Ảnh: Daily Mail

Nuôi dạy con kém. Kỹ năng làm cha mẹ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu phụ huynh liên tục bị điện thoại làm phân tâm. Trong khi đó, trẻ không làm những gì bạn bảo chúng mà thay vào đó làm những gì chúng thấy bạn thực hiện. “Nếu bạn tạo cho chúng cảm giác xa cách trong khi liên tục bị màn hình máy tính bảng làm phân tâm, thì đó sẽ là “tấm gương” để chúng phát triển các mối quan hệ” - tác giả lo ngại. Theo các chuyên gia, không chỉ mối quan hệ của trẻ gặp vấn đề mà những đứa trẻ dán mắt vào màn hình hơn 2 tiếng/ngày có kỹ năng nhận thức thấp. Nghiêm trọng hơn, ở những trẻ dùng điện thoại hay máy tính bảng 7 tiếng/ngày, cấu trúc não của chúng sẽ bị thay đổi.

Khó ngủ. Theo một nghiên cứu hồi năm 2017 của Đại học Pittsburgh (Mỹ), lướt điện thoại quá nhiều có thể khiến bạn khó ngủ. “Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại đánh lừa bộ não, khiến chúng ta nghĩ rằng đó vẫn còn là ban ngày. Kết quả là, chúng ta không sản xuất đủ hoóc-môn tạo cảm giác buồn ngủ tự nhiên melatonin để ngủ nhanh chóng và có được giấc ngủ sâu” - Tiến sĩ Rashid cảnh báo.

Không đồng cảm với người khác. Theo các chuyên gia, bạn có thể ích kỷ hơn nếu nghiện điện thoại. Nghiên cứu của Đại học Michigan cho thấy điểm số đồng cảm đã giảm 40% ở học sinh trung học Mỹ trong vòng 20 năm qua. Sự sụt giảm mạnh nhất diễn ra sau năm 2000 khi mà Internet ồ ạt phát triển.

Không thể cưỡng lại những cám dỗ xấu. Theo thời gian, sử dụng điện thoại quá nhiều có thể khiến chúng ta không thể cưỡng lại sự cám dỗ. “Nếu bạn không thể nói không với điện thoại, khả năng “nói không”, tức khả năng kiểm soát sự bốc đồng, của bạn sẽ bị giảm” - Tiến sĩ Rashid giải thích. Điều này có thể dẫn đến những thói quen xấu, chẳng hạn như hút thuốc hoặc ăn uống không lành mạnh.

Lười biếng. Việc sử dụng công nghệ liên tục có thể khiến bộ não “lười” ra quyết định và luôn chọn những tùy chọn dễ dàng. Việc “lang thang” trên mạng trong thời gian dài khiến cơ thể chỉ sản sinh ra một lượng nhỏ dopamine - chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong não với nhiều chức năng như đem lại cảm giác vui vẻ, hài lòng, kiểm soát trí nhớ, sự chú ý và hành vi, trong khi làm “đuối” phần não đảm trách việc đưa ra quyết định.

Tiêu tiền nhiều hơn. Bạn có thể nhìn thấy quảng cáo trên Facebook về những gì bạn sẽ cân nhắc mua. Cùng với những “chiêu trò” khác, đây là những gì các công ty lớn sử dụng để thu hút sự chú ý khi bạn lướt một cách vô thức.

Kém tự tin. Theo Tiến sĩ Rashid, Instagram sẽ ảnh hưởng đến lòng tự trọng trong khi Facebook khiến bạn bị ám ảnh về ý kiến của những người khác. Nghiên cứu cho thấy, những người luôn theo dõi cuộc sống của người khác trên mạng xã hội thường có sự tự tin thấp. Đặc biệt, những người hay lướt Facebook có mức độ trầm cảm cao hơn, trong khi những người ngưỡng mộ dòng trạng thái của những người nổi tiếng có thể cảm thấy không hài lòng với thành tích của bản thân.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết