19/07/2020 - 12:45

Tác giả Lâm Hữu Tặng:
Cần có sự quan tâm, đãi ngộ soạn giả, tác giả cổ nhạc 

Trong giới tác giả, soạn giả cổ nhạc Nam Bộ hiện nay, Lâm Hữu Tặng là một ngòi bút trẻ khẳng định tài năng với những tác phẩm chất lượng. Chàng trai quê Cà Mau hiện đang công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước có những chia sẻ về con đường đến với công việc sáng tác cổ nhạc:

Tác giả Lâm Hữu Tặng và NSƯT Thu Vân trong một buổi ghi hình cổ nhạc. Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôi mê vọng cổ, cải lương từ hồi nhỏ. Cha của tôi thuộc nhiều tuồng cải lương rồi hay hát cho cả nhà nghe, sau này tôi nghe cổ nhạc qua radio, tivi… nên niềm đam mê ấy cứ lớn dần. Lúc đi học, tôi rất thích học môn Văn, những ca từ, lời thoại đẹp đẽ của cải lương thường được tôi đem vào bài văn của mình bằng những biến tấu thú vị. Cũng từ đó, tôi nghĩ mình sẽ gắn bó được với cổ nhạc Nam Bộ.

Tôi tập tành viết bài vọng cổ nhưng chỉ theo bản năng, không biết nhạc lý, mãi đến khi học đại học, tôi “tầm sư học đạo” thầy Bảy Quý ở TP Hồ Chí Minh. Nhờ thầy, những bài ca vọng cổ tôi ấp ủ được ra đời. Hơn 1 năm sau, năm 2010, nhờ biên tập viên, soạn giả Võ Tử Uyên (Ðài Truyền hình TP Hồ Chí Minh) kết nối, tôi có dịp tham gia một chuyến thực tế sáng tác cổ nhạc. Ðó là động lực và cũng là cái duyên để tôi gắn bó với công việc này đến tận bây giờ.

Vốn không phải là người được đào tạo bài bản về cổ nhạc hay cách sáng tác cổ nhạc, Hữu Tặng đã làm gì để bổ khuyết?

- Với tôi, chỉ có một cách duy nhất để bổ khuyết, chính là chịu khó học hỏi. Học qua những tác phẩm của các cô chú, anh chị đi trước, đồng thời cố gắng nắm bắt được suy nghĩ của các bạn trẻ để đưa vào các sáng tác của mình sao cho vừa mang tính trữ tình của bài vọng cổ mà mang hơi thở của cuộc sống.

Tôi cho rằng, một tác phẩm vọng cổ nhất định phải mang hơi thở cuộc sống thì mới có hồn, dễ chạm đến trái tim người ca và người nghe. Vậy nên, tôi chọn viết những đề tài đời thường, những câu chuyện được nghe, được thấy để đưa vào bài vọng cổ một cách trữ tình nhất. Ví như bài “Tình má với Năm Căn” được NSƯT Hoa Phượng thể hiện rất thành công. Ðó là tâm tình của người con gái xứ Năm Căn, Cà Mau lấy chồng về thị xã, đau đáu nỗi lo mẹ già một mình thui thủi xứ đồng sâu: “Cứ mỗi chiều con ra phía nhà sau, nhìn con sông Gành Hào con muốn xuôi về thăm má. Nhưng bận bịu chồng con để cho má héo hon mòn mỏi, chắc những đêm dài má thao thức vì con”.

Giới cổ nhạc Nam Bộ đang “đau đầu” về lực lượng soạn giả, thầy tuồng đang thiếu hụt, dẫn đến việc không có tác phẩm mới, hay. Là một tác giả trẻ, Hữu Tặng nghĩ gì về điều này?

- Ðó là nhận định đúng và quả là vấn đề “đau đầu”, then chốt trong câu chuyện vực dậy sân khấu cải lương và cổ nhạc Nam Bộ. Quan sát sẽ thấy, hiện tại có nhiều đơn vị tổ chức các trại sáng tác, các khóa bồi dưỡng cho đội ngũ sáng tác vọng cổ, sáng tác kịch bản cải lương. Thế nhưng không nhiều người, nhất là người trẻ, gắn bó và tâm huyết theo đuổi.

Cũng chẳng thể trách họ, bởi tình hình chung của sân khấu cải lương đang gặp nhiều khó khăn trước sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật khác. Nhiều tác giả, soạn giả vì áp lực “cơm áo gạo tiền” đành gác bút đi làm kinh tế. Vậy nên theo tôi, các cơ quan chức năng, địa phương cần quan tâm thỏa đáng chế độ đãi ngộ, “tiếp sức” cho soạn giả, tác giả cổ nhạc. Ngoài ra, cần có nhiều câu lạc bộ, sân khấu cải lương, cổ nhạc sáng đèn thường xuyên để tạo cơ hội cho các soạn giả, tác giả “có đất dụng võ”. Các đài truyền hình cũng nên có những chương trình về sân khấu cải lương, không chỉ để các soạn giả, tác giả có cơ hội tham gia, mà hơn hết là giới thiệu đến công chúng nét đẹp của cổ nhạc Nam Bộ.

Xin cảm ơn tác giả Lâm Hữu Tặng!

ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết