18/11/2011 - 10:21

Sức sống mới ở những khu dân cư tiên tiến

Qua nhiều năm triển khai thực hiện, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư (TDĐKXDĐSVHƠKDC) do Ủy ban Trung ương MTTQVN phát động ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sự chuyển biến đáng kể về nhiều mặt ở 628 khu dân cư của TP Cần Thơ. Nhân dịp kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11), chúng tôi trở lại thăm hai 2 khu dân cư văn hóa trong số hơn 500 khu dân cư văn hóa của thành phố.

PHẤN ĐẤU XỨNG TẦM KHU DÂN CƯ Ở ĐÔ THỊ

Diện mạo ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ ngày càng khang trang, sạch đẹp.  

Cùng ông Phạm Lại, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu vực 1, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều đi một vòng qua các ngõ hẻm trong khu vực, càng thấy rõ sự đổi mới từ diện mạo, cảnh quan môi trường ở khu dân cư đến những chuyển biến trong nhận thức, đời sống của người dân. Bây giờ, nhiều con hẻm trông sạch đẹp, thông thoáng, nhà cửa khang trang hơn... Ông Phạm Lại khẳng định: “Sự đổi thay nhanh chóng đó một phần là nhờ nhân dân trong khu vực tích cực hưởng ứng phong trào TDĐKXDĐSVHƠKDC”. Theo ông Phạm Lại, khu vực 1 hiện có 608 hộ, 2.657 nhân khẩu; trong đó, 2/3 hộ làm nghề buôn bán, làm thuê; 1/3 hộ công nhân viên đương chức và hưu trí. Trước đây, trong khu vực nhiều tuyến hẻm nhỏ hẹp, đi lại khó khăn. Hưởng ứng phong trào TDĐKXDĐSVHƠKDC, nhiều năm qua, nhân dân đã tích cực hiến đất, đóng góp tiền cùng với Nhà nước nâng cấp nhiều tuyến hẻm. Điển hình như các hẻm 8 đường Đinh Tiên Hoàng; hẻm 61, hẻm 67 đường Hùng Vương... Ông Nguyễn Văn Ba, một người dân ở khu vực, kể: “Trước đây, các tuyến hẻm trong khu vực hẹp, mỗi khi mưa xuống ngập nghẹt, đi lại khó khăn. Được chính quyền địa phương vận động, nhân dân trong khu vực tháo dỡ các công trình, hiến đất để nâng cấp hẻm, nên các tuyến hẻm đã khang trang hơn”. Khi các tuyến hẻm được mở rộng, nhân dân đã thực hiện tốt cam kết giữ gìn vệ sinh, môi trường bằng việc làm cụ thể như: vệ sinh các tuyến hẻm, khơi thông đường cống thoát nước vào chiều thứ 6 hàng tuần, không thả rông súc vật ra đường, bỏ rác đúng giờ và đúng nơi quy định... Thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVHƠKDC, nhiều hộ dân có ý thức vươn lên thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Xuân, hội viên phụ nữ, kể: “Trước đây, do tôi không có việc làm, đông con nên cuộc sống rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Năm 2008, được Chi hội phụ nữ tạo điều kiện vay vốn buôn bán, gia đình tôi đã thoát nghèo từ cuối năm 2009”. Không riêng chị Xuân, bằng những cách làm khác nhau, thời gian qua, các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong khu vực được địa phương hỗ trợ, giúp đỡ về nhiều mặt. Những hộ nghèo, gặp khó khăn về nhà ở còn được khu vực đề nghị cấp trên, vận động các mạnh thường quân đóng góp xây tặng nhà “Đại đoàn kết”. Nhờ đó, đến nay, tất cả hộ trong khu vực đều có nhà kiên cố và bán kiên cố.

Nét nổi bật trong thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVHƠKDC ở khu vực 1, phường Thới Bình là nhân dân ý thức cao trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương. Ông Phạm Lại, kể: “Trước năm 2000, tình hình an ninh, trật tự trong khu vực diễn biến phức tạp. Hưởng ứng phong trào xây dựng gia đình văn hóa và khu dân cư tiên tiến, nhân dân đã tích cực góp phần giữ gìn an ninh trật tự, mạnh dạn tố giác tội phạm, vận động con em từ bỏ thói hư, tật xấu... Những đối tượng chậm tiến bộ được cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương quan tâm kèm cặp, giáo dục, giúp họ tiến bộ. Bên cạnh đó, nhờ sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, các chủ khách sạn, nhà trọ cũng tích cực hưởng ứng chủ trương xây dựng khách sạn, nhà trọ văn minh; các cơ sở kinh doanh, mua bán hạn chế lấn chiếm vỉa hè và lòng lề, đường... Nhờ thực hiện tốt phong trào TDĐKXDĐSVHƠKDC, hàng năm khu vực 1, phường Thới Bình có trên 95% hộ đạt gia đình văn hóa; chi bộ, Ban Nhân dân và các đoàn thể vững mạnh. Từ năm 1996 đến nay, khu vực giữ vững danh hiệu khu vực văn hóa; từ năm 2006 đến nay khu vực được công nhận đạt “3 không”; năm 2011 khu vực được UBND quận Ninh Kiều tặng giấy khen về thành tích tiêu biểu trong thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVHƠKDC.

CUỘC SỐNG MỚI Ở KHU DÂN CƯ CÓ ĐÔNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC KHMER

Trở lại ấp Thới Hòa B (thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ) - khu dân cư tiên tiến nhiều năm liền - khi “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân” đang đến gần. Tuyến đường từ trung tâm thị trấn vào ấp đã được tráng bê tông rộng rãi, những ngôi nhà của đồng bào được xây mới khang trang hơn... Theo ông Đào Dinh, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Thới Hòa B, toàn ấp có 522 hộ, với 2.552 nhân khẩu; trong đó có 519 hộ dân tộc Khmer. Thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVHƠKDC, những năm qua, Chi ủy, Ban Nhân dân, Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể của ấp đã tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào ra sức xây dựng đời sống văn hóa. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên; an ninh, trật tự được giữ vững.

Theo ông Đào Dinh, thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVHƠKDC và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, nhiều năm qua, Chi ủy chỉ đạo Ban Nhân dân và các đoàn thể ấp tích cực lập các dự án dạy nghề, tín chấp cho các hộ hội viên, đoàn viên nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, trong ấp có 276 hội viên, đoàn viên được vay tổng số vốn 1,76 tỉ đồng để phát triển sản xuất... Có vốn, có nghề nghiệp, việc làm, đồng bào Khmer càng ra sức phấn đấu làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Thạch Sang, một nông dân vừa được thoát nghèo năm 2011. Ông Thạch Sang phấn khởi nói: “Năm 2009, được Chi hội Nông dân bảo lãnh cho vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách – Xã hội, tôi đã mua chiếc vỏ lãi làm nghề bán nước đá, mỗi ngày lời hơn 100.000 đồng. Tôi dành dụm tiền xây chuồng heo để vợ ở nhà chăn nuôi thêm. Đến nay, cuộc sống của gia đình tôi không còn thiếu thốn nữa”. Ghé gia đình chị Thạch Thị Lan, đúng lúc chị đang tất bật đan lục bình. Chị Lan hồ hởi kể: “Trước đây, không có việc làm nên cuộc sống nghèo khó. Từ năm 2009, được học nghề đan lục bình, mỗi tháng tôi kiếm được 700-800 ngàn đồng, cũng đủ ăn, đủ mặc”. Cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của Nhà nước và địa phương, đa số các hộ nghèo có ý thức cố gắng vươn lên, từ đó, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Thới Hòa B từng bước được nâng lên. Năm 2000, ấp có trên 50% hộ nghèo, đến năm 2011 số hộ nghèo của ấp đã giảm xuống còn 19,35%.

Đời sống được nâng lên, đồng bào đã có điều kiện đóng góp cùng với Nhà nước để xây dựng quê hương. Ông Đào Dinh, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận ấp, cho biết: “Trong hai năm 2010 và 2011, nhân dân đã đóng góp hơn 170 triệu đồng để làm 711 mét đường bê tông, sửa chữa 2 cây cầu trong ấp”. Bên cạnh đó, cán bộ ấp đã phối hợp với các chức sắc Chùa Setordom tuyên truyền, vận động nhân dân, bà con phật tử thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa đạt nhiều kết quả nổi bật. Nếu như trước đây khi có đám cưới, giỗ chạp các gia đình thường vay, mượn, hoặc bán lúa non tổ chức ăn uống linh đình từ 3-4 ngày, với số lượng khách mời từ 30-40 mâm, thì hiện nay chỉ tổ chức trong 1 ngày, với số lượng khách mời chỉ 10 mâm trở lại. Hay trước đây, nhiều người dân trong ấp có quan niệm trọng nam, khinh nữ, “trời sinh voi sinh cỏ”... nên sinh đông con, thì đến nay các gia đình đã ý thức được “dù gái hay trai chỉ 2 là đủ”, 100% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đều cam kết không vi phạm kế hoạch hóa gia đình; 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường; các tệ nạn xã hội, đối tượng xấu đã được giáo dục và đẩy lùi nên tình hình an ninh trật tự ổn định… Từ năm 2000 đến nay, ấp Thới Hòa B luôn giữ vững danh hiệu ấp văn hóa, từ năm 2007 đến nay được trên công nhân đạt “3 không” và năm 2011 ấp được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen về thành tích tiêu biểu trong phong trào TDĐKXDĐSVHƠKDC...

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết