Truyện ngắn NHẬT HỒNG
Mái tóc cắt ngắn che khuất một phần khuôn mặt cô gái, để lộ một bên gò má và sống mũi thẳng. Đôi mắt đen sáng hướng theo từng nét cọ uyển chuyển khi chậm khi mau trên tay cô. Trong phòng vẽ gốm sứ tĩnh lặng, nổi bật cô gái với thế ngồi nghiêm túc, chăm chú làm việc như một bức tượng. Đoàn khách tham quan ngắm màu sắc trên gốm sứ và hoa văn tinh xảo sống động trên mỗi tác phẩm. Khách trầm trồ khen ngợi. Lời giới thiệu của nhân viên hướng dẫn tuôn ra không ngừng. Vậy mà cô gái như không cảm thấy ồn ào xung quanh, mắt và tay cứ mải mê trên chiếc ấm trà.
Tôi không hay biết đã tách mình ra khỏi đoàn, để cho nét vẽ và sắc màu trên chiếc ấm mê hoặc. Tôi trôi theo từng nét chấm phá, nét nặng- nhẹ của cây cọ trên tay cô gái. Lòng tôi bồi hồi khi nhìn thấy cô gái ấy đang ngồi trên xe lăn. Bên tách trà, ông Hà, chủ lò gốm sứ chia sẻ: "Cô bé tên Dung. Cha mẹ Dung trước làm công nhân ở đây. Mẹ qua đời, cha bỏ đi, con bé vốn sinh ra tật nguyền lại mồ côi từ đó. Tôi xem con bé như con cháu trong nhà mà nuôi lớn. Ngày một lớn Dung vì mặc cảm mà ít khi tiếp xúc với mọi người, ít nói, trốn tránh đám đông".
|
|
Từ đó tôi hay đến thăm Dung. Dung an phận với công việc, nhưng trong ánh mắt chừng chứa đựng một nỗi niềm khó tả, khiến tôi muốn che chở cho cô như người cha che chở cho con gái mình. Mối thân tình của tôi và Dung bắt đầu từ những quan tâm mỗi khi Dung miệt mài với công việc, rồi nói chuyện gốm, chuyện hội họa. Dung thường nghe tôi nói, nhu thuận ngoan ngoãn, nhưng ánh mắt thường xa xôi. Những lúc ấy, tôi thấy Dung đôi lần nhìn lén Tân, cháu của ông Hà. Nhưng ánh mắt lấp lánh hạnh phúc ấy thường tắt rất nhanh, vội vàng quay đi, cho nên không kịp thấy ánh mắt ngóng trông, đầy quan tâm của Tân dành cho Dung.
Tôi quyết định phá vỡ bức tường ngăn cách giữa Dung với thế giới bên ngoài: "Cháu không tin mình sẽ có được hạnh phúc như những người bình thường khác, phải không?". Dung nhìn tôi, ánh mắt sâu vời vợi.
*
* *
Dung cũng có những giấc mơ. Cô mơ thấy mình ngồi sau xe đạp để Tân chở khắp thành phố, qua những con đường vừa lạ vừa quen, có những nơi Dung thường qua lại khi đến trường bằng đôi nạng gỗ, vẫn còn vương lời chanh chua của vài đứa bạn: "Nạng gỗ Dung bữa nào cũng đi học trễ". Thế rồi giấc mơ của cô đột ngột tràn ngập lời châm chọc vô tâm của người khác. Tuổi thơ mất mát bỗng dưng sống lại. Dung thấy mình chạy nhảy vui đùa, chơi cút bắt, chơi búng dây thun, với đôi chân lành lặn. Nhưng tuổi thơ êm đềm bị phá vỡ bởi tiếng cha say lè nhè, tiếng mẹ khóc khi cha đánh đập không ngừng tay, cả khi đang ăn cơm cũng không tha. Mẹ nuốt cơm cùng với nước mắt. Mẹ qua đời trong cơn suyễn. Cơn sốt bại liệt ập đến với Dung. Không người đưa đi bệnh viện. Cha nằm ngáy như sấm trên giường. May nhờ có bà cô sống gần nhà nghe tiếng khóc ngằn ngặt của Dung mà đến, cứu lại Dung một mạng. Mẹ được hàng xóm chôn cất xong, cha Dung cũng bỏ xứ ra đi vì xấu hổ, bỏ Dung lại cho bà cô. Không lâu sau Dung lần nữa chứng kiến cảnh bà cô qua đời.
Đoạn thời gian dài tuổi thơ Dung bị những nỗi kinh hoàng, đau khổ trùm lấy. Nỗi đau cứ hiện về khiến Dung không dám đối mặt, bịt mắt bịt tai, tự nhốt mình trong thế giới cọ vẽ. Mỗi lời của ba mẹ cãi nhau là mỗi vết khứa vào da thịt, đau rát như ai xát muối. Dung cố quên những hình ảnh đó bằng những nét chấm phá trên gốm sứ.
*
* *
Từ xa tôi đã thấy Dung ngồi bất động trong phòng vẽ có khung cửa rộng. Ánh sáng từ cửa sổ lấp lánh trên tóc cô. Tôi đi lần đến, thấy Dung đang vẽ trên chiếc độc bình màu trắng ngà nhẵn bóng, có nhánh hoa nhỏ xíu uốn cong mình thả theo thân vài chiếc lá, bên trên nụ hoa hồng đang độ nở. Bất chợt tôi thấy đôi mắt Dung thoáng chút xao xuyến khi nét cọ chấm vào nhụy hoa. Hoa bỗng rực rỡ nhưng tay Dung run run. Tôi không thể nào ngờ được một người con gái luôn bị bất hạnh vây quanh vẫn vẽ nên những tác phẩm yêu đời và đầy sức sống đến vậy.
Thấy tôi, tay cọ của Dung dừng lại. Lần đầu tiên cô mở lời trước tôi:
- Một người tật nguyền không gia đình như con có xứng với hạnh phúc không bác?
- Con có biết vì sao bác Hà và bác luôn yêu quý con như con gái không? Vì con đã vượt qua bất hạnh bằng năng lực của mình.
Dung chớp mắt. Đôi mắt đã không còn thất thần, mà thoáng ánh lên nét đáng yêu của cô gái tuổi đôi mươi:
- Con cũng ước có một mái ấm gia đình bình thường có tiếng trẻ thơ hạnh phúc. Nhưng con sợ
- Con thấy những bình gốm này không, phải trải qua lửa đỏ, lại phải nhờ tài hoa của con mới nên hình dáng. Cuộc sống cũng vậy, muốn có hạnh phúc phải có can đảm mở lòng mình và đón nhận tấm lòng của người khác.
Dung cúi đầu nhìn bình gốm trên tay, nở nụ cười rạng rỡ và đầy can đảm.
*
* *
Đã hai năm kể từ lần đầu tiên tôi gặp Dung. Lò gốm ông Hà đang chộn rộn chuẩn bị đám cưới cho Dung và Tân. Tôi không còn thấy Dung lặng lẽ một mình với cọ vẽ, mà bên cô thường tràn ngập thanh âm đầy sức sống của Tân, nào là chọn áo cưới, mua bàn tủ giường ghế cho căn nhà nhỏ của họ. Những tác phẩm của Dung gần đây rực rỡ và càng thêm sức sống. Ông Hà nói giờ đã mở rộng thị trường sang nước ngoài.