Dù chưa nhộp nhịp so với khu vực nội thành, nhưng ở hầu hết các chợ tại các huyện ngoại thành, người dân cũng đã bắt đầu đi mua sắm hàng hóa, hoa kiểng để đón năm mới
* SỨC MUA BẮT ĐẦU TĂNG
Nhiều tiểu thương tại các huyện ngoại thành cho biết: Năm nay, sức mua nhiều loại bánh kẹo và nước giải khát phục vụ thị trường Tết giảm khoảng 30-50% so với năm trước. Chị Lê Thị Thi, bán bánh kẹo tại chợ Thốt Nốt, cho biết: “Ngoài bán lẻ tôi còn bỏ sỉ cho các tiểu thương ở các chợ xã. Đến nay, hàng bán vẫn còn chậm. Thông thường, từ 25 Tết trở lên sức mua bánh kẹo mới tăng mạnh, vì đây là loại hàng chính mà nhiều người phải mua trong dịp Tết. Tuy sức mua yếu nhưng mấy ngày qua giá một số loại mứt đã có dấu hiệu tăng nhẹ, với mức 5.000-7.000 đồng/kg...” .
|
Người dân mua bánh kẹo Tết ở chợ thị trấn Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Ảnh: VĂN CÔNG |
Nhiều tiểu thương dự đoán sức mua các loại mứt, bánh kẹo, bia, nước giải khát Tết này sẽ không bằng năm trước, nên không dám lấy hàng về nhiều. Trên thực tế, sức mua nhiều mặt hàng này trong thời gian qua khá yếu. Bà Đoàn Thị Bé Tư, chủ một cửa hàng bán tạp hóa ở chợ Láng Sen (xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh) cho biết: “Các năm trước vào thời điểm này là đã có các lô sạp bán dưa hấu và hoa kiểng và có người mua lai rai. Năm nay, tôi không dám chuẩn bị hàng Tết nhiều do sợ bán chậm để qua Tết hàng bị quá đát. Tôi chỉ mua bao nhiêu bán bấy nhiêu, chứ không ôm hàng nhiều. Mặt khác, tôi cũng đã hạn chế bán một số mặt hàng mà người mua thường hay mua thiếu như các loại bia”. Ông Phạm Kiều, chủ cửa hàng Kiều Loan ở Khu dân cư số 10, thị trấn Vĩnh Thạnh, chuyên kinh doanh các loại bia, nước giải khát, bộc bạch: “Đã chuẩn bị hàng bán Tết từ đầu tháng Chạp, nhưng chỉ bằng khoảng 2/3 so với năm trước. Năm nay, đầu ra nông sản không thuận lợi nên nhiều nông dân chưa mua sắm hàng Tết, nhưng tôi vẫn tin là đến những ngày cận Tết sức mua sẽ tăng”. Còn ông Trương Ngọc Ảnh, bán các loại nước giải khát và bánh kẹo Tết ở chợ thị trấn Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, nói: “Năm nay lượng hàng mà tôi chuẩn bị cũng giảm khoảng 30% so với năm trước. Vào thời điểm này, hầu như sức mua hàng vẫn chưa tăng mạnh, nhưng giá một số mặt hàng bán sỉ từ các nhà cung cấp đã có dấu hiệu nhóng lên”.
Theo nhiều tiểu thương, do giá mua vào cao hơn năm trước nên giá nhiều loại mứt, bánh kẹo và nước giải khát bán lẻ tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán lẻ mứt bí loại thường tại nhiều chợ ở các huyện ngoại thành đang ở mức 25.000-35.000 đồng/kg, hàng cao cấp 40.000 đồng/kg, mứt chà là 30.000-35.000 đồng/kg, mứt mãng cầu: 25.000-42.000 đồng/kg; kẹo rau câu 30.000-35.000 đồng/kg, bánh quy bơ 320 g (các cơ sở ở Cần Thơ sản xuất) 12.000 đồng/hộp, bánh bơ thập cẩm hộp thiếc 700 g của Kinh Đô 62.000-65.000 đồng/hộp... Còn giá bia Đại Việt 184.000 đồng/thùng (24 lon), bia 333: khoảng 190.000 đồng/thùng, bia Tiger 230.000 đồng/thùng, bia Heineken: 330.000 đồng/thùng, nước giải khát 45.000-80.000 đồng/két, tùy loại.
Tại nhiều chợ ngoại thành, mặt hàng quần áo may sẵn được bày bán tương đối đa dạng về mẫu mã và giá cả. Giá áo thun nữ dao động 50.000-60.000 đồng/cái, áo sơ mi nữ 50.000-80.000 đồng/cái, quần jean nữ 100.000-120.000 đồng/cái, quần lửng nữ 50.000-60.000 đồng/cái, áo sơ mi nam 50.000-90.000 đồng/cái, quần jean nam 70.000-100.000 đồng/cái... Song, sức mua mặt hàng này cũng còn yếu so với cùng kỳ năm trước. Chị Nguyễn Thị Bào Duyên, bán quần áo may sẵn tại chợ Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Thời điểm này của các năm trước sức mua quần áo Tết đã tăng mạnh. Còn nay, sức mua mặt hàng này vẫn chưa có dấu hiệu tăng lên. Nông dân bán lúa giá rẻ nên cũng hạn chế mua sắm Tết, trong đó có quần áo. Tuy vậy, năm nay giá nhiều loại quần áo cũng tăng khoảng 20% nên góp phần làm cho sức mua giảm. Bán chậm, tôi chuẩn bị nguồn hàng bán dịp Tết năm nay cũng ít hơn năm trước”. Tuy nhiên, cũng có nhiều tiểu thương cho biết, tình hình kinh doanh những ngày cận Tết đã khả quan hơn. Cửa hàng của chị Dương Thị Mỹ Hoàng, bán quần áo may sẵn tại chợ Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, chuẩn bị nguồn hàng tương đương với Tết năm trước, trong đó có nhiều mặt hàng mẫu mã mới. Từ ngày 15-12 âm lịch đến nay, sức mua quần áo tại cửa hàng đã bắt đầu tăng...
* NỖ LỰC BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG
Nhiều huyện ngoại thành ở khá xa các trung tâm mua sắm và siêu thị của thành phố và các tỉnh lân cận, nên việc mua sắm hàng Tết của người dân phụ thuộc vào hệ thống chợ truyền thống. Trước đây, vào những ngày cận Tết hàng hóa được buôn bán nhiều và người dân mua sắm cũng đông hơn ngày thường nên dễ xảy ra việc tăng giá bán hàng bất hợp lý và tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, trật tự giao thông cũng xảy ra phổ biến hơn... Để đảm bảo cho việc mua bán của người dân được thuận lợi và an toàn, từ cuối tháng 12-2008 đến nay, các ngành chức năng ở các huyện Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Cờ Đỏ và Phong Điền đã tổ chức sắp xếp lại nhiều chợ trên địa bàn. Đồng thời, ngành chức năng của các huyện đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường thành phố kiểm tra tại các chợ để nhắc nhở và xử lý các trường hợp tăng giá bất hợp lý và hạn chế việc bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Lê Thanh Nhàn, Trưởng phòng Công thương huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Huyện Vĩnh Thạnh đang có 10 chợ, trong đó có bốn chợ lớn là chợ Ngã Tư, chợ Kinh D, chợ Láng Sen và chợ Số 2 Vĩnh Trinh. Để đảm bảo cho việc mua bán của người dân trong dịp Tết Kỷ Sửu, Phòng Công thương của huyện đã chỉ đạo và phối hợp với các xã để tổ chức sắp xếp lại việc buôn bán ở các chợ nhằm đảm bảo an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm hàng Tết. Tại các chợ, các ngành chức năng đã nhắc nhở người dân bán đúng hàng, đúng giá, đúng trọng lượng và thực hiện việc niêm yết giá, không được bán hàng giả, hàng cấm, hàng quá hạn sử dụng”.
Ở huyện Thốt Nốt việc sắp xếp các chợ được triển khai khá tốt. Ông Trịnh Phi Hùng, Trưởng phòng Công thương, cho biết: “Đến nay, phòng đã kết hợp với các lực lượng chức năng ra quân thực hiện việc kiểm tra, sắp xếp lại trật tự mua bán tại các chợ trên địa bàn. Trước đó, Thốt Nốt cũng đã tiến hành nâng cấp sửa chữa tại một số chợ nhằm tạo thuận lợi cho người dân vào chợ mua bán. Huyện đã sắp xếp lại chỗ mua bán cho hơn 530 tiểu thương tại chợ thị trấn. Riêng chợ hoa tại chợ thị trấn, từ sớm cũng đã được di dời về một địa điểm mới thuận lợi hơn”.
Từ cuối tháng 12-2008 đến nay, Phòng Công thương huyện Phong Điền cũng đã tổ chức đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng Tết. Theo đó, đã xử phạt hành chính đối với hơn 10 trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, bán hàng ghi nhãn chưa đúng qui định... Theo Phòng Công thương huyện, Tết năm nay, các doanh nghiệp, cửa hàng và tiểu thương tại các chợ đã chuẩn bị lượng hàng hóa tương đối dồi dào phục vụ người dân, với tổng giá trị hàng hóa khoảng 75 tỉ đồng. Trong đó, các mặt hàng thực phẩm chiếm hơn 26 tỉ đồng, lương thực hơn 12 tỉ đồng, may mặc 3 tỉ đồng, còn lại là các loại hàng hóa khác... Những ngày giáp Tết, lượng hàng hóa phục vụ Tết tiếp tục đổ về các chợ nhiều hơn.
Tuy giá nhiều loại mứt, loại bánh kẹo, bia, nước giải khát có tăng so với năm trước, nhưng hiện giá nhiều mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, các loại gạo, nếp... lại đang khá bình ổn. Chính vì vậy, nhiều người dân ngoại thành tin rằng, với tinh thần tổ chức đón Tết tiết kiệm của nhiều hộ gia đình ở ngoại thành thì sẽ khó xảy ra tình trạng khan thiếu hàng các mặt hàng thiết yếu. Anh Phan Hoàng Dũng ở ấp Định Phước, xã Định Môn, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Khoảng 28 Tết tôi mới đi chợ mua bánh, thịt heo đón Tết. Gia đình tôi có 6 người, năm trước dành hơn 2 triệu đồng để mua sắm Tết. Còn năm nay, gia đình chỉ dành khoảng 1 triệu đồng chủ yếu mua những món đồ cần thiết trong những ngày Tết”.
VĂN CÔNG-ANH KHOA