Không ít người dùng không khỏi khó chịu do khi đang sử dụng, máy tính Windows 10 của họ đột ngột bị tắt không rõ lý do, hay nó bị tắt mỗi khi người dùng muốn mở lại từ chế độ ngủ đông. Vấn đề này là do lỗi cấp nguồn có tên gọi Kernel-Power 41.
Đặc điểm của Kernel-Power 41.
* Lỗi Kernel-Power 41 là gì?
Lỗi Kernel-Power 41 là một lỗi nghiêm trọng làm cho máy tính của người dùng bị tắt đột ngột. Nó có thể bị kích hoạt trong những tình huống có liên quan đến nguồn điện, pin. Tuy nhiên, lỗi Kernel-Power 41 không hoàn toàn là do nguồn điện, pin, mà nó là một vấn đề của phần cứng máy tính gây ra lỗi nguồn, dẫn đến máy tính bị tắt đột ngột.
* Các bước xử lý:
- Cập nhật Windows 10
Người dùng hãy kiểm tra xem máy tính Windows 10 của mình đã cập nhật mới nhất hay chưa. Microsoft thường xuyên tung ra các bản cập nhật Windows 10, để sửa lỗi và nhiều vấn đề khác. Lỗi Kernel-Power 41 có thể bắt nguồn từ một lỗi mà đã có bản vá lỗi trong bản cập nhật mới nhất.
Để làm việc này, người dùng nhấn tổ hợp phím Windows + I, nhập từ khóa “update” vào hộp tìm kiếm kế trình đơn Start, rồi chọn “Check for updates”. Nếu đã có bản cập nhật chờ sẵn, người dùng hãy tải về và cài đặt nó, rồi khởi động lại máy tính.
- Vô hiệu khởi động nhanh
Khởi động nhanh (fast start-up) trên Windows 10 là một chế độ lai cho phép người dùng khởi động máy tính rất nhanh. Windows 10 cho phép mở fast start-up mặc định trong lúc cài đặt.
Nếu người dùng mở fast start-up, máy tính của người dùng sẽ không tắt máy hoàn toàn khi Shut down. Thay vào đó, nó sẽ chuyển sang trạng thái trung gian giữa Shut down hoàn toàn và chế độ ngủ đông. Khi khởi động, máy tính sẽ khởi động rất nhanh, và không mở các cửa sổ và các ứng dụng đã được mở trước đó, giống như khởi động từ đầu, nhưng thực tế không phải vậy.
Để vô hiệu hóa fast start-up, người dùng nhập “power set” vào hộp tìm kiếm kế trình đơn Start, rồi chọn “Choose a power plan”. Kế tiếp, người dùng chọn “Choose what the power buttons do”, nhấp vào “Change settings that are currently unavailable”, bỏ chọn “Turn on fast start-up”, rồi nhấn Save changes.
- Cắm lại thanh RAM và card đồ họa
Người dùng sẽ phải tháo máy tính để bàn hay xách tay của mình để cắm lại các thanh RAM và card đồ họa. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải thực hiện rất cẩn thận, vì nó có thể làm mất bảo hành trong một số trường hợp.
- Chạy CHKDSK và SFC
Để chạy CHKDSK, người dùng bắt đầu bằng việc nhập “command prompt” vào hộp tìm kiếm kế trình đơn Start, nhấp chuột phải vào Command Prompt và chọn “Run as administrator”. Trong cửa sổ vừa được mở, người dùng nhập “chkdsk /r”, và nhấn Enter. Lệnh này sẽ quét toàn bộ các ổ đĩa trên máy tính của người dùng để tìm lỗi và sửa chữa.
Để chạy SFC, người dùng cũng bắt đầu với các bước mở Command Prompt như trên, rồi nhập dòng lệnh “sfc /scannow” và nhấn Enter. Lệnh này sẽ quét để kiểm tra xem có tập tin nào của hệ điều hành Windows 10 bị mất hay hỏng không.
- Kiểm tra lỗi bộ nguồn (PSU) bằng OCCT
Sau khi tải về và cài đặt phần mềm OCCT miễn phí từ địa chỉ https://www.ocbase.com/, người dùng mở phần mềm, chọn “Power” trong khung Test Configuration, chọn card đồ họa của máy tính, chọn độ phân giải 1.920x1.080, rồi nhấn nút Play để tiến hành kiểm tra.
Nhà phát triển của OCCT khẳng định đa số lỗi sẽ được xác định ngay trong 5 phút đầu tiên, nhưng để chắc chắn người dùng nên để phần mềm kiểm tra trong ít nhất 1 giờ. Khi kiểm tra xong, OCCT sẽ đưa ra bảng kết quả đánh dấu các lỗi bộ nguồn, hay lỗi các linh kiện khác.
Phần mềm OCCT hỗ trợ kiểm tra bộ nguồn.
LÊ PHI