04/02/2017 - 15:55

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính

Theo Bộ Tài chính, năm 2016, hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; thị trường tài chính, tiền tệ ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu dự toán, góp phần quan trọng cho việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, là tiền đề để triển khai kế hoạch năm 2017.

Vượt chỉ tiêu dự toán

Năm 2016, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng các kịch bản điều hành NSNN, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo điều hành nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2016. Trong đó, yêu cầu phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN; quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; giữ bội chi NSNN trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định. Bộ Tài chính chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu; triển khai các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; đôn đốc thu các khoản theo kết quả kiểm toán, thanh tra; xử lý thu nợ đọng thuế; tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực có đóng góp số thu vào ngân sách Trung ương.

Khách hàng đến giao dịch tại Kho bạc Nhà nước Cần Thơ.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 31-12-2016, thu cân đối NSNN đạt 1,094 triệu tỉ đồng, tăng 7,8% so dự toán. Trong đó, thu ngân sách địa phương đạt 118,6% dự toán (tương ứng vượt 77,8 ngàn tỉ đồng), hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao (58/63 tỉnh, thành); thu ngân sách Trung ương không kể ghi thu, ghi chi viện trợ cho các dự án, cơ bản đạt dự toán. Về chi NSNN được điều hành chặt chẽ; đảm bảo theo đúng dự toán, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của các đơn vị sử dụng ngân sách. Về quản lý nợ công và nợ quốc gia, ước đến cuối năm 2016, dư nợ công khoảng 64,73% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 53,62% GDP. Nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép.

Năm qua, ngành tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong điều hành lĩnh vực tài chính vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt; nợ đọng thuế còn lớn; giải ngân vốn đầu tư phát triển còn chậm; việc phân bổ và sử dụng vốn vay còn dàn trải, hiệu quả đầu tư một số chương trình, dự án thấp; tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn đầu tư chậm so yêu cầu đề ra.

Giữ vững đà tăng trưởng

Mục tiêu tổng quát của toàn ngành tài chính trong năm 2017 là: "Huy động tối đa các nguồn lực tài chính của Nhà nước; quản lý, sử dụng triệt để tiết kiệm, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; từng bước cơ cấu lại NSNN, thực hiện các giải pháp xử lý nợ công theo hướng an toàn, bền vững; đẩy nhanh cải cách khu vực sự nghiệp công, tinh giản biên chế; ưu tiên đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính". Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN đã được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính xác định dự toán thu cân đối NSNN năm 2017 là 1,21 triệu tỉ đồng. Dự toán chi NSNN là 1,39 triệu tỉ đồng. Dự toán bội chi NSNN là 178 ngàn tỉ đồng (tương đương 3,5% GDP).

Năm 2017, tình hình kinh tế của đất nước được dự báo tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các yếu tố tác động từ hội nhập quốc tế, sự thích ứng của doanh nghiệp còn chậm; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, bất thường. Thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại thế giới biến động khó lường, dự báo có tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế và hoạt động tài chính– NSNN. Do đó, ngành tài chính đề ra quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính-NSNN. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã, năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020. Do đó, cần phải huy động, khai thác và bố trí các nguồn lực cho đầu tư phát triền kinh tế-xã hội của đất nước. Vấn đề cơ cấu lại nợ công không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành tài chính mà đòi hỏi các bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng tham gia. Bên cạnh đó, cần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thanh toán chi và chi đảm bảo theo dự toán, nhất là đối với các khoản chi thường xuyên.

Tại "Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2016, triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2017", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Năm 2017 còn nhiều khó khăn nên ngành tài chính cần phải đi đầu thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ; phải thực hiện đầy đủ các chính sách tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững đà tăng trưởng; phải giảm bội chi ngân sách, tái cơ cấu đầu tư công, kiểm soát nợ công hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ, đảm bảo nhiệm vụ thu chi NSNN. Cần chủ động rà soát các chính sách ưu đãi về thuế để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời bãi bỏ hoặc điều chỉnh những chính sách chưa phù hợp. Chi NSNN phải đảm bảo tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí. Chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội phải hợp lý, đảm bảo tính công bằng. Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết