10/07/2013 - 09:45

ST5 và ST20: Niềm tin chất lượng

Đóng bao bì xuất khẩu gạo ST5 tại Công ty Lương thực Sóc Trăng.

Một trong những thông tin lạc quan hiếm hoi trong bối cảnh ảm đạm của thị trường lúa gạo hiện nay là giá xuất khẩu một số mặt hàng gạo thơm cao cấp vẫn giữ ở mức cao, đặc biệt là hai chủng loại gạo thơm ST5 và ST20 được sản xuất tại Sóc Trăng.

* ST5 - triển vọng xuất khẩu cao

Trong khi thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam khá trầm lắng, một số mặt hàng gạo thơm chất lượng cao vẫn phát triển khá so với những loại gạo thông thường khác. Hồng Công, Đài Loan, Ma Cau, Singapore và gần đây nhất là Campuchia vẫn là những thị trường chủ lực đối với gạo thơm của Việt Nam, đặc biệt là nếp. Vì vậy, theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khả năng xuất khẩu gạo thơm năm nay cũng sẽ vào khoảng 500.000 tấn. Ông Lâm Định Quốc, Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, cho biết: “Gạo thơm của Việt Nam xuất chủ yếu là giống Jasmine 85 nhờ có giá khá rẻ, chỉ khoảng 500 USD/tấn; còn lại là gạo Lài nhập khẩu từ Campuchia về cũng được xuất với giá 730 USD/tấn. Riêng gạo thơm ST5 của Sóc Trăng có giá xuất khẩu khoảng 700 USD/tấn và đặc biệt là loại gạo ST20 có giá xuất khẩu từ 925-930 USD/tấn, nhưng vẫn không có đủ hàng để bán”.

Ông Lâm Định Quốc chia sẻ: “Tình trạng nông dân sử dụng giống kém chất lượng, rồi doanh nghiệp pha trộn quá nhiều làm mất uy tín gạo ST5 đã được khắc phục nên giá xuất khẩu gạo ST5 phục hồi. Điểm khác biệt là phần lớn sản lượng gạo thơm ST5 năm nay lại được xuất sang Campuchia”. Ông Quốc lý giải: “Campuchia nhập khẩu gạo ST5 của Việt Nam không phải để ăn mà chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Âu, hoặc bán cho các doanh nghiệp Thái Lan. Campuchia được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0% vào châu Âu, còn Việt Nam nếu xuất vào châu Âu sẽ phải chịu mức thuế lên đến 30%”.

Xuất khẩu với giá 700 USD/tấn, các doanh nghiệp vẫn có lãi nhờ giá mua lúa đầu năm tương đối thấp. Ngoài 5.000 tấn được Công ty Lương thực Sóc Trăng xuất sang Campuchia, gạo ST5 của Sóc Trăng còn được một số doanh nghiệp khác trong và ngoài tỉnh xuất sang thị trường này. Theo ông Quốc, gạo ST5 vốn đã có tiếng trên thị trường, nhất là tại các thị trường Hồng Công, Singapore, Đài Loan và mới đây là Campuchia. Nếu tiếp tục giữ ổn định chất lượng như ở vụ đông xuân vừa qua, triển vọng xuất khẩu là rất cao. “Với chất lượng và mặt bằng giá xuất khẩu như hiện nay, các doanh nghiệp sẵn sàng ký kết hợp đồng bao tiêu mức 6.200-6.300 đồng/kg (lúa khô) ngay từ đầu vụ, hoặc các hình thức hợp đồng khác theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp với nông dân” - ông Quốc khẳng định.

* ST20 - giá cao vẫn hút hàng 

Hiện nay, gạo ST20 được không ít nhà xuất khẩu và nhập khẩu quan tâm, vì theo ông Lâm Định Quốc, gạo ST20 được xem là loại gạo thơm tốt, có sản lượng tương đối lớn và khả năng mở rộng diện tích cao. Các nhà nhập khẩu cũng rất chuộng và an tâm hơn vì khó có loại gạo nào trong nước có dạng hình tương đồng để có thể pha trộn với gạo ST20. Đây cũng chính là lý do để không ít doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sẵn sàng ký kết hợp đồng bao tiêu giống lúa ST20 với mức giá 7.300 đồng/kg (lúa khô) ngay từ đầu vụ.

Giá xuất khẩu gạo thơm ST20 hiện luôn ở mức từ 925-930 USD/tấn, nhưng cũng không đủ hàng để giao. Ngoài xuất khẩu, thị trường nội địa của gạo ST20 cũng rất lớn và được đánh giá là còn nhiều tiềm năng, nhất là khu vực phía Bắc. Ông Quốc nhận định: “Công ty Lương thực Sóc Trăng đã xuất gạo ST20 sang một số thị trường và mới đây là 2 container sang Mỹ. Các phản hồi về chất lượng đang được Công ty cập nhập từ các thị trường để có chiến lược kinh doanh tiếp theo. Giá bán lẻ gạo ST20 tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội từ 25.000-26.000 đồng/kg, nếu khai thác tốt sẽ có hiệu quả cao hơn cả xuất khẩu”.

Theo ông Lâm Định Quốc, hiện nay, Công ty Lương thực Sóc Trăng đủ khả năng về vốn, nhân lực và sẵn sàng đầu tư, bao tiêu khoảng 5.000ha lúa ST20. Đối với ST5, nếu thực hiện cánh đồng mẫu lớn hoàn chỉnh, Công ty đủ khả năng bao tiêu sản lượng khoảng 30.000 tấn để xuất khẩu… Những diễn biến thị trường gạo thơm đầu năm đến nay cho thấy Đề án phát triển vùng lúa đặc sản của tỉnh Sóc Trăng đang đi đúng hướng, khi các chủng loại gạo ST của tỉnh không chỉ chinh phục được thị trường trong và ngoài nước, mà còn tạo giá trị gia tăng cho lúa gạo Sóc Trăng. Tuy nhiên, để ổn định được chất lượng, phát triển được sản lượng cần có những khuyến cáo nông dân về việc sử dụng giống cấp xác nhận, sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, nhất là sản xuất tập trung trên cánh đồng mẫu lớn theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Đây cũng chính là cơ sở để thu hút doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng bao tiêu đối với cánh đồng mẫu.

Bài, ảnh: Xuân Trường

 

Chia sẻ bài viết