24/08/2016 - 20:04

Sốt xuất huyết có chiều hướng giảm nhưng số ca bệnh vẫn còn cao

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP Cần Thơ, từ đầu năm 2016 đến 30-7, số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng 1,6 lần so với cùng kỳ. Đáng lưu ý đã có trường hợp bệnh nhi tử vong vì căn bệnh này...

Gia tăng số ca SXH nặng

 Cán bộ y tế kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ chứa nước ở nhà dân tại quận Ninh Kiều.

Từ đầu năm 2016 đến 30-7, toàn thành phố có 442 ca SXH, tăng 275 ca so với cùng kỳ. Tuy số ca mắc SXH cao nhưng so với 20 tỉnh, thành phía Nam, số ca mắc SXH tại TP Cần Thơ ở mức thấp (18/20 tỉnh, thành). Tỷ lệ mắc bệnh SXH tính trên 100.000 dân ở các quận, huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thới Lai và Phong Điền tăng cao hơn rất nhiều lần so với năm 2015. Phân tích theo tuổi, chủ yếu số mắc dưới 15 tuổi, chiếm trên 88%. Ngoài ra, số ổ dịch nhỏ SXH tăng gấp 1,26 lần (76 ổ), số mắc SXH độ nặng (độ C chiếm trên 14%). Thành phố có ca tử vong vì SXH. Đó là bệnh nhi ở ấp Định Phước, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Bé bệnh ở nhà 4 ngày, ngày 31-5-2016, vào Bệnh viện (BV) Đa khoa Ô Môn, đến ngày 1-6-2016, chuyển đến BV Nhi đồng TP Cần Thơ. Bệnh nhi tử vong ngày 7-6-2016 do sốc SXH nặng, tái sốc nhiều lần, tổn thương đa cơ quan và mất khi 69 tháng tuổi.

Trước tình hình bệnh SXH diễn biến phức tạp, từ đầu năm 2016 đến nay, ngành y tế tổ chức 3 đợt chiến dịch diệt lăng quăng; tổ chức nhiều hoạt động truyền thông như: Tọa đàm truyền hình, phát thông điệp trên Đài Phát thanh và Truyền hình, in và phân phối 150.000 tờ rơi, 2.000 áp phích, 260 băng rôn, 350 đĩa DVD, nói chuyện sinh hoạt dưới cờ... Tại các điểm nóng, lãnh đạo Sở Y tế, Ban Tuyên giáo Thành ủy, TTYTDP thành phố tổ chức nhiều đợt kiểm tra thực địa để chỉ đạo và hỗ trợ địa phương dập dịch. Tuy nhiên, theo bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc TTYTDP thành phố, nguyên nhân số ca mắc SXH tăng ở một số địa phương là do điều tra xử lý ổ dịch chưa triệt để; địa phương có tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng nhưng chưa tập huấn cho người tham gia; ban, ngành, đoàn thể chưa tham gia đầy đủ; mỗi nhóm phụ trách quá nhiều hộ gia đình; vãng gia bỏ sót hộ gia đình, dụng cụ chứa nước, các vật phế thải... Qua giám sát côn trùng, mật độ muỗi và lăng quăng tăng, là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh SXH lây lan. Năm nay có thể là chu kỳ dịch bệnh sau nhiều năm số ca mắc SXH của thành phố giảm liên tục.

Người dân còn chủ quan

Là địa phương có ca bệnh tử vong, ông Đào Sanh, Phó Giám đốc TTYTDP huyện Thới Lai, cho biết: Huyện đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm ngay sau ca tử vong. Gần 2 tháng qua, ấp Định Phước không xảy ra ca SXH. Ở 3 xã trọng điểm (Đông Bình, Đông Thuận, Trường Xuân), TTYTDP huyện kết hợp Đảng ủy, UBND các xã chỉ đạo trạm y tế tự xây dựng kế hoạch, cùng ban, ngành, đoàn thể xã, ấp đến nhà ca SXH mới mắc để giám sát lăng quăng, tiến hành phun thuốc. Ở 3 xã này, sau 2 lần phun thuốc, chỉ số Breteau dưới 10 (chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, quy định dưới 20 là đạt). Riêng xã Trường Thành, dù số ca mắc SXH không cao nhưng xã chủ động triển khai diệt lăng quăng. Thời gian tới, TTYTDP huyện tiếp tục phối hợp ban, ngành huyện, xã chủ động phòng, chống dịch SXH. Tuy nhiên, theo ông Đào Sanh, dù tuyên truyền nhiều nhưng một bộ phận nhân dân chưa thay đổi hành vi phòng, chống dịch bệnh, còn ỷ lại, chưa tự giác diệt lăng quăng, chỉ trông chờ phun thuốc; một số ban, gành địa phương không xuống địa bàn cùng nhân viên y tế vãng gia.

Tại địa bàn quận Bình Thủy, địa phương có số ca mắc SXH tăng cao. Bà Khưu Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận, cho biết: "Tính đến 19-8 số ca mắc SXH ở quận là 70 ca, tăng 38 ca so với cùng kỳ. Hướng tới, cán bộ lãnh đạo cùng cán bộ giám sát từng ca bệnh mới; phân công cán bộ Trung tâm Y tế phối hợp trạm y tế xử lý từng ca bệnh, hạn chế số ca mắc mới trên địa bàn".

Tuy số ca SXH có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn cao. Vì thế, theo bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, ngành y tế tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng vào tháng 9 và 11-2016. Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc lưu ý, Trung tâm Y tế, TTYTDP quận, huyện chủ động xử lý ổ dịch trên địa bàn. Cán bộ dịch tễ quận, huyện phải giám sát, phát hiện sớm ổ dịch để xử lý kịp thời; phải huy động đủ người để đảm bảo diệt hết lăng quăng trước khi phun hóa chất diệt muỗi. Nếu dịch bệnh không giảm trong vòng 14 ngày thì lãnh đạo Trung tâm Y tế, TTYTDP quận, huyện và thành phố phải tham gia dập dịch.

Để tăng cường nhận thức cho nhân dân về bệnh SXH, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Văn Tâm, đề nghị TTYTDP thành phố mở đợt truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền qua các cuộc họp của ban, ngành, đoàn thể. Trong đó chú trọng phối hợp với ngành giáo dục tuyên truyền về bệnh SXH để phụ huynh, học sinh chủ động tự diệt lăng quăng tại gia đình. Các địa phương, trạm y tế huy động cán bộ khu vực, cộng tác viên (dân số, HIV/AIDS, phòng, chống dịch) xóa các ổ có khả năng gây dịch bệnh. Khi vãng gia, đối với hộ vắng nhà cần giao trách nhiệm cho cộng tác viên quay lại nhắc nhở. Đối với người dân không hợp tác phòng, chống dịch, bên cạnh việc thuyết phục, nhắc nhở, cần công khai phê phán.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết