10/12/2009 - 20:29

Sốt, phát ban, tróc da đầu ngón tay, ngón chân… nên nghĩ đến bệnh Kawasaki

Bác sĩ HÀ ANH TUẤN (Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ)

Những năm gần đây, bệnh Kawasaki xuất hiện rải rác ở một số địa phương. Biểu hiện của bệnh rầm rộ, dễ nhận biết nhưng do Kawasaki vẫn còn là một bệnh khá xa lạ với người Việt Nam nên ít khi phụ huynh, bác sĩ chú ý đến. Chẩn đoán đúng bệnh và điều trị sớm là yếu tố rất quan trọng nhằm hạn chế tối đa những biến chứng của bệnh lên tim mạch.

Khô nứt môi, phát hồng ban đa dạng toàn thân là những biểu hiện của bệnh Kawasaki. Ảnh do bác sĩ Hà Anh Tuấn cung cấp 

Tháng 8-2009, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhi N.T.Y.N, 13 tháng tuổi, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Bé Y.N được chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng sốt cao 400C, bứt rứt, môi khô nứt nẻ, lưỡi đỏ như dâu tây, mắt đỏ xung huyết nhưng không có ghèn, phát ban đa dạng toàn thân, hạch cổ sưng to. Đây là những biểu hiện tiêu biểu của bệnh Kawasaki. Qua hội chẩn, xác định bệnh, bé Y.N được điều trị bằng Gamma Globulin qua đường truyền tĩnh mạch, với liều 2g/kg. Sau 24 giờ điều trị, tình trạng sức khỏe của bé được cải thiện rất tốt: hết sốt, tươi tỉnh, ăn uống trở lại. Bệnh nhi được tiếp tục điều trị, theo dõi suốt 6 tuần để tầm soát biến chứng. Bệnh nhi Y.N được điều trị đúng, kịp thời nên không xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Kawasaki là bệnh do bác sĩ người Nhật có tên Tomisaku Kawasaki phát hiện lần đầu vào năm 1967. Cho đến nay, y học chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Theo các tài liệu nghiên cứu thì Kawasaki có ái tính với người châu Á. Nhiều năm trước, bệnh rất hiếm gặp ở Việt Nam nhưng những năm gần đây, bệnh đã xuất hiện rải rác ở một số địa phương. Mỗi năm, có khoảng 3 bệnh nhi ở các tỉnh, thành ĐBSCL mắc bệnh Kawasaki được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Từ năm 2009, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đã có khả năng điều trị hiệu quả bệnh này. Điều trị bệnh Kawasaki rất tốn kém do giá thuốc điều trị cao và phải nhập từ nước ngoài. Chi phí điều trị được nhân lên theo cân nặng của trẻ với mức tính khoảng 1 triệu đồng/ 1kg cân nặng.

Kawasaki là một dạng bệnh tự miễn, gây viêm các mạch máu nhỏ và dễ gây tổn thương mạch vành (mạch máu nuôi cơ tim). Bệnh thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh khởi phát với các biểu hiện khá rầm rộ, có thể chia thành có 3 giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: Bệnh nhân sốt cấp tính, kéo dài khoảng 3 đến 10 ngày, xuất hiện hồng ban đa dạng toàn thân, nổi hạch cổ, phù chi, viêm kết mạc nhưng không có ghèn.

+ Giai đoạn 2 (bán cấp): kéo dài khoảng 2 tuần, biểu hiện bởi tăng tiểu cầu, tăng máu lắng, tróc da và dần hạ sốt.

+ Giai đoạn 3: là giai đoạn hồi phục, mất dần các triệu chứng lâm sàng. Giai đoạn này, thể trạng bệnh nhân bị suy yếu. Ngoài ra, bệnh cũng có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như: rối loạn tiêu hóa, đau bụng, gan to...

Hậu quả của bệnh thường thấy nhất là giãn mạch vành, dẫn đến bệnh lý thiếu máu cơ tim. Đáng lo hơn, Kawasaki có thể gây ra các biến chứng lên tim mạch làm tim to, suy tim... Trường hợp tổn thương gây giãn mạch vành, bệnh nhi có thể tử vong đột ngột vì nhồi máu cơ tim.

Mặc dù bệnh khởi phát ở từng giai đoạn với các biểu hiện khá rầm rộ, dễ nhận biết nhưng do bệnh ít phổ biến nên nhiều phụ huynh không biết con em mình mắc bệnh Kawasaki. Kể cả bác sĩ cũng chưa có thói quen chẩn đoán bệnh này. Mặt khác, bệnh Kawasaki cũng có thể bị chẩn đoán nhầm lẫn với viêm da dị ứng, sốt phát ban nếu không chú ý đến các biểu hiện khác và không nghĩ đến Kawasaki. Do đó, các bậc phụ huynh và cả y, bác sĩ nên nghĩ đến bệnh Kawasaki nếu trẻ sốt cao liên tục nhiều ngày kèm theo các biểu hiện sau:

+ Phát hồng ban đa dạng toàn thân, tróc da quanh hậu môn.

+ Môi khô đỏ, nứt nẻ, lưỡi đỏ như dâu tây, niêm mạc miệng và hầu đỏ lan tỏa.

+ Viêm kết mạc cả 2 bên mắt nhưng không có ghèn hoặc mủ (bệnh viêm kết mạc hay đau mắt đỏ thông thường sẽ có ghèn).

+ Viêm hạch cổ.

+ Đỏ lòng bàn tay, lòng bàn chân, phù cứng bàn tay, bàn chân. Từ tuần thứ 2 kể từ khi mắc bệnh, trẻ có thể bị tróc da đầu ngón tay chân.

Mặc dù bệnh có biến chứng nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện điều trị sớm thì hiệu quả điều trị rất cao. Tỷ lệ biến chứng lên động mạch vành giảm xuống thấp nếu bệnh nhân được điều trị đúng, kịp thời trong 10 ngày đầu khởi phát bệnh.

S. KIM (Ghi)

Chia sẻ bài viết