09/07/2024 - 08:21

Sống khỏe nhờ trồng thanh trà ngọt ra trái nghịch vụ 

Trồng 500 gốc thanh trà ngọt xử lý cho trái nghịch vụ, lão nông Huỳnh Văn Cập (59 tuổi, ngụ xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Ông Cập cùng giống thanh trà ngọt được ông xử lý cho trái ra nghịch vụ thành công.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn thanh trà ngọt được trồng ngay hàng thẳng lối đẹp mắt. Khu vườn rộng 2ha, trồng 500 gốc thanh trà ngọt của ông Cập là nơi đầu tiên được nghiên cứu xử lý cho trái nghịch vụ thành công. Ông Cập kể, cây thanh trà vốn có nguồn gốc ở vùng núi ở Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Khoảng 70-80 năm trước, loại cây này được người dân địa phương đem về trồng và trở thành trái cây đặc trưng của vùng đất này. Nhưng do người trồng nhiều, cạnh tranh giá cả nên lợi nhuận thường không cao. Trăn trở điều đó, năm 2011, ông quyết tâm săn lùng giống thanh trà ngọt ở tất cả các vườn tại thị xã Bình Minh, may mắn phát hiện được một giống thanh trà ngọt sai trĩu trái, vụ nào cũng cho trái đều đặn. "Lần mò tìm được một số giống thanh trà ngọt ở các hộ trồng lâu năm. Tôi đem ít giống về trồng thử nghiệm. Sau 3 năm trồng, thấy trái thanh trà có vị ngọt tương đương xoài cát Hòa Lộc, trái to, hạt nhỏ… Thấy tiềm năng lớn từ loại cây này, tôi quyết định đốn hết cây thanh trà chua đang trồng trên diện tích hơn 1ha để xen giống mới vào trồng", ông Cập nói.

Sau khi nhân giống thành công, ông bắt đầu chia sẻ với người dân trong vùng trồng, đồng thời đăng ký độc quyền và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long chứng nhận vườn cây đầu dòng và cây giống thanh trà ngọt đầu dòng với sản lượng 90.000 cây giống/năm. Loại cây này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và đó là điều làm khó nhà vườn. Do đó, hơn 10 năm qua, ông Cập đã cố gắng tìm các kỹ thuật để cây ra hoa, đậu trái theo ý muốn của người trồng. Để "khắc chế" thời tiết, xử lý thanh trà ra trái nghịch vụ và hướng đến cây không bỏ vụ, ông quyết định cùng các thầy cô giáo của Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu phương pháp để loại cây đặc sản của xứ Bình Minh ra trái đúng theo ý của người trồng và đến đầu năm 2024 mới đạt được những kết quả khả quan. Cây 13 năm tuổi trong vườn cho khoảng 70kg trái, cây nhỏ hơn thì 40kg trái. "Mùa thuận của thanh trà là từ sau Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết tháng 2 âm lịch. Tuy nhiên, nếu thời tiết không thuận lợi sản lượng thanh trà giảm rất mạnh. Lâu nay, nhà vườn trồng thanh trà theo lối quảng canh, không đầu tư phân thuốc, chủ yếu ra hoa, đậu trái tự nhiên nên phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Năm nào thời tiết thuận lợi thì cây cho trái nhiều, trúng mùa, còn năm nào trời lạnh muộn thì cây không ra hoa coi như thất thu. Hơn một năm qua, tôi đã thử nghiệm 4 đợt, mỗi đợt 8 gốc thanh trà. Hai đợt đầu tỷ lệ đậu trái gần gấp đôi so với để tự nhiên, 2 đợt sau tỷ lệ ra hoa cũng khá tốt", ông Cập cho biết.

Để cây thanh trà ngọt ra hoa, đậu trái nghịch vụ cần rất nhiều yếu tố, kỹ thuật khá phức tạp. Đầu tiên phải bón phân cho cây ra lá mới, sau đó tưới thuốc tạo mầm, rồi xiết nước… Sau khi cây ra hoa thì bón phân, phun thuốc theo định kỳ… Cây thanh trà ngọt mùa thuận có giá hơn 120.000 đồng/kg, nhưng trái vụ nghịch đến 160.000 đồng/kg. Hiện với 500 gốc thanh trà, mỗi năm ông Cập thu hoạch hơn 3 tấn trái. Với giá bán từ 120.000 đồng/kg, ông thu về trên 300 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí đầu tư. Theo ông Cập, nếu các đợt thử nghiệm tiếp theo cho sản lượng và chất lượng trái cao thì sang năm 2025, ông dự định sẽ áp dụng các kỹ thuật này cho toàn vườn và điều chỉnh sớm hơn để cây thanh trà có trái chín ngay đợt Tết, bán được giá tốt. Đồng thời, ông cũng sẽ nhân rộng, chia sẻ phương pháp này cho bà con có nhu cầu để các hộ trồng thanh trà không còn bị động trước thời tiết.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

 

Chia sẻ bài viết