24/04/2021 - 11:15

Song hành cùng con 

Niềm hạnh phúc của hầu hết phụ huynh là quan tâm chăm sóc con từ khi mới sinh ra rồi chập chững những bước đi đầu đời đến lúc khôn lớn. Họ luôn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Mỗi bậc phụ huynh mỗi cách song hành cùng con, không hình mẫu chung, nhưng đều hướng đến mục tiêu giúp con có kỹ năng sống, tự lập, không phụ thuộc vào người khác…

Rèn ý thức tự lập

Là con gái “rượu”, do cha mẹ muốn mai sau Khôi Nguyên (quận Ninh Kiều) phải mạnh mẽ, năng động nên đặt tên này. Gia đình khá giả, Nguyên có mọi thứ nhưng không phải muốn gì được nấy mà phải chăm ngoan, học giỏi mới được nhận thưởng là dụng cụ phục vụ học tập, chớ không là trang phục, vật dụng đắt tiền, xa xỉ. Lúc bé, Nguyên lí lắc chạy nhảy, vấp té, mẹ đến đỡ lên, xuýt xoa vỗ về, an ủi, trong khi cha tỉnh rụi, dõng dạc “Con gái tự đứng dậy, không sao”. Nguyên hay trèo leo, nghịch phá nên cha thường phạt quỳ gối, úp mặt vào vách, mẹ và nội đừng mong can thiệp. Những năm học cấp 2, mẹ và chị giúp việc thường dọn dẹp vật dụng, tập sách Nguyên bày biện khắp nhà. Cha biết chuyện liền ra lệnh cấm và Nguyên phải tự sắp đặt mọi thứ, kể cả ủi, xếp quần áo phục vụ mình. Chưa hết, mẹ phải cắt đặt việc nhà để Nguyên tập làm, vào bếp phụ mẹ, học cách nêm nếm thức ăn, cuối tuần làm các loại bánh. Cha đích thân nếm thử món Nguyên nấu, luôn khen ngon để khích lệ tinh thần. Từ khi Nguyên học lớp 6 đến lớp 12, cha không đưa rước mà mua cho chiếc xe đạp để Nguyên tự đến trường, cha không muốn Nguyên khác biệt so với bạn bè trang lứa.

“Cha đừng lo, con ổn mà. Cha cũng đừng một mình chạy xe đi thăm con nữa. Cuối tuần này con định về nhà nhưng mấy thằng bạn cùng phòng trọ rủ đi phát tờ rơi quảng cáo cho một sự kiện. Tuần sau con về kể nhiều chuyện vui nghe cha”. Những mẩu tin nhắn của Anh Tuấn (quận Ninh Kiều) gởi cho cha ở quê (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) luôn đầy ắp niềm thương kính. Lúc Tuấn 5 tuổi, mẹ lâm bạo bệnh qua đời, cha quyết định ở vậy nuôi Tuấn. Bận rộn làm vườn, làm mướn mưu sinh, anh Tấn, cha Tuấn sớm dạy con tự làm mọi việc trong căn nhà vắng bóng người lớn. Tuấn nấu cơm nhão, cơm khê, cá kho mặn chát cha cười vui “không sao con trai”. Vào lớp 6, Tuấn quen việc nội trợ, chi tiêu trong nhà, còn ra vườn phụ cha làm cỏ, cuộn rơm, tưới nước. Hằng ngày, cha hay nhắc nhở Tuấn học bài nhưng ít can thiệp, bàn luận điểm số, còn nói chủ yếu Tuấn hiểu và nắm vững kiến thức. Khi cả xóm quê chỉ có Tuấn đậu đại học ngành Quản trị kinh doanh, cha mừng đến rơi nước mắt. Gần đến ngày nhập học, thương cha vất vả xoay tiền học phí, Tuấn nói thích học nghề pha chế bartender, cha bảo tùy Tuấn chọn theo sở thích và đam mê. Rời quê nhà, Tuấn đến Cần Thơ theo học cao đẳng nghề pha chế, với quyết tâm sớm ra trường, có việc làm để phụng dưỡng cha.  

Hành trang vào đời

Chị Mỹ Phụng, mẹ Khôi Nguyên cho biết, chồng chị yêu thương nhưng không nuông chiều con. Anh luôn dạy con, ai cũng nếm trải mùi vị cuộc sống, bên cạnh hạnh phúc, có khi là thất bại, va vấp. Cha Nguyên dạy: “Ngã chỗ nào, con can đảm đứng lên chỗ đó, mới nên người được”. Lúc Nguyên trúng tuyển đại học kinh tế ở TP Hồ Chí Minh, cha rất vui và nhắc nhở “chặng đường trước mắt còn dài, con không được tự mãn mà phải phấn đấu liên tục”. Ngày Nguyên lên thành phố nhập học, cha mẹ theo cùng để giúp Nguyên thuê trọ chung với các bạn cho quen. Mẹ cho ít tiền “dằn túi”, cha mua chiếc xe gắn máy làm phương tiện đi lại. Bước sang năm học thứ hai, cha mẹ gợi ý Nguyên sắp xếp tìm việc làm thêm để cọ xát thực tế, học hỏi kỹ năng giao tiếp, ứng xử, để sớm thích nghi. Nguyên quen dần cuộc sống xa nhà, tự lập trong mọi việc, còn trang trải khoản tiền nhà trọ, chi tiêu hằng ngày. Sau khi tốt nghiệp, Nguyên tìm được việc làm phù hợp, trụ lại Sài Gòn để học thêm nâng cao trình độ. Hằng tháng, Nguyên sắp xếp về quê hay đón cha mẹ cùng đi tham quan khắp nơi.

Cha chẳng khi nào nhắc Tuấn tiết kiệm vì biết Tuấn không hề phung phí. Hễ rảnh rỗi, từ làng quê xa, cha cụ bị đi thăm Tuấn, với lỉnh kỉnh món ăn đồng quê, làm cả phòng trọ thích mê. Cha tỏ vẻ hài lòng khi Tuấn chủ động xin “chân” chạy bàn tại một nhà hàng, vừa học hỏi, trau dồi tay nghề pha chế, vừa kiếm tiền chi tiêu. Tuấn luôn áy náy vì cha sống một mình, trong khi cha Tuấn thì trấn an không có thời gian để buồn nên Tuấn an tâm rèn luyện tay nghề, kỹ năng. Khi Tuấn đủ chín chắn khởi nghiệp, cha sẵn sàng hỗ trợ Tuấn thử sức lĩnh vực kinh doanh để thỏa niềm đam mê. Dù thành công hay thất bại, Tuấn cũng tươi cười bước tiếp vì “thất bại là mẹ thành công”… Khôi Nguyên, Anh Tuấn và nhiều bạn trẻ khác luôn biết ơn các bậc phụ huynh đã “làm bạn”, giúp các em nhận thức giá trị của sự tự lập, hòa mình vào dòng chảy cuộc sống.

Khi các con trưởng thành, có những hướng rẽ khác nhau trên đường đời, chưa thể biết trước các con sẽ thất bại hay thành công, suôn sẻ hay va vấp... nhưng vẫn phải can đảm đối diện. Các bậc cha mẹ luôn mong các con khắc cốt ghi tâm những lời bảo ban, dạy dỗ đúc kết qua trải nghiệm để chọn đúng hướng đến tương lai tươi sáng.

MAI THY

Chia sẻ bài viết