06/09/2011 - 20:37

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Sống chung với biến đổi khí hậu

Theo đánh giá của các nhà khoa học, các chuyên gia, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - nơi cung cấp trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây cho cả nước sẽ chịu tác động nghiêm trọng nhất. Vì vậy, tìm những giải pháp ngăn ngừa và thích ứng với BĐKH là nội dung trọng tâm được các diễn giả đề cập tại tọa đàm “Biến đổi khí hậu và những tác hại đối với sản xuất nông nghiệp” được tổ chức tại TP Cần Thơ vào cuối tháng 8-2011.

ĐBSCL là vùng canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản lớn nhất Việt Nam, với trên 70% dân số sống ở nông thôn và ven đô thị. Nền kinh tế của vùng phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến của thời tiết, nguồn nước tự nhiên. BĐKH cùng với nước biển dâng đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, sinh thái, hoạt động xã hội, văn hóa cũng như sinh kế của người dân trong vùng.

Biến đổi khí hậu sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh kế của nông dân. 

Theo kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm START vùng Đông Nam Á, thuộc Đại học Chulalongkorn, Thái Lan và Viện Nghiên cứu BĐKH Trường Đại học Cần Thơ, trong giai đoạn 2030-2040 dưới tác động của BĐKH, nhiệt độ cao nhất trung bình mùa khô của vùng ĐBSCL sẽ gia tăng từ 33-350C lên 35-370C, lượng mưa đầu vụ hè thu sẽ giảm từ 10-20%. Trong đó, tổng lượng mưa hằng năm tại An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng sẽ giảm khoảng 20% và thời kỳ bắt đầu mùa mưa sẽ trễ khoảng 2 tuần. Các kết quả nghiên cứu cũng dự báo xu thế lũ sẽ khác đi so với hiện nay: Diện tích vùng ĐBSCL bị ngập sẽ mở rộng hơn về phía Bạc Liêu, Cà Mau, nhưng số ngày chịu ngập ở các tỉnh đầu nguồn sẽ giảm. Nhiệt độ gia tăng, mưa giảm, diện tích lũ mở rộng và mực nước biển dâng cao sẽ tác động lớn đến hệ sinh thái và sản xuất nông nghiệp; đồng thời, gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế- xã hội của vùng.

Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn BĐKH thuộc Viện Nghiên cứu BĐKH Trường Đại học Cần Thơ, BĐKH và việc thay đổi dòng chảy của sông Mekong do các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mekong được xây dựng cùng với việc Campuchia triển khai kế hoạch mở rộng hệ thống thủy nông để lấy nước của sông Mekong phục vụ cho nông nghiệp sẽ là mối đe dọa cho vùng hạ lưu. Nguy cơ thiếu nước và phù sa cho sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL sẽ càng trầm trọng. Ưu thế của vùng về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản cũng có nguy cơ mất dần...

Trước thực tế BĐKH, nước biển dâng, các địa phương trong vùng ĐBSCL đều lo ngại diện tích đất canh tác nông nghiệp của vùng sẽ mất dần do sạt lở, ngập lũ. Theo các kịch bản BĐKH, dự đoán đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng cao thêm 75cm thì 19% diện tích đồng bằng (tương đương 7.580 km2) sẽ chìm trong nước. Dưới tác động của BĐKH, trong mùa mưa, nước biển dâng làm vùng ngập lũ mở rộng hơn, sâu hơn, nước rút chậm hơn. Trong mùa nắng, nhiệt độ cao, bốc hơi nước nhiều, đập thủy điện trên thượng nguồn làm nước về hạ lưu ít, nước biển dâng cao khiến xâm nhập mặn sâu hơn vào nội đồng, vùng đất nhiễm mặn rộng hơn. Vì vậy, theo Tiến sĩ Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, trong hoàn cảnh BĐKH, các địa phương trong vùng cần liên kết các trục giao thông hiện có, xây dựng thêm cống đập phù hợp để hình thành những vùng đê bao khép kín, chủ động điều tiết nước đảm bảo sản xuất và đời sống. Có thể tổ chức vận động nhân dân góp đất đào ao giữ nước mùa mưa để sử dụng cho mùa nắng. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp ĐBSCL mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH nhưng cũng đồng thời góp phần phát thải khí nhà kính vào khí quyển gây ra BĐKH. Vì vậy, cần vận động nông dân không đốt rơm rạ làm tăng thêm lượng CO2. Ngoài trồng rừng ngập mặn ven biển, cần trồng rừng ở những nơi có điều kiện kể cả ven đê, bờ ruộng (có thể trồng những cây có giá trị kinh tế như bạch đàn, gáo để hấp thụ CO2 ), trồng lúa hảo khí mùa nắng vừa tiết kiệm nước, vừa giảm mê-tan,...

Lúa là cây lương thực quan trọng nhất của vùng ĐBSCL, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, BĐKH đã và đang tạo ra những yếu tố mới bất lợi cho cây lúa khiến năng suất giảm, chi phí sản xuất gia tăng. Để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng là lựa chọn phù hợp thích ứng với hoàn cảnh BĐKH. Thực tế, trong thời gian qua, các địa phương đã có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm từng bước thích ứng điều kiện sinh thái của địa phương. Tiến sĩ Dương Văn Chín cho rằng: Một khi diện tích đất ngập mặn ngày càng mở rộng do BĐKH thì định hướng hình thành những vùng sản xuất theo hệ thống lúa - thủy sản nước mặn là một trong những hướng đi hứa hẹn tính bền vững. Viện Lúa ĐBSCL đã nghiên cứu thành công một số giống lúa chống chịu tốt với mặn, phèn như: OM 5464, OM 6976, OM 8923... nhưng vẫn đảm bảo năng suất cao, phẩm chất tốt, gạo hạt dài, đẹp, mềm cơm.

Ở ĐBSCL, mỗi khi lũ về hứa hẹn những vụ mùa bội thu do phù sa, cá sông về theo con nước. Người dân vùng ĐBSCL lâu nay đã quen với cụm từ “sống chung với lũ”. Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn BĐKH thuộc Viện Nghiên cứu BĐKH Trường Đại học Cần Thơ: “Một ghi nhận rõ nét là người dân ĐBSCL đã có nhiều kinh nghiệm thích nghi và đối phó với lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, đất chua phèn. Tuy nhiên, BĐKH vẫn còn mới mẻ, họ chưa hiểu biết nhiều và chưa có kế hoạch cụ thể cho việc đối phó hay thích nghi với hiện tượng này”. Chính vì thế, khi BĐKH đe dọa nền sản xuất, đời sống và sinh kế, người dân vùng ĐBSCL cần tiếp cận nhiều hơn với những thông tin về BĐKH, học cách thích ứng trước những biến đổi bất thường của thời tiết. Cùng với tập quán sống chung với lũ, người dân vùng ĐBSCL cần sẵn sàng ý thức sống chung với BĐKH, với nước biển dâng cao.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết