HẠNH NGUYÊN (Theo AP, AFP)
Trong chuyến thăm Kenya nhân Ngày Quốc tế Người Tị nạn 20-6, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) đã ca ngợi kế hoạch của nước này về chương trình hội nhập nhằm giúp người tị nạn tự cung tự cấp. Điều này diễn ra trong bối cảnh thế giới ghi nhận số người tị nạn ở mức cao chưa từng có - 110 triệu người.
Người tị nạn Ukraine chạy sang Ba Lan khi xung đột mới nổ ra. Ảnh: AFP
Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi đánh giá kế hoạch hội nhập của Kenya là cách tiếp cận bền vững hơn, trái ngược với hệ thống hiện hành phụ thuộc nhiều vào viện trợ. 200 triệu USD đã được cam kết dành cho chương trình này nhưng vẫn cần thêm. Quan chức UNHCR nhấn mạnh một mô hình về chương trình hội nhập từng được thiết lập tại hạt Turkana thuộc tỉnh Rift Valley của Kenya vài năm trước và cộng đồng người tị nạn đang hưởng lợi.
Kenya hiện tiếp nhận hơn 600.000 người tị nạn đến từ 23 quốc gia, trong đó có nhiều người chạy trốn đói nghèo và hạn hán ở vùng Sừng châu Phi. Những trại tị nạn ở phía Bắc Kenya cũng như các dịch vụ cơ bản chăm lo cho người tị nạn đều đang trong tình trạng quá tải.
Ông Grandi cũng thể hiện sự lạc quan rằng bất chấp số lượng người tị nạn chạy khỏi cuộc khủng hoảng tại Sudan đã vượt mốc 500.000 người, những cam kết đưa ra tại hội nghị do LHQ bảo trợ ở Geneva (Thụy Sĩ) hồi đầu tuần sẽ giúp ích cho những người cần hỗ trợ. Theo đó, cộng đồng quốc tế đã hứa viện trợ tổng cộng 1,5 tỉ USD cho Sudan để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Sudan và giúp các nước láng giềng tiếp nhận những người chạy trốn xung đột.
Được biết, giao tranh giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Các Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF) đã khiến hàng ngàn người chết, hơn 500.000 người tìm nơi nương náu tại các quốc gia láng giềng và 2 triệu người phải di tản trong nước.
Con số đáng báo động
UNHCR cho biết tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, tình trạng bất ổn tại Afghanistan và nội chiến ở Sudan đã đẩy tổng số người lánh nạn trong nước và ở nước ngoài lên mức cao kỷ lục.
Cụ thể là cuối năm 2022, 108,4 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, tăng 19,1 triệu người so với năm 2021 và là mức tăng lớn nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được ghi nhận vào năm 1975. Trong đó, có tới 11,6 triệu người Ukraine đã phải di tản trong nước và ở hải ngoại vào cuối năm ngoái. Cuộc xung đột bùng phát ở Sudan gần đây tiếp tục thúc đẩy làn sóng di cư và nâng số người tị nạn trên toàn cầu lên 110 triệu người vào tháng 5.
Nguyên nhân khiến số lượng người tị nạn tăng cao như vậy còn là do tình trang áp bức, phân biệt đối xử và biến đổi khí hậu. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, thay vì các quốc gia giàu có, những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình lại là bên tiếp tục gánh vác gánh nặng tiếp đón những người phải rời bỏ nhà cửa. Cụ thể, khoảng 76% người tị nạn chạy sang các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Ông Grandi bày tỏ quan ngại về những quy định nghiêm ngặt hơn trong việc tiếp nhận cũng như hồi hương người di cư, nhưng không nêu rõ nước nào. Ông nhận thấy ngày càng nhiều quốc gia miễn cưỡng tuân thủ các quy định của Công ước 1951 về quy chế người tị nạn, ngay cả những nước đã tham gia ký kết. Được biết, năm 2022, hơn 339.000 người tị nạn ở 38 quốc gia đã hồi hương, trong khi 5,7 triệu người tản cư trong nước đã trở về nhà.
Ngày Quốc tế Người Tị nạn diễn ra vào ngày 20-6 hàng năm, là dịp để toàn cầu nâng cao nhận thức về những khó khăn mà người tị nạn trên khắp thế giới phải đối mặt. Nhiều hoạt động cũng được tổ chức nhằm gửi đi thông điệp về đoàn kết và hy vọng nhân Ngày Quốc tế Người Tị nạn 2023.