19/06/2019 - 19:39

Sở hữu trí tuệ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo 

Xác lập, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu chính là cách để doanh nghiệp (DN) tạo lập, bảo tồn và phát triển sản phẩm, dịch vụ có sức cạnh tranh và có chỗ đứng trên thị trường. Sở hữu trí tuệ (SHTT) đang ngày càng đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Xoay quanh vấn đề này, ông Trần Đông Phương An, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ cho biết:

- Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các DN đứng trước việc cạnh tranh gay gắt, nhất là khi có nhiều sản phẩm, dịch vụ của nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Vì vậy, yêu cầu cần thiết là các DN phải quan tâm bảo hộ quyền SHTT cho sản phẩm, dịch vụ của mình.

Việc bảo hộ quyền SHTT nói chung và quyền sở hữu công nghiệp nói riêng nhằm hướng đến mục tiêu khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo, nâng cao trình độ khoa học và công nghệ, thúc đẩy thương mại đầu tư, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa giới thiệu sản phẩm tại triển lãm ở TP Cần Thơ.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa giới thiệu sản phẩm tại triển lãm ở TP Cần Thơ.

Xin ông cho biết những cái “được” trong lĩnh vực này của thành phố trong thời gian qua là gì?

- Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của thành phố đã và đang triển khai đã góp phần hỗ trợ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, tạo lập và khai thác quyền SHTT tại địa phương. Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể trong quá trình thương mại hóa tài sản trí tuệ. Công tác hướng dẫn xác lập quyền SHTT cho các cá nhân, DN liên hệ trực tiếp hoặc qua điện thoại, email được thực hiện thường xuyên, đáp ứng đúng nhu cầu của người đến liên hệ.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về sở hữu công nghiệp ở địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các sở, ban ngành chức năng của thành phố tổ chức triển khai nhiều hội nghị chuyên đề về sở hữu công nghiệp. Qua đó thống nhất triển khai áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật về sở hữu công nghiệp của toàn xã hội, kể cả các cơ quan có chức năng quản lý và thực thi quyền như: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức của cộng đồng; mở lớp tập huấn, hội thảo; phát hành ấn phẩm và phổ biến trên cổng thông tin điện tử của Sở. Đặc biệt, hàng năm Sở đều có kế hoạch thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp tại các cơ sở, DN có sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời có ý nghĩa phòng ngừa những hành vi có ý định vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm các vi phạm có tổ chức, cố tình vi phạm, vi phạm gây hậu quả lớn cho đất nước.

Tính đến tháng 4-2019, thành phố có 3.354 văn bằng bảo hộ về nhãn hiệu được Cục SHTT cấp cho khoảng 850 cá nhân, DN. Tuy nhiên, tỷ lệ DN được bảo hộ nhãn hiệu nói chung còn rất thấp so với tổng số DN, cơ sở sản xuất kinh doanh của thành phố.  

Như vậy, đâu là những hạn chế, vướng mắc về hoạt động SHTT của thành phố, thưa ông?

- Những năm gần đây, các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh dần quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu. Mặc dù vậy, khả năng cạnh tranh của các cơ sở sản xuất, DN nhỏ và vừa còn hạn chế nên chỉ tập trung kinh doanh thu lợi nhuận chưa nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo hộ tài sản trí tuệ cũng như chưa tích cực tham gia các hoạt động đào tạo, tập huấn. Một số DN, cơ sở sản xuất mặc dù đã có thương hiệu (nhãn hiệu), nhưng do hạn chế về vốn nên chưa đầu tư nhiều cho công tác xây dựng hình ảnh và quảng bá thương hiệu; trình độ quản lý sản xuất- kinh doanh của một số cơ sở chủ yếu theo lối truyền thống gia đình phần nào hạn chế khả năng phát triển của sản phẩm. Việc xác lập nhãn hiệu tập thể đối với một số sản phẩm đặc sản, làng nghề của thành phố đã có bước phát triển nhưng còn hạn chế liên quan đến việc phân định quyền và lợi ích giữa các thành viên trong tập thể cũng như việc bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ của tổ chức tập thể.

Trong quá trình thực thi pháp luật về sở hữu công nghiệp, bên cạnh những DN chấp hành tốt pháp luật về sở hữu công nghiệp, cũng có những DN chưa thực hiện hiện tốt các quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp với mức độ khác nhau như cố tình, vô ý… Khi xảy ra xâm phạm quyền SHTT, thời gian xử lý thường mất nhiều thời gian cho cơ quan quản lý và DN. Hơn nữa, tình hình chung nhân lực quản lý và xử lý xâm phạm quyền SHTT rất mỏng so với nhu cầu thực tế do thiếu biên chế.

Để thúc đẩy hoạt động về SHTT trên địa bàn hiệu quả hơn trong thời gian tới, cần có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

- Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020 trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức cá nhân biết, tham gia hưởng lợi từ Chương trình.

Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về SHTT để nâng cao nhận thức DN, tổ chức, cá nhân về xác lập và bảo vệ quyền SHTT. Quan tâm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, DN thực hiện thủ tục đăng ký quyền SHTT, đặc biệt đăng ký ra nước ngoài đối với hàng hóa có khả năng xuất khẩu cao.

Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục tác động, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về sở hữu công nghiệp và hướng dẫn để các DN đăng ký thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ của đơn vị. Đồng thời, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND thành phố xây dựng những chương trình nhằm hỗ trợ cho các DN, đơn vị đăng ký SHTT cho những sản phẩm, dịch vụ và quảng bá hình ảnh, sản phẩm tiêu biểu của DN trên địa bàn thành phố với các địa phương trong nước và quốc tế…

Xin cảm ơn ông!

Tuyết Trinh (thực hiện)

Chia sẻ bài viết