30/07/2013 - 09:46

Siết chặt quản lý thị trường,
CHỐNG BUÔN LẬU

Các tỉnh vùng biên giới Tây Nam vẫn luôn là điểm “nóng” về buôn lậu, đặc biệt là thuốc lá, rượu ngoại và một số hàng tiêu dùng khác. Bên cạnh đó, sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại vẫn lén lút xuất hiện trên thị trường… Đó là những vấn đề “nóng” được đặt ra tại cuộc họp giao ban công tác quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh Nam bộ diễn ra mới đây tại TP Cần Thơ.

Vi phạm tràn lan

Theo báo cáo của Cục QLTT, 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng QLTT phía Nam đã xử lý 11.107 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt hành chính và bán hàng tịch thu trị giá gần 76,2 tỉ đồng. Buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hàng hóa nhập lậu vào thị trường các tỉnh phía Nam bằng nhiều đường như: gian lận trong khai báo hải quan khi nhập khẩu chính ngạch, nhập khẩu tiểu ngạch qua các cửa khẩu biên giới (Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan…) với các mặt hàng như thuốc lá điếu ngoại, đường cát, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, rượu, bia, bánh kẹo, đồ điện gia dụng, điện thoại di động, phụ tùng xe gắn máy, quần áo đã qua sử dụng… Trước tình hình này, hầu hết các Ban chỉ đạo 127 địa phương, các chi cục QLTT  cho biết mặc dù tăng cường công tác kiểm tra nhưng quản lý còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt công tác đấu tranh chống buôn lậu, bởi đầu nậu ngày càng tinh vi, phức tạp, đặc biệt với mặt hàng thuốc lá điếu và đường cát Thái Lan, trong 6 tháng đầu năm 2013, các Chi cục phía Nam đã tịch thu gần 553.000 gói thuốc lá điếu nhập lậu, tăng 55,3%; tịch thu 501,8 tấn đường cát Thái Lan, tăng 235 lần, so với cùng kỳ năm ngoái.  

  Chi cục QLTT TP Cần Thơ bắt vụ vận chuyển thuốc lá lậu trên địa bàn thành phố.

Sản xuất kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Hàng giả với các chủng loại hàng như: túi xách, dây thắt lưng, ví da, đồng hồ, mắt kính, quần áo, mỹ phẩm, thuốc tân dược, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… hình thức làm giả cũng rất đa dạng như giả về chất lượng, công thức, nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ, nhãn hiệu nổi tiếng, nguồn gốc xuất xứ. Đã có tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng chủ trương “Đưa hàng Việt về nông thôn” để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng tiêu thụ. Vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp với các hiện tượng như sử dụng hóa chất cấm, chất phụ gia không được sử dụng trong chế biến, sản xuất và bảo quản thực phẩm và hàng nông sản. Tình hình gian lận thương mại chủ yếu trong kinh doanh xăng dầu và khí hóa lỏng (gas), phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, còn một số mặt hàng và hình thức gian lận như: sản xuất kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, thiếu định lượng, ghi nội dung nhãn sai,…   

Tháo “vướng” để gỡ “khó”

Ông Phan Lợi, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh An Giang, cho biết: “Bằng mọi thủ đoạn đầu nậu đã thuê các đối tượng theo dõi lực lượng chức năng trên các tuyến đường và báo tin bằng điện thoại di động cho các đối tượng đang vận chuyển lẩn tránh. Thậm chí chúng sẵn sàng ra tay cản trở và chống trả lực lượng làm nhiệm vụ. Trong buôn lậu đường cát, chúng dùng ghe máy trọng tải lớn (20-25 tấn) làm kho chứa trên sông và dùng xuồng hoặc ghe máy nhỏ vận chuyển, lấy  hóa đơn của các nhà máy đường sản xuất trong nước hoặc hồ sơ mua hàng tịch thu hóa giá của Nhà nước để hợp thức hóa hàng lậu và đối phó với lực lượng quản lý”.  

Tỉnh Long An, có 2 điểm “nóng” buôn lậu là huyện Đức Hòa, Đức Huệ, người vận chuyển chỉ cần băng qua vài con sông từ tuyến biến giới huyện Đức Huệ là thuốc lá lậu có thể vào được nội địa. Từ đây, khoảng 1 giờ đồng hồ là có thể đưa “hàng” vào TP Hồ Chí Minh. Theo thống kê chưa đầy đủ, thông thường mỗi ngày có khoảng từ 70 đến 80 thùng thuốc lá ngoại (từ 35.000 - 40.000 gói) được vận chuyển lậu qua khu vực này, cao điểm có thể lên tới 150 - 170 thùng/ngày (từ 75.000 - 85.000 gói). Ông Phạm Đức Chi, Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh Long An, cho rằng: “Lực lượng QLTT nỗ lực nhưng thực tế là do lực lượng quá mỏng, phương tiện ít (đặc biệt là phương tiện đường sông) không thể kiểm soát thường xuyên”.

Theo Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT/BCT-BCA-BTP-BYT-VKSNDTC-TANDTC ngày 7-12-2012, hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu, hành vi buôn lậu thuốc lá với số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, còn từ 4.500 bao đến dưới 13.500 bao có thể bị phạt tù từ 3 - 7 năm. Nhưng rất ít vụ vướng vào “khung” này do các đối tượng buôn lậu “lách luật” bằng cách xé lẻ  hàng lậu và cất giấu, phân tán ở nhiều địa điểm khác nhau. Ước tính, các đầu nậu có thể kiếm lời từ 5.000 - 7.000 đồng/bao nên rất liều lĩnh. Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), thuốc lá điếu nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam khoảng 500 triệu gói mỗi năm, trong khi số lượng bị bắt giữ và tiêu hủy hàng năm chưa đến 2%. Tại hội nghị này, nhiều đại biểu đề xuất, cần chú ý cải thiện và tạo điều kiện sản xuất để người dân vùng biên giới có thu nhập ổn định cuộc sống vì hiện nay một số người dân cuộc sống khó khăn, ít am hiểu về pháp luật nên đã tiếp tay cho đầu nậu. Đồng thời cần siết chặt giao dịch mậu biên nhằm ngăn chặn việc lợi dụng chính sách ưu đãi cho cư dân biên giới để kiểm soát tốt việc gian lận thương mại.

Do cơ chế phối hợp chưa chặt chẽ, xử lý, chế tài còn quá nhẹ, nhiều cơ quan có thẩm quyền kiểm tra (Chi cục QLTT, Công an,…) phối hợp chưa đồng bộ, chồng chéo. Ông Dương Minh Dũng, Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh Đồng Nai, cho biết đã gặp phải trường hợp tuy cùng một chủng loại hàng tịch thu (1 loại hàng: lấy 3 mẫu đi kiểm nghiệm, 3 mẫu lưu và 3 mẫu cửa hàng giữ) nhưng kết quả kiểm nghiệm lại khác nhau (mẫu là hàng giả, mẫu hàng thật). Trong xử lý còn gặp những trường hợp các hộ kinh doanh trên mặt bằng thuê hoặc tạm bợ khi phát hiện liền tháo dỡ chuyển đến điểm khác; người dân chưa có thói quen có hóa đơn khi mua hàng, trong khi đây cũng là bằng chứng để cơ quan xử lý vụ việc vi phạm. Vẫn còn một số doanh nghiệp bị làm giả hàng sợ ảnh hưởng uy tín nên đã “ém” và xử êm sau khi cơ quan phát hiện. 

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng: “Các Chi cục QLTT cần tập trung đánh giá công tác quản lý địa bàn, đẩy mạnh phối hợp giữa các chi cục nhằm tạo nên sức mạnh của toàn lực lượng quản lý thị trường. Đồng thời làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu, xây dựng kế hoạch, phối hợp kiểm tra, xử lý các vụ việc phức tạp…”.

    Bài, ảnh: Khánh Nam

 

Chia sẻ bài viết