19/10/2018 - 07:49

Sẽ có một hệ thống chính sách dân tộc mới, tạo bước phát triển đột phá trong vùng đồng bào dân tộc 

 

Ngày 10-1-2018, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới (Chỉ thị 19). Về đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị này, trao đổi với Báo Cần Thơ, ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho biết:

- Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị 19, gắn với thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết 120), Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, chủ động phối hợp với các bộ, ngành hữu quan tổ chức rà soát lại hệ thống chính sách dân tộc đã và đang triển khai. Từ đó, tham mưu, đề xuất cho Chính phủ trình Quốc hội Ban hành hệ thống chính sách dân tộc mới. Trên tinh thần đó, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, hội thảo tham vấn… lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý, các địa phương… về những kết quả cũng như bất cập thực hiện các chính sách dân tộc thời gian qua.

* Ông có thể nêu khái quát kết quả bước đầu của việc rà soát hệ thống chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer ở ĐBSCL, thưa ông?

- Qua rà soát, hiện nay, có khoảng 100 chính sách, văn bản về dân tộc đã và đang triển khai thực hiện ở ĐBSCL. Hệ thống chính sách này tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, y tế, giao thông, thủy lợi và hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất và xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc… Thời gian qua, Ủy ban Dân tộc cũng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách đặc thù cho dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, trong đó có dân tộc Khmer vùng Nam bộ nhằm giải quyết khó khăn, bức xúc của người nghèo. Điển hình như: chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người  nghèo; phát triển nguồn nhân lực, người có uy tín trong đồng bào… Ngoài ra, các địa phương vùng ĐBSCL ban hành 34 văn bản để thực hiện các chính sách cụ thể cho đồng bào Khmer trên địa bàn.


Hệ thống chính sách dân tộc triển khai thời gian qua đã góp phần rất lớn trong phát triển đời sống vùng đồng bào Khmer Nam bộ. Trong ảnh: Nhiều hộ dân tộc Khmer ở Sóc Trăng phát triển nuôi bò thịt từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Ảnh: LÝ THEN

* Rất nhiều chính sách dân tộc đã được triển khai thực hiện, nhưng thực tế cho thấy, đời sống của đại bộ phận người Khmer ở Nam bộ còn nhiều khó khăn. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?

- Có thể khẳng định, hệ thống chính sách dân tộc triển khai thời gian qua đã góp phần rất lớn trong phát triển đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nói chung và dân tộc Khmer Nam bộ nói riêng. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: Nhiều chính sách hết hiệu lực thi hành hoặc chỉ mang tính chất thí điểm. Nhiều chính sách khó hoặc không thể triển khai thực hiện do thiếu nguồn lực, nhất là vốn đầu tư. Một số nội dung chính sách, nhất là ở lĩnh vực giáo dục, đào tạo khó thực hiện, không đồng bộ…

Ngoài ra, hoạt động kinh tế của người Khmer ở Nam bộ chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp: trồng trọt (lúa nước, các loại rau màu) và chăn nuôi; phần lớn lại mang tính nhỏ lẻ. Trong khi đó, nông nghiệp vùng ĐBSCL đối mặt với nhiều thách thức, nhất là biến đổi khí hậu được dự báo diễn ra rất nhanh và ngày càng khốc liệt. Theo đó, theo nhận định của các nhà khoa học, nhóm DTTS nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng là nhóm nhạy cảm nhất, chịu tác động nặng nề nhất. Mặt khác, quá trình hội nhập, tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng đến sinh kế của đồng bào dân tộc Khmer...

Những vấn đề trên ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người Khmer ở Nam bộ. Nhưng theo tôi, nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là từ chất lượng nguồn nhân lực, từ giáo dục và đào tạo cũng như đội ngũ cán bộ trong đồng bào dân tộc Khmer chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, dù Đảng, Chính phủ quan tâm, ban hành nhiều chủ trương chính sách nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở ĐBSCL vẫn còn cao, đời sống còn nhiều khó khăn.

* Hệ thống chính sách mới sẽ như thế nào, làm gì để các chính sách khi ban hành, triển khai có hiệu quả vào thực tiễn, thưa ông?

- Thông qua các hội nghị chuyên đề, hội nghị tham vấn… chúng tôi rà soát, đánh giá những chính sách nào triển khai, thực hiện đạt kết quả tốt. Những chính sách còn đang dang dở, tỷ lệ thực hiện thấp, hiệu quả mang lại chưa cao… cũng được đem ra phân tích, tìm nguyên nhân. Qua việc phân tích, đánh giá một cách cụ thể như vậy, chúng tôi sẽ tổng hợp và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian tới ban hành những chính sách ngắn gọn, tích hợp; các biện pháp thực hiện phải đồng bộ để tổ chức triển khai hiệu quả, giải quyết dứt điểm những tồn đọng. Đối với ĐBSCL, hệ thống chính sách dân tộc sẽ tập trung giải quyết những khó khăn, bức xúc về sản xuất và đời sống của đồng bào Khmer và một số DTTS khác trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cải thiện rõ rệt đời sống và tinh thần cho hộ DTTS nghèo… Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người Khmer, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa dân tộc Khmer và các dân tộc khác trong khu vực, phấn đấu đạt mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL như tinh thần Nghị quyết 120.

Với kết quả đạt được từ hệ thống chính sách dân tộc, với sự quan tâm, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và đặc biệt là đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị 19, tôi tin rằng thời gian tới sẽ có một hệ thống chính sách dân tộc mới, tạo bước phát triển mới đột phá hơn trong sự phát triển của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ và đồng bào DTTS của cả nước.

* Xin cảm ơn ông!

THANH LONG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết