10/08/2024 - 14:14

Ông Đỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ:

Sẽ chỉ đạo sát sao, kịp thời giải quyết hồ sơ đất đai của người dân, tổ chức 

Luật Ðất đai (LÐÐ) năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2024. Trong 10 ngày qua, số lượng hồ sơ liên quan thủ tục đất đai trên địa bàn TP Cần Thơ khá lớn. Có thể nói LÐÐ năm 2024 có nhiều điểm mới, phân cấp thẩm quyền cho địa phương nhiều, được người dân đồng tình. Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành 6 nghị định và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 1 thông tư hướng dẫn thi hành LÐÐ năm 2024. Tuy nhiên, trong những ngày đầu tiếp nhận các thủ tục hành chính về đất đai theo quy định mới trên địa bàn TP Cần Thơ, có nhiều thay đổi cần có sự chỉ đạo kịp thời. Xung quanh vấn đề này, ông Ðỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết:

-Sau 10 ngày LÐÐ năm 2024 đi vào cuộc sống, qua thống kê từ Văn phòng Ðăng ký đất đai và các Chi nhánh Văn phòng Ðăng ký đất đai, trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận 823 hồ sơ. Trong đó, hồ sơ chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho… (bao gồm chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa) và hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất chiếm đa số.

Qua thực tế triển khai thực hiện cho thấy, LÐÐ năm 2024 đã phân cấp mạnh mẽ về cho địa phương, một số thủ tục có sự thay đổi, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế của LÐÐ năm 2013.

* Theo LÐÐ năm 2024, người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp có quyền nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa. Vậy thủ tục này có khác gì so với các thủ tục chuyển nhượng, tặng cho khác và có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

- Những ngày qua, hồ sơ chuyển nhượng, tặng cho đất lúa tập trung nhiều ở một số quận, huyện: Ô Môn, Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Cờ Ðỏ.

Theo quy định tại khoản 7, khoản 8 Ðiều 45 LÐÐ cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa trong hạn mức quy định tại Ðiều 176 LÐÐ. Trường hợp quá hạn mức phải thành lập tổ chức kinh tế.

Trường hợp nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa trong hạn mức được thực hiện như các thủ tục nhận chuyển nhượng, tặng cho khác. Trường hợp nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa được UBND cấp huyện phê duyệt.

Việc cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa trong hạn mức đã giải quyết những hạn chế của LÐÐ năm 2013.

Công chức Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ tiếp nhận và xử lý hồ sơ đất đai của người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ. Ảnh: Quốc Thái

* Trước đây, người dân muốn chuyển mục đích sử dụng đất (SDÐ) phải đăng ký với chính quyền cấp xã để được xem xét. Sau 1 năm khi có thông báo nằm trong diện được chuyển mục đích mới được tiến hành thủ tục xin chuyển mục đích SDÐ. LÐÐ năm 2024 đã tháo gỡ bất cập này. Vậy quy trình thủ tục chuyển mục đích SDÐ sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Trình tự thủ tục chuyển mục đích theo quy định tại Ðiều 227 LÐÐ được thực hiện thông suốt từ lúc tiếp nhận hồ sơ đến khi ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích, giới thiệu nghĩa vụ tài chính và cấp giấy chứng nhận:

+ Người SDÐ nộp hồ sơ đề nghị chuyển mục đích SDÐ theo quy định.

+ Cơ quan có chức năng quản lý đất đai kiểm tra các điều kiện chuyển mục đích SDÐ. Trường hợp hồ sơ chưa bảo đảm quy định thì hướng dẫn người SDÐ bổ sung hồ sơ và nộp lại cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai.

+ Cơ quan có chức năng quản lý đất đai có trách nhiệm sau đây: Ðối với trường hợp áp dụng giá đất trong bảng giá đất để tính tiền SDÐ, thì cơ quan có chức năng quản lý đất đai lập hồ sơ trình UBND cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích SDÐ. Ðối với trường hợp xác định giá đất cụ thể để tính tiền SDÐ cơ quan có chức năng quản lý đất đai lập hồ sơ trình UBND cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích SDÐ; tổ chức việc xác định giá đất, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt giá đất tính tiền SDÐ.

+ Người SDÐ nộp tiền SDÐ theo quy định của pháp luật; trường hợp được giảm tiền SDÐ, tiền thuê đất thì cơ quan thu tiền SDÐ.

+ Cơ quan có chức năng quản lý đất đai chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để thực hiện việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền SDÐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính và trao giấy chứng nhận quyền SDÐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người SDÐ.

+ Theo quy định tại khoản 7 Ðiều 255 LÐÐ năm 2024, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã nộp hồ sơ để thực hiện thủ tục chuyển mục đích SDÐ nhưng chưa có quyết định cho phép chuyển mục đích SDÐ thì thực hiện chuyển mục đích SDÐ theo quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành; trường hợp có nhu cầu thì được thực hiện theo quy định của Luật này. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận theo LÐÐ năm 2024 (quy định chuyển tiếp tại khoản 2 Ðiều 256 LÐÐ).

LÐÐ và các văn bản quy định chi tiết đã có hiệu lực thi hành. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu HÐND, UBND thành phố ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương nhằm sớm cụ thể hóa các quy định của LÐÐ năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung chỉ đạo sát sao các phòng chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhằm góp phần phục vụ người dân và tổ chức tốt hơn.

* Xin cảm ơn ông!

Lan Phương (thực hiện)

Chia sẻ bài viết