13/03/2016 - 09:36

Sau mùa gặt

Truyện ngắn: Nguyễn Cẩm The

Chiều. Cánh đồng sau mùa gặt nồng lên mùi rạ chín, thứ hương thơm dung dị của đất trời hay níu người ta nhớ về ký ức và đưa chị trở về với những tháng ngày cũ. Những ngày tháng chộn rộn vui buồn mà giờ đây làm cho chị chợt cười chợt khóc. Cảnh này đã quen thuộc. Cứ sau một vụ mùa, khi cánh đồng được trả về làm vạt đất thênh thang màu rơm rạ, người xóm Chùa lại thấy thấp thoáng dáng người đàn bà liêu xiêu vừa đi, vừa khóc, vừa dang tay hứng từng giọt nắng sót lại của ngày. Tiếng hát đứt quãng từng hồi, vọng vào trong gió nghe như tiếng nấc của người đàn bà chịu nhiều nghịch cảnh.

Nếu bất chợt hỏi thăm một đứa bé nào trong xóm về chị, nó sẽ chỉ tay về phía đường Chùa: "Bà đó tên Hiền. Nhà bà Hiền ở sau vườn chùa, nếu lại nhà không gặp thì lên chùa. Lên chùa mà không gặp thì lội bộ ra vạt đồng này, đi miết miết hết vạt đồng thể nào cũng gặp". Hỏi sao lạ vậy? "Lạ gì đâu, bà Hiền đi kiếm thằng Khôi!". Còn hỏi người lớn trong xóm thì: "Ờ, chị Hiền hở? Hồi trước chỉ đẹp lắm, tánh lại hiền, người vui vẻ, dễ thương nhưng ngặt nỗi giờ mang bệnh thần trí rối loạn nên khi tỉnh khi điên. Thấy khùng khùng vậy mà hiền khô à, đừng có sợ!". Câu chuyện về cuộc đời chị Hiền ai cũng biết, mỗi người biết một chút rồi kể theo cách này cách khác.

 

Năm nay chị Hiền hơn bốn mươi tuổi rồi, tánh lẩn thẩn, dễ cười mà cũng mau khóc. Chị thích người ta gọi chị bằng chị. Con nít năm sáu tuổi thưa chị bằng cô, chị rầy: "Tao còn trẻ khô hà, tao chưa lấy chồng nữa mà gọi bằng cô gì?". Nhưng có khi chị cứ đi theo đám nhỏ năn nỉ hoài, xin chúng gọi mình một tiếng má. Đám con nít trong xóm, đứa nhỏ chưa biết thì sợ chị, đứa lớn thì thân với chị. Nhưng thân với chị nhất vẫn là sư Hạnh. Chị hay lên chùa tâm sự với sư Hạnh, lần nào chị cũng khóc. Còn nhớ, lần chị khóc với sư Hạnh nhiều nhất là lần chị bị người ta cướp đi đời con gái, rồi chàng trai chị yêu thương cũng vì chuyện ấy mà đem chuyện cưới xin tính với người con gái khác nơi thị thành. Đêm ấy, chị đến chùa ngồi chắp tay nghe sư Hạnh tụng kinh suốt một đêm. Đôi mắt đỏ ối rưng rưng nhìn ngọn đèn cầy. Lâu lâu nghe một tiếng nấc lên nghèn nghẹn tủi hờn. Tiếng nấc của chị làm sư Hạnh đứt quãng một hồi kinh. Sư Hạnh thở dài "Sao số con nhỏ khổ vậy không biết? Thôi, ráng lên con, mọi việc rồi qua!".

Thì từ cái bữa nhà anh Thanh rộn ràng cười nói, chiếc bảng tân hôn treo bên quày đủng đỉnh, hai họ ríu rít chúc mừng nhau, lòng chị đau như ai cắt vò trăm mảnh. Hôm ấy cũng là một ngày tháng giêng tươi đẹp, nắng từng vạt trải vàng trên gốc rạ, cánh đồng sau mùa gặt bỗng vàng óng ánh, những sợi rơm phơi mình trong nắng, gió tháng giêng cuốn theo đến cuối chân trời. Sau mùa gặt, cánh đồng chợt rộng lớn mênh mông, làm chị giật mình khi thấy mình bé nhỏ, mỗi bước chân đi sao chơi vơi và lạc lõng đến vô chừng. Cảnh chiều vẫn điềm nhiên như hôm qua anh Thanh còn nắm tay chị đi trong chiều nắng tắt, như lúc gặt từng bông lúa vàng chị thấy giọt mồ hôi lấp lánh sau nụ cười của người con trai hiền lành đôn hậu. Vậy mà hôm nay người con trai ấy lại bỏ chị trong lúc đời ngập tràn dâu bể. Chị òa lên trong niềm uất nghẹn, chị đau đớn tủi hờn oán hận con thú dữ trong cơn say đã phá tan cuộc đời của chị, làm bao ước mơ tan tành. Nước mắt chị lạc vào trong gió rồi tan mất trong sương chiều mờ mịt.

Nước mắt chảy miết rồi cũng khô cạn. Giống như lời sư Hạnh nói, "mọi chuyện rồi qua", chị về nhà trông lại vườn rau, rảnh rỗi chị lại lên chùa tưới vườn thuốc nam, chẻ mấy khúc củi, quét sân chùa, có khi ngồi chăm lại mấy luống hoa, rồi trồng thêm hoa hồng, hoa cúc, khi thì lúi cúi cạo lớp rêu bám ở chân tường rào... Nhưng tánh người cũng bắt đầu thay đổi, chị trở nên ít nói, ít cười. Nếu có cười thì cũng cười kiểu không giận, không thương, nụ cười nhàn nhạt không rõ vui buồn. Thời gian chẳng biết là bao lâu, nhưng cũng chắc đủ làm người ta nguôi ngoai niềm thương nhớ.

Còn anh Thanh, từ độ cưới vợ rồi về phố ở cũng đủ trở thành xa lạ với đất xóm Chùa. Nên bữa đó anh như khách lãng du đến chùa Sư Hạnh thắp nhang cúng viếng và để có cái gọi là "tình cờ" gặp lại người xưa. Nhưng gặp làm gì khi đôi mắt năm xưa đâu còn men sóng sánh mà có chăng chỉ là một miền khô khan, ráo hoảnh. Chị đứng trước sân chùa, ngay vạt cúc hoe vàng, nhìn anh bằng ánh nhìn đắng cay nửa thương, nửa trách. Trách anh sao lại bỏ tôi khi giông bão cuộc đời xô tôi ngã, khi tôi cần lắm một vòng tay nâng đỡ từ anh. Nhưng rồi chị nhận ra, có trách thì cũng nên trách số phận của mình, chớ trách người ta chi tội nghiệp. Nên chị xách nón lá vô thưa: "Sư Hạnh! Con về nghe!". Chị quay lưng bỏ lại khoảng sân chùa đầy nắng và một người đàn ông dáng dấp phong độ lặng nhìn theo bóng chị khuất vào những rặng cây già sau mái chùa cũ kỹ. Một ánh nhìn gởi theo ngàn lời xin lỗi mà anh cho rằng mình suốt đời nợ chị. Đã có lúc anh hối hận bởi mình yếu đuối, không vượt qua được dư luận và định kiến. Để rồi khi nhìn lại đôi mắt người xưa mới hay sâu thẳm lòng mình còn một niềm thương lắng đọng và biết rằng sẽ day dứt mãi không nguôi…

*

* *

Người ta nói cuộc đời công bằng lắm, nếu lấy của mình đi thứ này sẽ trả lại cho mình một thứ khác. Rồi một ngày chị Hiền vỡ òa trong niềm vui làm mẹ khi sư Hạnh nhặt được thằng bé trước cổng chùa. Chị Hiền tíu tít xin sư Hạnh đem thằng nhỏ về nuôi. Đứa bé là món quà của số phận, làm sống lại tâm hồn bao năm khô cằn như đất ruộng tháng giêng. Chị thầm nghĩ không biết ai một lần lầm lỡ hay có người bị hại đời để rồi không dám thừa nhận hình hài mà mình đã mang nặng đẻ đau. Chị bồng thằng bé lên tay. Chị chưa cho nó được ngụm sữa ngọt ngào của mẹ nhưng đã có một giọt nước hạnh phúc trong ngần, vị mằn mặn rơi trên đôi môi nhỏ xíu. Lần đó sư Hạnh thấy chị cười, nụ cười rạng rỡ. Sư Hạnh lần sợi chuỗi trong tay cầu trời cho hai phận đời cô lẻ tựa vào nhau, dắt dìu nhau qua hết tháng ngày trầm luân dâu bể.

Chị đặt thằng bé tên Khôi. Người ta cười: "Cái thằng con lượm mà đặt chi cái tên đẹp. Sao không đặt thằng Lượm, thằng Nhặt, hay thằng Xin…cho rồi?". Chị cười: "Đặt mấy tên đó lớn lên con em buồn". Bé Khôi càng lớn, càng có nhiều lời đồn đại khi nhìn em người ta chợt nhớ ra gương mặt hiền lành của chàng trai năm cũ nỡ bỏ quên người con gái nghèo giữa lúc nghiệt ngã nhất. Lại nhớ đến dáng vẻ người đàn ông với ánh nhìn trĩu nặng trước sân chùa năm ấy… Người ta kể rằng, một người phụ nữ ăn mặc như Tây, tay bế theo thằng bé đỏ hỏn hỏi thăm đường về chùa sư Hạnh. Khi người phụ nữ trở ra, không nhìn thấy đứa bé đâu, chỉ thấy chị ấy bước lên xe mất hút… Rồi người ta mới chực nhớ ra người phụ nữ đó là vợ anh Thanh. Nghe nói vợ chồng anh tan vỡ, anh buồn bỏ nhà đi biền biệt. Vợ anh cũng chẳng nghĩ tình, về đất xóm Chùa trả lại đứa con để dễ bề thong dong cuộc sống mới. Ai nói gì chị Hiền cũng lặng im, cặm cụi nuôi bé Khôi khôn lớn.

Mười hai tuổi, Khôi lớn rồi nên cũng biết chuyện đời mình, đời má. Nhưng làm sao em biết hết nỗi đau mười hai năm má Hiền gạt bỏ bên tai bao lời đồn đại. Em đâu biết rằng chính em là niềm vui, niềm hạnh phúc còn sót lại của cuộc đời dành cho má Hiền. Ở cái tuổi ngây ngô và bốc đồng ấy, em cần một thứ rõ ràng để hãnh diện giữa đời rằng, em có đủ đầy cả ba lẫn mẹ, để xóa bỏ mặc cảm em là đứa con lượm ở chùa…

*

* *

Rồi một chiều, ở xóm Chùa không ai nhìn thấy thằng Khôi nữa, chỉ thấy một bà mẹ chạy hoang hoải tìm con. Nước mắt rơi vãi khắp vạt đồng. Lại một buổi chiều tháng giêng sau mùa gặt, xóm Chùa nghe một tiếng khóc lúc thét gào, lúc kiệt cạn tỉ tê vọng lại từ sau mái chùa sư Hạnh rồi lịm trong vào đêm. Tiếng mõ của sư Hạnh cũng trở nên buồn tao tác. Sương phủ trên mái chùa, rơi thành những giọt dài...

Chia sẻ bài viết