14/06/2018 - 08:54

Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến kênh Cái Sắn 

Huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ có tuyến kênh Cái Sắn đi qua với chiều dài khoảng 25km, phía bờ Nam ven theo quốc lộ 80 có hàng ngàn hộ dân đang sinh sống. Gần đây, tuyến kênh này xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông, đe dọa trực tiếp đến tài sản, tính mạng của người dân. Dự báo, sạt lở sẽ còn tiếp diễn, gây thiệt hại nặng nề hơn nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời.

Hiểm họa rình rập

Đã mấy ngày qua, gia đình bà Phạm Thị Hoa và anh Huỳnh Thành Lộc (2 hộ liền kề) ở ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi chứng kiến nhà cửa phút chốc bị cuốn ra kênh Cái Sắn. Bà Hoa kể lại, khoảng 4 giờ 30 phút sáng 8-6-2018, cả gia đình đang ngủ bà chợt nghe tiếng “…rắc… rắc…”. Linh tính có chuyện chẳng lành, bà gọi cả gia đình thức dậy di chuyển đồ đạc, vật dụng ra ngoài. Nhưng chưa kịp di dời hết thì nửa căn nhà phía sau sụp đổ xuống sông. “Bao nhiêu năm làm lụng vất vả mới có được nhưng chỉ vài phút thôi là toàn bộ nửa căn nhà phía sau đổ sụp xuống sông. Chứng kiến mà xót xa!”- bà Hoa bộc bạch. Anh Huỳnh Thành Lộc kể: “Vào lúc sạt lở, vợ chồng tôi đã đi chợ mua bán rau cải nên không hay biết. Tất cả tủ, bàn, mô-tơ điện, chén, bát, vật dụng nhà bếp đều bị cuốn ra sông”. Rất may là trong vụ sạt lở này không có thương vong về người.

Hiện trường vụ sạt lở ngày 8-6, bà con đang làm lại bờ kè.

Nguyên nhân sạt lở được xác định ban đầu do bờ kè xây dựng nhiều năm bị xuống cấp trong khi lưu lượng tàu thuyền qua lại khá đông, sóng dập vào bờ gây rò rỉ cát dẫn đến xoáy lở… Diện tích bị sạt lở khoảng 71m2, ước thiệt hại khoảng 120 triệu đồng. Trong đó, hộ bà Phạm Thị Hoa bị mất 20 triệu đồng tiền mặt và tài sản thiệt hại khoảng 50 triệu đồng… Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban Chỉ huy Phòng tránh thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn huyện Vĩnh Thạnh và xã Vĩnh Trinh đến ngay hiện trường, cử lực lượng hỗ trợ các hộ khắc phục hậu quả, di dời toàn bộ tài sản đến nơi an toàn. Các hộ bị thiệt hại cũng thuê người trục vớt đồ đạc, vật dụng và khắc phục, sửa chữa lại bờ kè, nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống.

Người dân chưa hết bàng hoàng trước vụ sạt lở trên thì ngày 11-6, tại ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Trinh, đoạn gần cầu Đốc Đinh ven quốc lộ 80 và kênh Cái Sắn (cách điểm sạt lở khoảng 4km) tiếp tục xuất hiện vết nứt phía trước sân nhà của 9 hộ dân với chiều dài khoảng 70m. Khe nứt ngày càng mở rộng, có 4 căn nhà bị xé tường, sàn nhà sụt lún. Qua khảo sát của ngành chức năng và chính quyền địa phương, toàn bộ khu vực này có chiều dài khoảng 130m, nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào, đe dọa đến tính mạng và tài sản của 16 hộ dân đang sinh sống.

Căn nhà của chị Đặng Thị Viễm mua với giá 300 triệu đồng, gia đình chị tu bổ, sửa chữa thêm 100 triệu đồng, vừa ở được khoảng 5 tháng đã bị sụt lún, xé tường... Chị Viễm buồn bã nói: “Toàn bộ số tiền dành dụm đổ hết vào căn nhà và còn vay mượn thêm bên ngoài. Giờ thì trắng tay! Tôi mong chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ cho gia đình tôi ổn định cuộc sống”.

Chủ động đảm bảo an toàn cho nhân dân 

Theo ông Nguyễn Đông Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, xã đã báo cáo sự việc về UBND huyện. Trước mắt, địa phương cử lực lượng di dời tài sản, đồ đạc của bà con đến nơi an toàn, động viên bà con tìm chỗ ở tạm. Mặt khác, tiến hành rà soát, nắm bắt nhu cầu về chỗ ở của các hộ trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở để đề nghị UBND huyện bố trí nền tái định cư tại các khu dân cư trên địa bàn huyện.

 Toàn tuyến kênh Cái Sắn đi qua huyện Vĩnh Thạnh có chiều dài khoảng 25km. Qua rà soát của ngành chức năng, cả 2 bờ đều xuất hiện nhiều điểm bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài gần 1,3km, có đoạn bị sạt lở 5- 7m, có đoạn hàng chục mét. Năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, huyện Vĩnh Thạnh đã trích gần 500 triệu đồng cùng với nhân dân gia cố bằng cách đóng cừ tràm hoặc cây tre kết hợp rào lưới đổ đất; đến nay đã cơ bản hoàn thành. Riêng phía bờ Nam kênh Cái Sắn, nhà cửa san sát nhau, nhiều năm qua bà con cũng tự ý thức bồi đắp bảo vệ, làm bờ kè hoặc đóng hàng rào bằng trụ đá, đổ cột bê tông và tấn đá… Tuy nhiên, do hệ thống bờ kè đã xuống cấp và đa phần là nhà bán kiên cố nên nhiều hộ khó khăn chỉ làm tạm bợ, vì thế nguy cơ sạt lở và gây thiệt hại rất cao.

Ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng và xã Vĩnh Trinh tiếp tục theo dõi các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở, tổ chức di dời tài sản và người dân đến nơi an toàn, đồng thời thống kê thiệt hại để báo cáo về thành phố xin hỗ trợ. Huyện cũng sẽ ưu tiên bố trí nền tái định cư tại khu dân cư xã Thạnh Quới cho các hộ bị thiệt hại; chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền vận động nhân dân nhất là trên tuyến kênh Cái Sắn kiểm tra hệ thống bờ kè, chủ động tu bổ đảm bảo an toàn. Về lâu dài, huyện kiến nghị thành phố và các sở ngành chức năng tiến hành khảo sát toàn tuyến bờ Nam kênh Cái Sắn và có giải pháp hỗ trợ cho  huyện giải quyết tình trạng sạt lở, tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra".

Bài, ảnh: MINH HẢI

Chia sẻ bài viết