01/04/2012 - 07:12

Sạt lở nghiêm trọng ở Cái Cám - Cà Mau

Ngư dân Lê Văn Hào lấy vợ, cất nhà ra riêng cặp vạt rừng phòng hộ Cái Cám (xã Tân Hải, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) để tiện mưu sinh. Lần cất nhà lúc mới cưới vợ năm 18 tuổi, giờ ông Ba Hào đã 62. Cái nền nhà ngày nào với ông Hào giờ chỉ còn là quá khứ, bởi nơi ấy đã bị sóng biển hung tợn cuốn phăng ra khơi xa, không còn nhìn thấy dấu vết…


6 năm 3 lần dời nhà

Chiều tháng 3, biểm êm... Đoàn cán bộ chuyên ngành đi khảo sát tình hình sạt lở. Thấy người lạ dòm dòm, ngó ngó chỉ tay về đoạn bờ kè rọ đá chống lở, mấy lão ngư ở làng chày Cái Cám tụm rụm xì xào. Ông Ba Hào đưa tay về hướng biển chỉ mấy chiếc ghe cạn (ghe biển công suất nhỏ đánh bắt gần bờ) đậu tít khơi xa, giọng trĩu buồn: “Nhà tôi hồi trước gần mấy chiếc ghe đang đậu đó, có mắm, đước... dày đặc. Vậy mà hổng lâu sau, sóng biển cuốn đi hết, cả rừng nó còn hổng tha...”.

Một đoạn kè bê tông dự ứng lực đang thi công ở đê biển Tây (đoạn thuộc huyện U Minh). 

Hơn 40 năm sống đời bám biển ở Cái Cám, ông Ba Hào hổng nhớ nổi đã dời nhà bao nhiêu lần. Ông chỉ biết trong vòng 6 năm gần đây, gia đình đã dời nhà đến 3 lần để chạy sóng. Lần gần đây nhất ông dời tuốt vào đất liền cách bờ biển Cái Cám khoảng 30m, có kè rọ đá chắn sóng bảo vệ nhưng trong lòng vẫn bất an. Ông Hào lo lắng: “Hổng biết kè rọ đá này chịu sóng được bao lâu, hổng chừng nay mai gì tiếp tục dời nhà”.

Đó cũng là tâm trạng lo lắng chung của phần lớn ngư dân làng chày Cái Cám. Qua khảo sát sơ bộ, Cái Cám hiện có trên 200 hộ sinh sống và hầu hết từng dời nhà để chạy sạt lở. Riêng tháng 3 này, mặc dù được cho rằng thường xuyên biển êm nhưng đã có ít nhất 4 hộ phải dời khẩn cấp vì sạt lở đến cặp vách nhà. Anh Ngô Minh Đua (38 tuổi), lập nghiệp ở cửa biển Cái Cám 10 năm và có 3 lần dời nhà để chạy lở, ngao ngán: “5 năm gần đây, thời tiết mưa nắng thất thường, biển nổi sóng to nhiều hơn, cuốn rừng, cuốn đất đai ra biển vượt tầm kiểm soát và dự đoán của mọi người. Hơn 6 năm trước, con rạch đổ ra cửa biển nước ròng xắn quần lội ngang còn được, giờ thì sóng làm bể banh chành, mênh mông như Phá Tam Giang”.

“Hồi năm 2009, khi Nhà nước chưa làm kè rọ đá chắn sóng trước cửa biển này, chỉ trong một đêm mưa giông, sóng biển đánh sập vách nhà tôi, tới sáng ngủ dậy dòm cái sân đất trước nhà bị biến thành vũng nước. Cái sân ấy nằm gần với cây mắm già mà mấy chú thấy đó, giờ nó ở tuốt ngoài kia kìa” - anh Đua kể.

Cứu lở khẩn cấp

Theo báo cáo khẩn của Trạm Thủy lợi huyện Phú Tân gởi lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, nạn sạt lở đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhà của 4 hộ dân, cần phải di dời đột xuất; do tình hình sạt lở rất nghiêm trọng nên 7 hộ khác (khoảng 20 nhân khẩu) sinh sống tại cửa biển Cái Cám phải liên tục dời nhà vào phía trong, cuộc sống không ổn định. Báo cáo cũng dự trù về lâu dài tình hình sạt lở sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến 10 hộ dân khác, đe dọa mất thêm khoảng 30ha đất rừng phòng hộ; ảnh hưởng gián tiếp đến hàng chục hộ dân sống trên tuyến kênh Cái Cám, hai bên bờ sông gần cửa biển này. Các công trình đang bị sóng biển tấn công là Trường Tiểu học Tân Nghiệp B, Trụ sở văn hóa ấp Cái Cám, khu tái định cư Cái Cám...

Từ năm 2009-2011, tỉnh Cà Mau đầu tư khoảng 104 tỉ đồng để xây dựng trên 6.400m kè (kè ngầm tạo bãi, kè bản nhựa và kè bê tông dự ứng lực) để chống lở ở đê biển Tây nhưng vẫn chưa thật sự hiệu quả. Triều cường dâng cao kèm theo sóng to những tháng đầu năm 2012 tiếp tục tàn phá tuyến đê này. Có thêm 4 điểm sạt lở mới vừa được phát hiện với tổng chiều dài trên 1.100m. Tỉnh vừa xem xét ứng vốn để xây kè chống lở các đoạn nêu trên, cố gắng hoàn thành trước mùa mưa bão 2012 – ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết.

Chỉ tay về những “hàm ếch” cặp bờ sông Cái Cám ngày càng rộng ra, Trưởng Trạm thủy lợi huyện Phú Tân-Phạm Tiến Bình cho biết: “Bước qua độ tháng 4 âm lịch thì tình hình sạt lở nơi đây khác hẳn rồi, chứ không êm ắng như bây giờ đâu. Trong vòng 7 năm trở lại đây, tôi đã đo đất và rừng phòng hộ nơi đây bị sóng biển cuốn mất từ 150 đến 200m tính từ mé biển trở vào (tùy theo chỗ). Nếu không được quan tâm bảo vệ khẩn cấp sẽ vô cùng nguy hiểm”.

Tuyến đê biển Tây Cà Mau chiều dài khoảng 91km, trong đó có đoạn tại Cái Cám. Toàn tuyến trên có hàng ngàn hộ dân sinh sống, được tỉnh Cà Mau quy hoạch gần chục khu tái định cư nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay các công trình trên đều chậm tiến độ, dở dang. Tương tự tại Cái Cám, tỉnh Cà Mau đã quy hoạch Khu tái định cư Cái Cám (diện tích hơn 17 ha) nhằm di dời 234 hộ dân ven rừng phòng hộ huyện Phú Tân vào sinh sống. Công trình trên hiện vẫn chưa hoàn thành và hộ dân nơi đây tiếp tục đối mặt với hiểm nguy do vấn nạn sạt lở.

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng sạt lở ở Cái Cám, ông Nguyễn Long Hoai-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, cho biết: Bờ kè cửa biển Cái Cám được UBND tỉnh phê duyệt thuộc công trình hộ đê khẩn cấp trong toàn tuyến 4.600m đê biển Tây. Thời gian qua chậm triển khai do phải cân nhắc có nên áp dụng mô hình thí điểm kè bê tông dự ứng lực chắn sóng, vừa bảo vệ đê, vừa tạo bãi bồi trồng rừng phòng hộ về lâu về dài hay không. Nếu làm theo cách này cần vốn rất lớn trong khi ngân sách tỉnh còn hạn hẹp. Qua khảo sát thực tế đợt rồi, tỉnh đã nhất trí và đang hoàn tất các bước bố trí vốn. Khi có vốn đơn vị sẽ triển khai làm ngay, cố gắng hoàn thành trong năm 2012.

Bài, ảnh: HỮU TÙNG

Chia sẻ bài viết