14/02/2024 - 16:43

Sắp tới thời của thịt nhân tạo? 

NGUYỆT CÁT (Tổng hợp)


Theo dự báo, đến năm 2050, sẽ có hơn 9 tỉ người sống trên thế giới. Để nuôi ăn số lượng cư dân khổng lồ đó, Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (LHQ) ước tính sản lượng thịt toàn cầu cần phải tăng gấp đôi - đạt khoảng 470 triệu tấn/năm. Nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai, các nhà khoa học đang chạy đua phát triển các loại thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm - hay còn gọi là thịt nhân tạo - để thay thế thịt động vật.

 

Xu hướng giảm ăn thịt “thật”

Những năm gần đây, giảm tiêu thụ thịt động vật là xu hướng đang được quan tâm trên toàn cầu. Theo các chuyên gia, lo ngại về vấn đề sức khỏe và ảnh hưởng của ngành chăn nuôi tới môi trường là những nguyên nhân khiến thịt “thật” dần mất sức hút ở nhiều vùng trên thế giới, mà đặc biệt rõ rệt là ở Liên minh châu Âu (EU).

Các nhà nghiên cứu không ngừng cải thiện chất lượng và mùi vị của thịt nhân tạo nhằm sớm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, những lợi ích sức khỏe nhờ ăn chay cũng thúc đẩy nhiều người giảm tiêu thụ các sản phẩm từ động vật. Theo thống kê của LHQ, số người ăn chay ở châu Âu đã tăng gần 10% trong những năm gần đây. Tại Mỹ, 3% dân số nước này tự nhận là người ăn chay. Ở châu Á - lục địa đông dân nhất hành tinh, doanh số thịt thực vật cũng đang tăng. 

Ông Sebastian Joy - người đứng đầu tổ chức phi chính phủ ProVeg International - cho biết, việc thị trường các sản phẩm thay thế thịt “thật” đang phát triển nhanh chóng cũng góp phần quan trọng trong sự thay đổi nói trên. Theo Good Food Institute, tổ chức thúc đẩy các giải pháp thay thế các sản phẩm từ động vật, thế giới hiện có 159 công ty nuôi cấy thịt nhân tạo đang hoạt động tại 32 quốc gia. Ngành này đến nay thu hút 2,8 tỉ USD vốn đầu tư trên toàn cầu.

Chạy đua phát triển thịt nhân tạo

Trên thực tế, ngành công nghiệp thịt nuôi cấy đã “nóng” lên trong vài năm gần đây, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát và sự xuất hiện của nhiều dịch bệnh ở động vật chỉ ra sự mong manh của hệ sinh thái thực phẩm, nhất là ở các nước phải nhập khẩu nhiều. Theo Grand View Research, thị trường thịt nuôi cấy được định giá 247 triệu USD và dự kiến tăng trưởng với tốc độ hằng năm hơn 50% trong giai đoạn 2023-2030. Còn theo dự báo của Blue Horizon, một trong những hãng tiên phong đầu tư vào các loại thực phẩm protein thay thế, thị trường thịt nuôi cấy từ tế bào có thể đạt đến 140 tỉ USD trong thập kỷ tới.

Những thùng thép dùng để “nuôi” thịt gà của công ty Upside Foods.

Từ cuối năm 2020, Singapore đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép bán sản phẩm được gọi là “thịt sạch”, tức thịt không phải là thịt động vật bị giết mổ. Tính đến năm 2022, nước này thu hút được khoảng 30 công ty thử nghiệm phát triển các sản phẩm thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm nhằm nỗ lực cải thiện an ninh lương thực. Được biết, Singapore nhập khẩu 90% thực phẩm của mình và muốn cắt giảm xuống còn 70% vào năm 2030. 

Mỹ là nước thứ hai cho phép bán thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sau khi Bộ Nông nghiệp nước này, năm 2023, cấp phép sản xuất và bán thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm cho 2 công ty Upside Foods và Good Meat. 

Israel cũng là một trong số những quốc gia đang nổi lên với công nghệ thực phẩm nhân tạo, trong đó công nghệ in 3D dần trở thành xu hướng vì có thể tạo ra các sản phẩm giống thật đến từng chi tiết. Hồi tháng 5-2023, một công ty công nghệ thực phẩm Israel cho hay họ đã thành công trong việc tạo ra miếng cá phi lê nhân tạo đầu tiên bằng máy in 3D. 

Trong khi đó, công ty khởi nghiệp Gourmey của Pháp đang sử dụng các tế bào được nuôi cấy từ trứng vịt để tái tạo gan ngỗng, một món ăn đắt đỏ nhưng hứng nhiều chỉ trích vì quá trình chăn nuôi ngỗng tàn khốc. 

Lý do thịt nhân tạo được chú trọng phát triển

Theo các nhà khoa học, thịt nhân tạo có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề do quá trình chăn nuôi truyền thống gây ra. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 14,5% lượng khí thải nhà kính toàn cầu xuất phát từ việc chăn nuôi và ăn thịt gia súc, nhiều hơn cả lĩnh vực giao thông. Gia súc tạo ra khí methane gây hiệu ứng nhà kính, trong khi hoạt động phát quang đất và sử dụng phân bón trong chăn nuôi thải ra nhiều khí carbon. Trong khi đó, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Life Cycle Assessment cho thấy thịt nhân tạo gây ít tác động đến môi trường hơn so với thịt động vật, như giúp giảm sử dụng đất nông nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế các khí thải gây ô nhiễm...

So với thịt tự nhiên, thịt nuôi trong phòng thí nghiệm còn được đánh giá là có nhiều ưu điểm hơn: không chứa kháng sinh, hoóc-môn tăng trưởng, trong khi có thể được bổ sung vitamin hay sắt hoặc điều chỉnh mùi vị theo ý khách hàng. Thậm chí, nhiều chuyên gia đã có thể chỉnh sửa gien để cải thiện giá trị dinh dưỡng và hương vị thịt. 

Tuy vậy, tranh cãi là điều khó tránh đối với một sản phẩm mới như thịt nhân tạo. Bằng chứng là trong khi nhiều nước mạnh tay chi tiền đầu tư nghiên cứu để sản xuất thịt nhân tạo, thì số khác lại không cho phép phát triển và buôn bán thương mại loại thịt này. Cuối năm 2023, Ý trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm sản xuất, buôn bán và nhập khẩu thịt nhân tạo, với mục đích bảo vệ truyền thống ẩm thực và thị trường việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp của nước này.

Thịt nhân tạo là sản phẩm được tạo ra từ phòng thí nghiệm bằng cách nuôi cấy và nhân số lượng lớn các tế bào gốc có nguồn gốc từ chính động vật. Trong quy trình “nuôi”  thịt nhân tạo, các tế bào được lấy từ động vật bằng phương pháp sinh thiết, sau đó được đặt trong những bình thép lớn - gọi là các “lò phản ứng sinh học” - chứa dung dịch gồm các chất dinh dưỡng như muối, protein và carbohydrate. Ở nhiệt độ thích hợp, các tế bào được nuôi cấy sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân. Và thịt thành phẩm có thể được thu hoạch sau 2-3 tuần nuôi cấy.

Từ năm 1927 thế giới đã muốn đưa thịt nhân tạo vào bữa ăn của con người. Trải qua một loạt nghiên cứu, đến năm 1997 thịt nhân tạo từ cá xuất hiện. Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh bước đầu nghiên cứu làm thịt nhân tạo, hướng đến nguồn thực phẩm tốt cho người ăn kiêng, ăn chay, mắc các bệnh như suy thận, gout...

Chia sẻ bài viết