07/05/2015 - 10:03

Sao lại từ bỏ quyền được bảo vệ?

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQL NTD) được Quốc hội khóa 12 thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 17-11-2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Sau gần 4 năm thực thi, Luật đã góp phần không nhỏ trong việc giữ trật tự thị trường hàng hóa, nhưng vẫn còn đó không ít những bất cập. Theo nhận định của các chuyên gia, cùng với hạn chế từ cơ quan quản lý, thì việc từ bỏ quyền được bảo vệ của NTD cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này. Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (VINASTAS): Mỗi năm, Hội tiếp nhận khoảng 1.000 vụ khiếu nại của NTD. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh được thực trạng thiệt hại của NTD, mặc dù các trường hợp khiếu nại mà hội hỗ trợ giải quyết thành công trên 80%.

 Nhiều NTD đã chối bỏ đi quyền được bảo vệ của mình do chưa thực sự biết và hiểu được 8 quyền và 2 nghĩa vụ của mình.

Theo kết quả khảo sát trực tuyến do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện mới đây, cho thấy: 46% NTD từng mua phải hàng kém chất lượng/số lượng so với quảng cáo, 40% mua phải hàng có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng; khoảng 1/3 số người tham gia khảo sát (1.200 người) đã mua phải thực phẩm hết hạn, ôi hỏng, mua phải hàng giả, hàng nhái...; 27,75% số người tham gia khảo sát cho rằng mình bị đối xử “không tốt” hoặc “rất không tốt”. Tuy nhiên, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ NTD (2-3%) thực hiện việc khiếu nại. Nguyên nhân khiến NTD “ngại” đòi hỏi hay đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình là do sợ mất thời gian, không tin vào cơ chế bảo vệ và sợ tốn tiền. Đặc biệt, 90% những người tham gia khảo sát không biết đến bất kỳ cơ quan, hiệp hội, tổ chức bảo vệ NTD nào.

Theo thói quen mua sắm của phần lớn NTD hiện nay, hầu hết khi mua hàng, đặc biệt khách hàng khi mua lẻ, thường không đòi hóa đơn hay chứng cứ nào sau khi mua hàng. Cùng đó, các điểm kinh doanh cũng “lờ” đi việc xuất hóa đơn cho khách hàng. Hiện nay, gần như việc xuất hóa đơn sau khi mua hàng thường chỉ thấy tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Tuy nhiên, không ít khách hàng cũng “thờ ơ” với những chiếc hóa đơn, vứt bỏ nên đã xảy ra việc không thể đổi trả hàng sau khi mua hoặc nếu đổi được cũng mất rất nhiều thời gian của điểm kinh doanh (do phải sao kê lại hóa đơn). Chính vì lẽ đó, khi xảy ra sự việc hàng hóa kém chất lượng, NTD thường ở thế thua hoặc rất khó để được bồi thường. Thời gian qua đã từng xảy ra trường hợp, NTD sau khi mua xăng dầu kém chất lượng không có thể kiện điểm kinh doanh bởi không có hóa đơn để chứng minh được điểm cung ứng hàng hóa. Đối với mặt hàng thực phẩm cũng vậy, sau khi mua về phát hiện ôi thiu, kém chất lượng hoặc xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm, NTD cũng khó được bồi thường do không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa…

NTD luôn được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên từ thực trạng trên có thể thấy rằng, NTD đã chối bỏ đi quyền được bảo vệ do chưa thực sự biết và hiểu được 8 quyền và 2 nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, không ít người hiểu nhưng tâm lý e ngại việc khởi kiện… Những điều này đã trở thành rào cản để thực thi những quyền lợi được hưởng. Thiết nghĩ, các cơ quan Nhà nước trong việc BVQL NTD nên đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm giúp NTD hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ về quyền NTD và các cơ chế bảo vệ NTD. Cùng đó là đơn giản hóa thủ tục khiếu kiện và tạo điều kiện thuận lợi để NTD bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Bài, ảnh: Hà Linh

Chia sẻ bài viết