Những năm qua, diện tích trồng sầu riêng ở nước ta liên tục tăng mạnh, đã tạo ra sản lượng trái sầu riêng rất lớn phục vụ xuất khẩu, mang lại nguồn ngoại tệ cho đất nước và tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người. Tuy nhiên, do phát triển “nóng” diện tích sầu riêng đã tạo ra nhiều nguy cơ rủi ro cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là nguy cơ dư thừa sản lượng, giá sụt giảm và khó tiêu thụ. Ðể phát triển sản xuất bền vững, cần ngăn chặn tình trạng trồng sầu riêng tự phát tại những nơi có điều kiện sản xuất không đảm bảo, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng, nâng cao năng lực bảo quản, chế biến, xuất khẩu sản phẩm.

Thu hoạch sầu riêng tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Trong chưa đầy một thập kỷ, ngành hàng sầu riêng Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô diện tích và sản lượng, với diện tích từ 32.000ha năm 2015 đã tăng lên 178.800ha vào năm 2024, mức tăng trung bình 16.300 ha/năm. Sản lượng sầu riêng cũng tăng nhanh, với tốc độ tăng khoảng 126.000 tấn mỗi năm và đã đạt trên 1,5 triệu tấn/năm. Giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng nhanh sau khi ký Nghị định thư với Trung Quốc vào tháng 7-2022, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của năm 2022 so với năm trước là 168,8%, năm 2023 là 659,9% và năm 2024 là 42,2%. Nếu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt hơn 277 triệu USD thì năm 2023 đã hơn 2 tỉ USD và năm 2024 đạt hơn 3 tỉ USD. Sầu riêng trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược, đóng góp quan trọng vào giá trị xuất khẩu và sự tăng trưởng của khu vực nông lâm thủy sản của cả nước, tạo việc làm, thu nhập cao cho nhiều người. Trong các năm trước, khi sầu riêng bán được giá cao, mỗi công đất trồng sầu riêng, nông dân tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL có thể thu được lợi nhuận từ 60-100 triệu đồng trở lên. Nhờ vậy, nhiều hộ dân có điều kiện vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, cùng với các kết quả tích cực đã đạt, ngành sầu riêng nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ðáng chú ý, đầu ra xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc (năm 2024 chiếm 97,2%), đồng thời trái sầu riêng chủ yếu tiêu thụ dạng trái tươi và đông lạnh, việc phát triển các sản phẩm chế biến sâu còn hạn chế, liên kết chuỗi giá trị còn chưa chặt chẽ. Trong 4 tháng đầu năm 2025, khi thị trường Trung Quốc siết chặt các quy định nhập khẩu sầu riêng, ngành sầu riêng nước ta đã bị sụt giảm nghiêm trọng cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, từ đó giá bán sầu riêng của nông dân cũng bị giảm mạnh.
Hiện tốc độ tăng trưởng nhanh về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cũng đang vượt quá năng lực tổ chức sản xuất và tiêu thụ của ngành. Ðiều này đã gây khó khăn cho việc quản lý, điều tiết sản xuất nhằm cân đối cung - cầu, đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm và chuẩn hóa sản xuất để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường quốc tế. Khó khăn càng lớn khi nông dân tại nhiều nơi mở rộng diện tích trồng sầu riêng còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch bài bản và chưa gắn với vùng nguyên liệu có kiểm soát. Phần lớn diện tích được canh tác bởi nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, chưa áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật và chưa có cơ chế truy xuất nguồn gốc minh bạch. Ở khâu tiêu thụ, hệ thống thu mua, sơ chế, bảo quản, logistics cũng chưa đảm bảo tốt. Nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào thương lái, thiếu cơ sở đóng gói và kho lạnh đạt chuẩn. Từ đó, dễ xảy ra tình trạng thu hoạch chạy theo giá, hái non và sử dụng các chất cấm, làm giảm chất lượng và uy tín sản phẩm trên thị trường xuất khẩu, thậm chí mất thị trường.
Cần các giải pháp đồng bộ
Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) vừa phối hợp UBND tỉnh Ðắk Lắk tổ chức hội nghị “Phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững”. Tại hội nghị này, nhiều đại biểu kiến nghị cần kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp để ngành sầu riêng phát triển bền vững, giúp mang lại giá trị cao. Ngành chức năng cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý gắn với việc đẩy mạnh tuyên truyền để tăng cường liên kết theo chuỗi và đảm bảo tuân thủ đúng các quy định, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng sản phẩm chế biến. Chú ý quản lý chặt các vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, các vùng trồng, mã số vùng trồng và quá trình đóng gói, chế biến và xuất khẩu để đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm. Hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn và tăng cường tập huấn kỹ thuật, cập nhật thông tin thị trường, hướng dẫn nông dân và doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc để tiếp tục gia tăng xuất khẩu...
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho rằng: “Nông dân canh tác sầu riêng còn manh mún, nhỏ lẻ và không phải nông dân nào cũng cập nhật được thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng từ các thị trường xuất khẩu. Do vậy, cần có vai trò vào cuộc của các địa phương và cơ quan chức năng để đi sát hơn với nông dân, đặc biệt phải rà soát lại tình hình sản xuất, việc mua bán, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và quy trình canh tác để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và cả tiêu thụ trong nước”. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nafoods Group, cả nước đã có gần 180.000ha sầu riêng, chúng ta không nên tăng diện tích nhiều thêm nữa mà cần tập trung vào vấn đề chất lượng, làm tốt các khâu bảo quản, phát triển chế biến sâu và xuất khẩu. Ðể phát triển sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững cần có sự tham gia tích cực của các bên có liên quan, từ các bộ, ngành, địa phương đến doanh nghiệp và nông dân nhằm xây dựng và làm chủ các vùng trồng bền vững. Quản lý chặt các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và kiểm soát chặt các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất...
Sự sụt giảm về quy mô, giá trị xuất khẩu sầu riêng trong 4 tháng đầu năm 2025 là tín hiệu cảnh báo về mất cân đối giữa tăng trưởng sản xuất và năng lực tổ chức sản xuất, cũng như các thị trường xuất khẩu có yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn của sản phẩm. Theo Bộ trưởng Bộ NN&MT Ðỗ Ðức Duy, nếu không kịp thời có giải pháp quản lý căn cơ, bài bản, đồng bộ, chúng ta phải đối mặt vòng xoáy tiêu cực dư thừa sản lượng, giá sụt giảm, mất thị trường và nghiêm trọng hơn là suy giảm niềm tin của khách hàng và uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng đến phát triển bền vững ngành trái cây xuất khẩu. Ðể phát triển ngành sầu riêng bền vững, Bộ trưởng Ðỗ Ðức Duy đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, bà con nông dân quán triệt, triển khai nghiêm túc các nhóm giải pháp, nhiệm vụ tại Công điện số 71/CÐ-TTg ngày 23-5-2025 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững. Trong đó, cần chú ý rà soát, điều chỉnh, quy hoạch vùng trồng sầu riêng gắn với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thủy lợi và khả năng cơ giới hóa, kiểm soát nghiêm đất trồng, không để xảy ra tình trạng mở rộng vùng trồng tự phát, phá vỡ cơ cấu cây trồng làm mất cân đối cung cầu và các trường hợp lạm dụng đất rừng để trồng sầu riêng. Tăng cường quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân hình thành chuỗi liên kết khép kín, bền vững. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, kho lạnh, logistics, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm sầu riêng…
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG